10:29 29/06/2011

Giao dịch khủng của khối ngoại tại VNM nói lên điều gì?

Hoàng Nam

Giới đầu tư vẫn kháo nhau rằng, ngày 27/6 có lẽ là một ngày đẹp trời đối với cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam

Trên sàn liệu có bao nhiêu mã đã thực sự bị vượt “room”, và nếu vượt thì vượt bao nhiêu?
Trên sàn liệu có bao nhiêu mã đã thực sự bị vượt “room”, và nếu vượt thì vượt bao nhiêu?
Giới đầu tư vẫn kháo nhau rằng, ngày 27/6 có lẽ là một ngày đẹp trời đối với cổ phiếu VNM (của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk), khi mà thống kê tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra đến hơn 750 tỷ đồng để mua số cổ phiếu VNM lọt “room”.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có phải vốn ngoại đã thật sự bơm vào thị trường chứng khoán Việt Nam thêm 750 tỷ đồng, để mua VNM ngày 27/6?

Một chuyên gia chứng khoán khẳng định rằng điều đó là không. Bởi VNM không phải là cổ phiếu thanh khoản đến mức có thể đạt giá trị giao dịch lớn như vậy.

Theo thống kê từ HSX, VNM không phải là loại Top10 về giao dịch hàng ngày, kể cả về khối lượng lẫn giá trị. Trong tháng 6, lượng giao dịch của mã này (gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận) trung bình khoảng 300.000 đơn vị/phiên, cá biệt có 3 phiên giao dịch trước ngày 27/6 có lượng giao dịch thỏa thuận tăng lên đột biến: 926.750 đơn vị (ngày 20/6), 600.000 đơn vị (ngày 21/6) và 1.620.000 đơn vị (ngày 22/6).

Do đó, cho dù nếu nhà đầu tư nước ngoài có đủ tiền để mua 750 tỷ đồng cổ phiếu VNM, nhưng nếu nói rằng nhà đầu tư trong nước cũng tự dưng “tập kết” hàng được hơn 6 triệu cổ phiếu VNM trong ngày 27/6 để bán là không thuyết phục. Bởi thanh khoản không thể tăng lên hàng ngàn phần trăm trong vòng có một ngày, cho dù có người đổ hàng đống tiền sẵn sàng đặt lệnh mua giá trần. Bởi ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều trường hợp khi có lượng cầu khủng ở giá trần, tự nhiên bên bán chả mấy ai đặt lệnh.  

Ngày 27/6, khối ngoại đã mua một lượng rất lớn cổ phiếu VNM, lên tới 6.645.770 đơn vị, tương đương giá trị 750,373 tỷ đồng, trong đó 217.070 cổ phiếu thực hiện qua giao dịch khớp lệnh (tương đương giá trị 24,963 tỷ đồng) và 6.428.700 cổ phiếu VNM thực hiện qua giao dịch thỏa thuận (tương đương giá trị giao dịch 725,410 tỷ đồng). Trong khi đó, lượng giao dịch bán cổ phiếu VNM của khối ngoại cùng ngày chỉ là 85.000 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 9,775 tỷ đồng. Vậy giao dịch lớn của VNM nói lên điều gì?

Cũng trong ngày 27/6/2011, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán VNM từ 46% lên 49%. Như vậy, kể từ ngày 27/6/2011, số lượng chứng khoán VNM mà nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa là 181.705.520 cổ phiếu (tương đương 49% theo số lượng chứng khoán đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán 370.825.550 cổ phiếu).

Theo lý giải của chuyên gia chứng khoán này, việc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán “mở” room thêm 3% vào ngày 27/6/2011 là thời điểm thích hợp để họ chuyển hàng về đúng tên mình. Bởi có thể khối ngoại đã mua cổ phiếu VNM trước đó một thời gian dài, nhưng do cái hạn chế về “room” nên họ chỉ chính thức nắm có 46% vốn điều lệ của VNM, còn lại phải đi lòng vòng trung gian qua các tài khoản của nhà đầu tư trong nước.

Nếu đúng vậy thì có thể nói: nhà đầu tư nước ngoài đang “lách” thành công quy định về “room”. Cho nên, con số 750 tỷ đồng hay 725 tỷ đồng thực ra cũng chả phải tin vui gì và sẽ khiến cho nhiều người băn khoăn rằng: liệu còn bao nhiêu cổ phiếu đang niêm yết mà khối ngoại đang nắm vượt “room” như thế?

VNM có Nhà nước nắm 47,6%, nhà đầu tư nước ngoài muốn vượt room cũng chỉ vượt được thêm tối đa 3,4% so với hạn chế 49% theo quy định.
Tuy nhiên, với những cổ phiếu lớn khác như: ACB, BMP, BBC, SSI, VSC... hoặc những mã khác cũng sắp “hết room” thì liệu có bao nhiêu mã đã thực sự bị vượt “room”, và nếu vượt thì vượt bao nhiêu?

Chẳng hạn như ACB, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đang đạt gần 30% (bằng đúng hạn mức cho nhóm ngành ngân hàng), nhưng còn không chính thức thì bao nhiêu %? 35% hay 50% hay còn cao hơn nữa?...

Đã từng có ai đó hô hào mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để “thu hút thêm vốn ngoại”, nhưng với những trường hợp như thế này thì chưa chắc thu hút được đồng tiền mới keng nào, ngoài việc giúp hợp thức hóa quyền sở hữu mà thôi.