09:03 25/09/2008

"Giáo dục đại học là thách thức lớn của Việt Nam"

Lý Hà

"Việt Nam nổi tiếng thế giới về tinh thần lao động nhưng đáng tiếc là không đủ những lao động đạt trình độ đào tạo đại học"

Bà Goli Ameri, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Các vấn đề giáo dục và văn hóa.
Bà Goli Ameri, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Các vấn đề giáo dục và văn hóa.
Nhóm đặc trách giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đã tiến hành phiên họp đầu tiên tại Hà Nội ngày 22/9 nhằm bàn thảo những cách thức thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai nước trong hợp tác giáo dục đại học.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hoa Kỳ làm việc theo khuôn khổ này với một chính phủ nước ngoài nhằm đưa ra một kế hoạch phát triển giáo dục đại học.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Goli Ameri, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề giáo dục và văn hóa.

Xin bà cho biết kết quả sơ bộ của phiên đầu tiên Nhóm đặc trách giáo dục đã nhóm họp?

Phiên họp đầu tiên của Nhóm đặc trách giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đã thống nhất  3 vấn đề chính.

Thứ nhất, Chính phủ Mỹ thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho 5 học giả Fulbright người Mỹ sang Việt Nam làm việc trong lĩnh vực mà  Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lựa chọn.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ 8 chuyên gia giáo dục Việt Nam sang Mỹ thực hiện khóa nghiên cứu ngắn trong lĩnh vực thi  cử.

Thứ ba, cùng nghiên cứu để cải thiện hệ thống khảo thí. Phía  Mỹ sẽ mời số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và lãnh đạo trong Chính phủ Việt Nam sang tham quan và làm quen phương pháp đánh giá trường học tại Mỹ, đồng thời thực hiện hợp tác với các chuyên gia người Mỹ.

Cùng đó, phía Mỹ sẽ cử chuyên gia khảo thí sang Việt Nam làm việc theo chương trình Fulbright. Bên cạnh đó, nhóm họp đã đồng ý tiếp tục gặp nhau một lần nữa vào tháng 11/2008 tại thành phố Washington và tháng 1/2009 ở Tp.HCM.

Chúng tôi cũng đã thảo luận thêm khả năng lập ra một Viện giáo dục đại học Mỹ tại Việt Nam. Sau cuộc họp này, sẽ có nhóm cố vấn được thành lập trong đó có nhiều trường đại học, công ty của Mỹ và của Việt Nam tham gia.

Thưa bà, Viện Giáo dục đại học Mỹ sẽ thành lập ở Việt Nam do 2 Chính phủ lập  nên hay là sự hợp tác giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam?

Tôi muốn giải thích một chút về vai trò của Chính phủ Mỹ trong giáo dục đại học ở Mỹ. Vai trò Chính phủ Mỹ là tạo điều kiện giúp đỡ chứ không có vai trò kiểm soát điều hành về lĩnh vực giáo dục đại học, kể cả Bộ Giáo dục Mỹ cũng không có thẩm quyền pháp lý đối với khu vực giáo dục đại học, họ hoàn toàn độc lập.

Trên cơ sở cuộc thảo luận ngày hôm qua, các đại diện đại học Mỹ cũng đã phát biểu rằng dù ở đâu  họ cũng muốn phát huy vai trò độc lập của họ. Thời điểm này, việc thành lập  Viện giáo dục đại học vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, tôi chưa thể nói gì cụ thể. Vẫn còn cần sự thảo luận để đi đến nhất trí hai bên.

Phía Mỹ trông đợi gì qua việc thành lập Viện giáo dục đại học Mỹ ở Việt Nam, thưa bà?

Vai trò của chúng tôi là quan tâm và tạo ra những điều kiện thuận lợi để giúp Việt Nam xây dựng nền giáo dục đại học và tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn tăng  số sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn đưa khu vực giáo dục đại học Mỹ đến với Việt Nam để 2 bên trao đổi nhu cầu cũng như những hạn chế của mình để đưa ra những giải pháp có ích cho phía Việt Nam.

Theo bà, khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là gì?

Chúng tôi có hai bức thông điệp chính gửi tới Việt Nam. Đó là mở rộng cánh cửa chào đón sinh viên Việt Nam tới Mỹ và giải quyết thách thức khá quan trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là lĩnh vực giáo dục đại học.

Việt Nam là đất nước năng động có tăng trưởng kinh tế cao có dân số trẻ. Vì vậy nhu cầu cần một lực lượng lao động được giáo dục tốt và có kỹ năng tốt là rất lớn. Đây là thách thức của Việt Nam. Chúng tôi đã nghe các công ty Mỹ cho biết, đến Việt Nam đầu tư họ rất cần một lực lượng lao động có đào tạo tốt.

Như bà đã nói khó khăn của Việt Nam là trình độ người lao động, nhiều công ty nước ngoài băn khoăn về trình độ kỹ năng của lao động Việt Nam. Vậy lý do của vấn đề này theo bà là do lao động của Việt Nam chưa được đào tạo hay được đào tạo rồi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu?

Vấn đề là Việt Nam không có đủ những lao động tốt nghiệp đại học để làm những công việc đòi hỏi trình độ cao chứ không phải là lý do người Việt Nam không được đào tạo tốt. Việt Nam nổi tiếng thế giới về tinh thần lao động nhưng đáng tiếc là không đủ những lao động đạt trình độ đào tạo đại học.

Yếu tố nữa là khả năng nói tiếng Anh của lao động Việt Nam. Nhiều công ty ở Mỹ cũng đã phản ánh về vấn đề này. Hôm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng bày tỏ rằng Việt Nam mong muốn 10 năm nữa sẽ trở thành nước nói tiếng Anh.

Chính phủ Mỹ đã có cam kết thúc đẩy giáo dục đại học với những nước trên thế giới. Vậy  trong khuôn khổ hợp tác giáo dục lần này với Việt Nam, bà có nhận xét gì khác  biệt so với những nước trên thế giới mà Mỹ đã cam kết?

Rất nhiều nước quan tâm đến giáo dục đại học mà chúng tôi đã hợp tác như Ấn Độ, Brazil. Ở đó chúng tôi đã lập ra các Hội đồng giáo dục đại học để đại diện các nền giáo dục đại học của Mỹ kết hợp với các trường đại học ở các nước này. Còn ở Việt Nam thì có những đặc điểm khác với các nước này.

Chính phủ Mỹ thực sự làm việc với Chính phủ Việt Nam, đồng thời với sự tham gia của khu vực giáo dục đại học tư nhân và các Viện giáo dục đại học Mỹ để phát triển một lộ trình cho giáo dục đại học Việt Nam.

Lộ trình này sẽ bao gồm 3 nội dung chính là khuyến khích sự liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và Mỹ, tăng số sinh viên Việt Nam học ở Mỹ và thúc đẩy các chương trình giáo dục để sinh viên Việt Nam có những kỹ năng cần thiết trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Một trong 3 mục tiêu lần này là Chính phủ Mỹ muốn tăng số sinh viên Việt Nam đi du học Mỹ, vậy có thay đổi gì về chính sách để khuyến khích sinh viên Việt Nam sang học ở Mỹ như giảm khó khăn trong việc xin visa vào Mỹ, thưa bà?

Con số visa cấp cho sinh viên Việt Nam tăng 70% so với năm trước chứng tỏ là nhu cầu du học ở Mỹ của sinh viên Việt Nam đã tăng nhanh, đồng thời cho thấy tỷ lệ giải quyết thành công visa sang Mỹ đối với sinh viên Việt Nam là một trong tỷ lệ cao nhất đối với các nước khác sang Mỹ. Quá trình cấp visa của chúng tôi rất cởi mở và minh bạch.

Có những yếu tố chính mà sinh viên cần thể hiện để được cấp visa là họ phải chứng minh được khả năng chi trả và chúng tôi mong muốn là các bạn sẽ quay trở về Việt Nam để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Ở Việt Nam cũng có hiện tượng môi giới visa sang Mỹ, thực ra các bạn không cần phải qua khâu môi giới này vì quá trình cấp visa của Mỹ rất cởi mở và minh bạch.