07:00 05/06/2007

Giầy Bình Định bán toàn bộ cổ phần Nhà nước: Khó khăn và thuận lợi

Hải Bằng

Thông tin Giầy Bình Định công bố rất sơ sài làm nhiều nhà đầu tư “không biết đâu mà lần”

Mẫu mã của Giầy Bình Định bị phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, do công ty chủ yếu gia công theo mẫu mã do nước ngoài đặt hàng.
Mẫu mã của Giầy Bình Định bị phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, do công ty chủ yếu gia công theo mẫu mã do nước ngoài đặt hàng.
Ngày 25/6 tới, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Công ty cổ phần giầy Bình Định (vốn điều lệ 15,5 tỷ đồng) sẽ bán đấu giá toàn bộ 644.100 cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần.

Sau khi đấu giá, cán bộ công nhân viên nắm giữ 45,16% và cổ đông bên ngoài sở hữu 54,84% vốn điều lệ.

Theo thống kê của Hiệp hội Giày da Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giầy dép của toàn ngành da-giầy Việt Nam năm 2006 đạt 3,59 tỷ USD tăng 20% so với năm 2005, sản lượng xuất khẩu 579 triệu đôi giầy dép các loại. Túi cặp xuất khẩu đạt trị giá 503 triệu USD tăng 7% so với năm 2005.

Giầy thể thao vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 381 triệu đôi, trị giá 2,63 tỷ USD chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, giầy nữ với số lượng 87 triệu đôi đạt trị giá 538 triệu USD chiếm gần 15%.

Xuất khẩu giầy vải vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt các loại giầy vải cao cấp thêu, in nổi và các loại giầy vải có mũ từ da được nhiều khách hàng quan tâm, năm 2006 đạt 25 triệu đôi, trị giá 217 triệu USD chiếm 6,4 % tổng kim ngạch.

Tuy số lượng giầy vải không tăng so với 2005 song giá trị xuất khẩu lại lớn hơn, điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu giầy vải cao cấp thay thế các loại giầy vải cấp thấp như trước đây. Các loại khác như dép đi trong nhà, sandal, dép đi biển đạt 75 triệu đôi, trị giá 202 triệu USD chiếm 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam dẫn đầu vẫn là các nước EU. Trước đây, xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào thị trường này chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành nhưng đến 2006 chỉ còn 50%. Thị phần xuất khẩu vào thị trường EU vẫn chiếm số lượng lớn là do giầy dép Việt Nam tiếp tục được hưởng ưu đãi theo hệ thống thuế quan phổ cập khi nhập khẩu vào EU.

Tuy nhiên do tác động của vụ kiện chống bán phá giá đối với giầy mũ da xuất xứ ở Việt Nam, từ đầu năm 2006 các doanh nghiệp da-giầy đang phải đối mặt với việc thiếu đơn hàng. Các nhà nhập khẩu EU đã trì hoãn việc đặt hàng vì họ lo sợ mức thuế chống phá giá cao. Vì vậy ngành da-giầy Việt Nam thực sự khó khăn trong thời gian qua.

Mặt khác, chi phí cho sản xuất tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng cao, trong đó chủ yếu là giá nguyên phụ liệu cho sản xuất nhưng giá bán thành phẩm không tăng và có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty da giầy.

Mẫu mã của Giầy Bình Định bị phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, do công ty chủ yếu gia công theo mẫu mã do nước ngoài đặt hàng. Bộ phận thiết kế của Giầy Bình Định yếu và thiếu nên hầu như chưa phát huy được vai trò chủ động trong việc thiết kế, sáng tạo mẫu mã của riêng công ty.

Tính cạnh tranh của cả ngành da - giầy Việt Nam còn yếu so với các nước xuất khẩu giầy dép trong khu vực, đặc biệt là với nước xuất khẩu giầy lớn như Trung Quốc do thiếu khả năng tự đảm bảo vật tư nguyên liệu trong nước, điều kiện kinh tế và hạ tầng dịch vụ của Việt Nam còn chưa theo kịp các nước và giá không cạnh tranh.

Tuy nhiên, Giầy Bình Định cũng có những thuận lợi như: ngành da giày được xem là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh như nguồn nhân lực dồi dào, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều vốn. Nhu cầu tiêu dùng giầy dép của các nước trên thế giới ngày càng gia tăng cùng với sự cải thiện đời sống kinh tế xã hội.

Giầy dép là một trong các sản phẩm tiêu dùng thời trang không thể thiếu được, đặc biệt tại các nước có khí hậu lạnh. Công ty Giầy Bình Định có bề dày hoạt động trong ngành giày dép, tạo lập được mối làm ăn lâu dài với các đối tác từ nhiều năm nay, đặc biệt là gia công hàng cho các khách hàng truyền thống cho các hãng giày nổi tiếng trong và ngoài nước.

Năm 2006, lợi nhuận sau thuế của Giầy Bình Định tăng đột biến so năm 2005, đạt 1,64 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 tỷ đồng nhưng công ty chưa có một lời giải trình nào cho các nhà đầu tư biết. Giầy Bình Định cũng không công bố thông tin về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu các loại sản phẩm như dép, mũ giầy... trong 2 năm 2005 và 2006 và vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành.

Thông tin Giầy Bình Định công bố rất sơ sài làm nhiều nhà đầu tư “không biết đâu mà lần”.