09:32 18/09/2007

Giấy sẽ đẩy mất... cá, tôm!

Thạch Phùng

Một dự án nhà máy giấy có vốn đầu tư 628 triệu USD đang gây ra nhiều tranh cãi xung quanh chuyện quy hoạch và môi trường

Vấn đề đáng lo ngại nhất là an toàn môi trường sinh thái trong khu vực.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là an toàn môi trường sinh thái trong khu vực.
Dự án nhà máy giấy có tổng vốn đầu tư lên tới 628 triệu USD (theo giấy phép, và 1,2 tỷ USD theo các công bố khác) do Công ty TNHH Giấy Lee&Man (Trung Quốc) đầu tư 100% vốn đã được khởi công vào đầu tháng 8/2007 vừa qua tại Hậu Giang và dự kiến cuối năm 2008 sẽ đi vào hoạt động.

Thế nhưng, gần đây một số vấn đề đã rộ lên chung quanh dự án này; thậm chí có ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay việc xây dựng nhà máy để cứu lấy vùng ĐBSCL và nguồn tài nguyên vô cùng quý giá ở khu vực này...

Dự án được xây dựng tại khu công nghiệp ven sông Hậu (Vị Thanh - Hậu Giang), có công suất 570.000 tấn sản phẩm mỗi năm, gồm: 420.000 tấn giấy chất lượng cao và 150.000 tấn bột giấy; dự kiến sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 6.000 lao động địa phương khi đi vào sản xuất, chưa kể hàng vạn hộ gia đình khác trong vùng sản xuất nguyên liệu.

Đồng thời đây cũng là một trong số ba dự án công nghiệp lớn có mức vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, không chỉ đưa Hậu Giang vào "top" các tỉnh, thành trong thu hút đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho một tỉnh vừa nghèo, vừa mới được thành lập những cơ hội đột phá, đặc biệt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ.

Phải chăng, chính vì thế mà dự án đã nhanh chóng được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, trong khi còn có nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu, và đặc biệt là môi trường sinh thái chưa có lời giải đáp cụ thể và thỏa đáng từ phía chủ đầu tư; và các cơ quan trách nhiệm khác, như Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chưa được mời tham gia?

Bất chấp quy hoạch và thực tế

Trong Công văn số 1311/CV-SDR ngày 6/9/2007 của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bình, gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu rõ: căn cứ theo Quyết định 160/1998/QĐ-TTg ngày 4/9/1998 của Thủ tướng về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010" thì không có quy hoạch nhà máy giấy ở Hậu Giang; và theo "Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020" cũng không hề có quy hoạch nào cho vùng nguyên liệu giấy ở khu vực ĐBSCL.

Như thế, việc cấp phép đầu tư nhà máy giấy tại Hậu Giang là bất chấp quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt!

Đáng chú ý nữa là, trên thực tế không có khả năng đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định và lâu dài. Bởi vẫn theo tính toán của Cục Lâm nghiệp: với công suất 570.000 tấn/năm, và định mức 4,5-5,0 tấn nguyên liệu cho 1 tấn sản phẩm, thì tổng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy này mỗi năm lên tới 2,5- 2,8 triệu tấn. Năng suất cây tràm, nguyên liệu chính hiện nay vào khoảng 80 m3/ha (với chu kỳ 7-8 năm) thì phải cần 270.000 ha rừng tràm nguyên liệu.

Trong khi, kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì 12 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 182.000 ha rừng sản xuất. Nếu đưa toàn bộ diện tích này vào trồng nguyên liệu giấy thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Trong thực tế, cũng sẽ không có tỉnh nào đưa toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của mình vào làm nguyên liệu cho nhà máy của Hậu Giang, do đó cao nhất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện chủ đầu tư, ông Tôn Lâm cho biết: nhà máy sẽ sử dụng đến 80% nguyên liệu là nguồn giấy phế liệu nhập khẩu. Điều này lại phát sinh vấn nạn mới, đó là: lượng giấy phế thải nhập khẩu liệu có đảm bảo ổn định lâu dài cho sản xuất, vì các nước trong vùng cũng đang hướng tới việc tận dụng và khả năng tái chế giấy? Hơn nữa, việc tiếp nhận và sử dụng nguồn giấy phế thải sẽ đẩy toàn bộ ô nhiễm cho nhân dân trong vùng hứng chịu.

Sẽ hết sạch cá, tôm?

Vấn đề đáng lo ngại nhất là an toàn môi trường sinh thái trong khu vực. Kinh nghiệm từ nhà máy giấy Bãi Bằng cho biết, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy cần tới 50 kg xút (NaOH) làm chất tẩy rửa. Với công suất 570.000 tấn/năm, tính ra mỗi năm nhà máy giấy Hậu Giang sẽ đổ ra môi trường 28.500 tấn xút, đó là chưa kể những chất thải khác từ quy trình sản xuất giấy.

Đầu tháng 9/2007, Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đã đưa vấn đề ảnh hưởng của nhà máy giấy Hậu Giang với thuỷ sản trong vùng vào chương trình nghị sự. Nhiều doanh nghiệp đã thực sự lo lắng về vấn đề chất thải của nhà máy giấy này.

Bởi nếu không có những biện pháp xử lý triệt để, chỉ cần một lượng nhất định chất thải độc hại thoát ra môi trường nuôi trồng, sẽ làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu, gây nhiễm bẩn vào các sản phẩm chế biến xuất khẩu là khó tránh khỏi... Ngoài việc có thể làm cho cá, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân, còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng thuỷ sản xuất khẩu vốn đang được các nước nhập khẩu kiểm soát nghiêm ngặt.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã tỏ ý đồng tình với một số kiến nghị do ông Nguyễn Ngọc Bình đề xuất với UBND tỉnh Hậu Giang. Đó là chỉ đạo nhà đầu tư phải cam kết thực hiện: không làm cống ngầm đổ nước thải trực tiếp ra môi trường; xây dựng bể chứa nước thải chưa xử lý phải có đáy chống thấm và phải xây tường cao; không để bể nước bị ngập vào mùa nước nổi làm nước từ bể chứa tràn ra ngoài gây nguy hiểm cho cộng đồng và huỷ hoại môi sinh; hệ thống mương thoát nước thải đã qua xử lý phải xây nổi để thuận tiện trong kiểm tra, giám sát chất lượng chất thải trước khi đổ ra môi trường; thực hiện xử lý nước thải, tách hết xút, bảo đảm chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời cũng đề nghị không chấp nhận phương án của nhà đầu tư là sử dụng 80% nguyên liệu là giấy phế liệu. Có thế mới hy vọng giấy không đẩy mất hết cá, tôm của ĐBSCL...