17:57 12/06/2009

Giáo dục mầm non đang bị thả nổi?

Vũ Quỳnh

Giáo dục mầm non, chương trình phổ thông và các kỳ thi là những vấn đề "nóng" khi người đứng đầu ngành giáo dục "đăng đàn"

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn - Ảnh: TTXVN.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn - Ảnh: TTXVN.
Tại kỳ họp này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân là một trong những thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất.

Giáo dục mầm non, chương trình phổ thông và các kỳ thi là những vấn đề "nóng" khi người đứng đầu ngành giáo dục "đăng đàn".

Nhiều bức xúc cho giáo dục mầm non

Là người chất vấn  đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Thuận) báo động về việc giáo dục mầm non tư thục bị thả nổi, người dân bức xúc với những hiện tượng nhức nhối như: cho trẻ uống thuốc tăng trọng, bạo hành trẻ thương tâm, cơ sở vật chất nhếch nhách, người giữ trẻ không được đào tạo....

"Cả nước hiện có 62% trường mầm non ngoài công lập nhưng mô hình này đang bị thả nổi. Vậy chính sách và cơ chế của Bộ để nâng cao chất lượng các trường này?", đại biểu Dũng đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Tây Ninh) cũng lo lắng: ngành học mầm non còn 30% học sinh ở độ tuổi 3 - 4 tuổi không được đến trường, trong khi chưa phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, điều này khiến các em vào độ tuổi vào lớp 1, khó bắt kịp chương trình giáo dục tiểu học.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, qua kiểm tra, có 72% giáo viên đủ tiêu chuẩn về sư phạm, trong khi có nhiều cơ sở mầm non tư thục chưa được cấp phép, giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn. Ông cũng nói thực trạng 30% học sinh ở độ tuổi 3 - 4 tuổi không được đến trường là vấn đề mà ngành giáo dục cũng rất bức xúc.

Tuy nhiên ông Nhân cho biết, quản lý bậc mầm non thuộc trách nhiệm các tỉnh, địa phương, trong đó UBND các huyện, xã quyết định trực tiếp việc thành lập cũng như giám sát chất lượng. Trong khi đó, nguồn nhân lực này ở địa phương hiện vẫn quá mỏng,  thực tế là các cán bộ, nhân lực cấp xã phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên không đủ sức giám sát. "Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghĩ cách giải quyết sao cho hợp lý ", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay, ngành đang tiến hành xây dựng đề án phát triển giáo dục mầm non từ nay đến năm 2015. Song, do kinh phí có hạn, Bộ xác định không thể làm nhiều việc ngay cùng một lúc, trước mắt sẽ ưu tiên phổ cập mầm non 5 tuổi, tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy mầm non 3-4 tuổi, đi kèm theo đó là chương trình đào tạo giáo viên.
 
Bộ cũng sẽ chỉ đạo xây các trường mầm công lập 5 tuổi ở miền núi, nếu học sinh nghèo sẽ được miễn học phí, xây dựng lộ trình từ nay đến 2015 phấn đấu trên 95% các em đi học 2 buổi/ngày.
 
Sách giáo khoa sai, chương trình phổ thông quá nặng

Không phải ngẫu nhiên mà có tới  5 đại biểu liên tục đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề liên quan đến sách giáo khoa và chương trình bậc học phổ thông.

"Chương trình hiện nay quá nặng đối với học sinh tiểu học. Trách nhiệm của lãnh đạo Bộ thế nào đối với sai sót trong sách giáo khoa, đặc biệt là sách lịch sử", đại biểu Bùi Tuyết Minh chất vấn.

Ông Nhân thừa nhận "tiếp thu ý kiến đại biểu nêu chương trình học nặng" và cho hay, năm 2008 Bộ đã đánh giá một lần chương trình và sách giáo khoa nhưng kết quả đó chưa thuyết phục. Bộ sẽ kiểm tra lại nội dung sai sót ở môn lịch sử để thông báo tới đại biểu.

Với quan điểm về chương trình phổ thông quá nặng với học sinh, nhiều đại biểu cho rằng, nếu sửa chương trình thì cần làm ngay, để đến năm 2015 thì quá chậm.

Lý giải về vấn đề này,  Bộ trưởng Nhân cho hay, Bộ sẽ thiết kế đợt đánh giá về chương trình và sách giáo khoa để có quyết định về thời điểm thay đổi. Tuy nhiên, dự kiến năm 2013 mới viết xong sách, dạy thử năm 2014 và do vậy năm 2015 mới có thể đưa vào giảng dạy.

Ngoài ra, Luật Giáo dục 2005 không cho phép một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa nên nếu làm thì lại phải sửa luật.

Trả lời chất vấn về chất lượng sửa đổi sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng thông báo thêm với các địa biểu rằng, Bộ có trang web tiếp thu ý kiến, đồng thời hứa: "Ban biên tập sẽ xử lý sau mỗi năm học. Trong môn lịch sử có cái nào sai thì sẽ tiếp thu, chỉnh sửa".

Đại biểu Trần Văn Kiệt  - Vĩnh Long chất vấn Bộ trưởng xung quanh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 - 2009: "Bộ trưởng tổ chức thi theo cụm trường và chấm chéo có phải nhằm chống tiêu cực và chạy theo thành tích của ngành giáo dục không? Theo tôi biết hình thức này nhiều bất lợi và tốn kém lớn cho Nhà nước, cho địa phương, Bộ có đánh giá kết quả kỳ thi chưa? Sắp tới Bộ có thực hiện chương trình này không?".

Cùng chung quan điểm với đại biểu Kiệt, đại biểu Thái Thị An Chung hỏi: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thi theo cụm để hạn chế tiêu cực và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2009 được đánh giá là kỳ thi tốt nhất. Vậy việc đánh giá này dựa trên tiêu chí nào và bao giờ thực hiện một kỳ thi phổ thông trung học quốc gia"?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thiện Nhân cho rằng, trong kỳ thi phổ thông trung học vừa qua, số thí sinh, giám thị phạm quy giảm mạnh, tỷ lệ học sinh bỏ thi giảm hơn 3.000 em, số trường hợp tai nạn giao thông trên đường tới điểm thi cũng giảm. Việc tổ chức theo cụm và chấm chéo bài giữa các tỉnh nhằm đảm bảo khách quan để nếu thực hiện một kỳ thi thì kết quả sẽ nghiêm túc hơn.

"Trên thế giới, 90% các nước không tổ chức hai kỳ thi. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp năm nay chỉ là tiền đề, Bộ chưa khẳng định khi nào tổ chức một kỳ thi phổ thông trung học quốc gia (dùng xét tuyển đại học)", ông Nhân nhân dẫn chứng.

Tại buổi chất vấn, khá nhiều đại biểu  thắc mắc về vấn đề thực hiện một kỳ thi phổ thông trung học quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định, nếu duy trì hai kỳ thi cách nhau một tháng, mỗi kỳ thi có hơn một triệu thí sinh rất thiếu khoa học, và gây áp lực cho các em.

“Nếu tổ chức một kỳ thi phổ thông trung học quốc gia làm căn cứ xét đại học thì các em chỉ cần nộp bảng điểm, không có chút áp lực nào", ông Nhân nhấn mạnh.

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu có nêu vấn đề quản lý chất lượng trường học có đầu tư vốn của nước ngoài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì loại trường này hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận, không thuộc thẩm quyền thẩm định cấp phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề này thuộc lĩnh vực của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư.