09:51 13/05/2009

Giao thương với Trung Quốc: “Giảm nhập siêu không phải bằng cách giảm nhập khẩu”

Thúy Nhung

Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thài Bình Dương (Bộ Công Thương) nói về hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc

Ông Đào Trần Nhân.
Ông Đào Trần Nhân.
Trong những năm qua, với kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng trưởng ở mức 25%/năm, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng số một của Việt Nam.

Bên lề buổi tiếp đoàn 14 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc tới Hà Nội tìm cơ hội giao thương ngày 12/5, trao đổi với VnEconomy, ông Đào Trần Nhân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thài Bình Dương (Bộ Công Thương) nói với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc thực sự là thị trường tiêu thụ rất rộng lớn, và sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này cũng không có những yêu cầu quá cao về chất lượng.

Thưa ông, hiện những sản phẩm nào của Việt Nam đang được phía đối tác ưa chuộng và những mặt hàng gì của phía bạn đang được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm?

Ba mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua là cao su, than đá, dầu thô. Ngoài ra, còn có nông sản, lâm sản, thuỷ sản, đồ gỗ...

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, sắt thép, nguyên vật liệu... để sản xuất hàng xuất khẩu từ phía bạn. Đây cũng là thị trường cung cấp hầu hết các nguyên liệu mà Việt Nam cần đáp ứng.

Theo thống kê, hiện giao thương biên mậu đang chiếm tới 40% kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, vậy Bộ Công Thương đã  có những chính sách gì giúp cân bằng hơn trong cán cân thương mại này?

Bộ Công Thương đã rất quan tâm tới điều này. Nhưng hướng khắc phục tình trạng nhập siêu không phải bằng cách cắt giảm mạnh lượng hàng nhập khẩu từ nước này, mà chúng ta phải tăng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để cán cân thương mại không quá chênh lệch.

Bộ cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng đã qua chế biến để tạo thêm giá trị gia tăng thay vì xuất khẩu những nguyên liệu thô như hiện nay.

Về phía Vụ Thị trường châu Á-Thài Bình Dương, chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng đề án giảm nhập siêu. Trong đó, sẽ đề ra hàng loạt biện pháp từ vi mô đến vĩ mô nhằm cải thiện tình hình trên.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những nét chính trong đề án này?

Về đề án này cho phép tôi chưa “bật mí”, vì vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Qua phản ánh từ một số nguồn tin, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng bị ùn ứ tại các cửa khẩu hay bị ép giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là do đâu, theo ông?

Đó là phản ánh có tính một chiều của một số doanh nghiệp.

Quan tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết trong thời gian qua, phía Trung Quốc không gây khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Tình trạng ách tắc hàng xảy ra là do nhiều tư thương nước ta buôn bán không có hợp đồng, bán hàng theo kiểu gặp khách nào bán khách đó. Điều này đã dẫn tới hàng hoá không chỉ bị ép cấp, hàng hoá chất lượng cấp 1 nhưng vẫn bị coi là cấp thấp hơn, mà còn bị ép giá.

Thậm chí, khi vào chính vụ, nhiều nông sản của nước ta đã phải bỏ đi, chất cao như núi tại cửa khẩu. Nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp không ký kết hợp đồng với đối tác và lượng hàng đưa lên cửa khẩu lại quá nhiều so với khả năng có thể thông quan hàng ngày.

Tới đây 1/7/2009, theo quy định mới, hoa quả của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ phải có chứng minh về xuất xứ. Liệu yêu cầu này của phía bạn có ‘làm khó” cho nông sản Việt Nam, thưa ông?

Đây là thỏa thuận đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta và phía Trung Quốc. Theo đó, từ 1/7/2009, các loại quả của Việt Nam là: thanh long, vải, nhãn, dưa hấu, chuối khi xuất vào thị trường này phải có đăng ký của nơi sản xuất, nơi đóng gói.

Về phía Trung Quốc, họ cũng sẽ cung cấp thông tin của tất cả các loại hoa quả xuất được sang Việt Nam.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành phổ biến quy định mới tới người dân cũng như doanh nghiệp và đang hướng dân các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, từ nay tới thời điểm đó không còn xa nên giai đoạn đầu các nhà sản xuất cũng như kinh doanh các mặt hàng trên sẽ gặp phải khó khăn.

Nhưng về lâu dài, điều này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước theo hướng hội nhập. Ngoài ra, quy định này cũng đã hướng nhiều hơn tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Liệu trong bối cảnh  ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc có bị sụt giảm trong năm 2009?

Theo dự kiến, kim ngạch hai chiều giữa hai nước sẽ đạt 25 tỷ USD vào năm 2010. Để đạt được con số trên như quyết tâm chính trị của hai nước, trong năm 2009 này, kim ngạch hai chiều giữa hai nước vẫn phải đạt khoảng 23 tỷ USD.

* Trong năm 2008, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt gần 20,2 tỷ USD tăng hơn 27% so với năm 2007. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,5 tỷ USD (tăng khoảng 35%), nhưng nhập khẩu chỉ tăng 25,2% so với năm trước, với kim ngạch trên 15,6 tỷ USD.

Trong quý 1/2009, kim ngạch giữa hai nước chỉ ở mức 3,8 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 0,4% (đạt 932 triệu USD) và nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh (giảm 31,7%).