10:37 05/11/2010

Giới kinh doanh vàng “giải mã” cơn bão giá vàng

Kiều Oanh

Biến động giá vàng trong nước thường phụ thuộc bốn yếu tố chính: giá thế giới, tỷ giá USD, tương quan cung-cầu và chính sách

Nhìn chung, xu hướng tăng của giá vàng trong nước từ đầu năm tới nay là phù hợp với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, nhưng tốc độ tăng giá của vàng trong nước có phần vượt trội hơn.
Nhìn chung, xu hướng tăng của giá vàng trong nước từ đầu năm tới nay là phù hợp với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, nhưng tốc độ tăng giá của vàng trong nước có phần vượt trội hơn.
Từ đầu tháng 10 tới nay, giá vàng trong nước liên tục leo thang và lần lượt chinh phục các cột mốc 32, 33, rồi 34 triệu đồng/lượng, trong đó đỉnh điểm là vào ngày 4/11 khi giá vàng trong nước vọt lên 34,3 triệu đồng/lượng.

Từ góc nhìn của mình, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đưa ra các nguyên nhân dẫn tới đợt tăng giá như bão này của kim loại quý.

Thông thường, biến động của giá vàng trong nước phụ thuộc vào bốn yếu tố chính, bao gồm diễn biến giá vàng thế giới, tỷ giá USD (thường là trên thị trường tự do), tương quan cung-cầu, và chính sách của cơ quan chức năng. Trong thời gian gần đây, cả bốn yếu tố này đều có những chuyển biến lớn, dẫn tới những thay đổi chóng mặt và khó lường của giá vàng.

Nhìn chung, xu hướng tăng của giá vàng trong nước từ đầu năm tới nay là phù hợp với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, nhưng tốc độ tăng giá của vàng trong nước có phần vượt trội hơn.

Ở thời điểm kết thúc năm 2009, giá vàng giao ngay tại thị trường New York còn ở dưới mức 1.100 USD, nhưng đến ngày 3/11, giá vàng đã chốt ở mức xấp xỉ 1.350 USD/oz. Như vậy, từ đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 23%. Giá vàng trong nước khởi động năm 2010 ở ngưỡng 26,5 triệu đồng/lượng, đến cuối ngày 4/11 đạt mức 34,3 triệu đồng/lượng, nghĩa là đã tăng khoảng 29%.

Nhìn chung, cho tới hết tháng 9 năm nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối cùng nhịp với giá vàng thế giới. Thậm chí, ở nhiều thời điểm, như trong các tháng 5 và 8, khi lực bán vàng trong nước lấn át lực mua và các doanh nghiệp kim hoàn tranh thủ gom vàng để xuất khẩu, giá vàng trong nước còn đuối sức so với giá thế giới và đứng thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi có lúc cả triệu đồng mỗi lượng.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, giá vàng trong nước đang có mức tăng hơn gấp rưỡi so với giá vàng thế giới kể từ đầu năm. Giới kinh doanh vàng nhận định, nguyên nhân là, từ giữa tháng 10 tới ngày 4/11, giá vàng trong nước đã có những bước nhảy đột biến trong khi giá vàng thế giới có chiều hướng chững lại, thậm chí là… thụt lùi.

Khi giá vàng trong nước chạm kỷ lục 33,35 triệu đồng/lượng hôm 14/10, giá vàng thế giới đạt đỉnh cao mọi thời đại trên 1.387 USD/oz. Ở lần giá vàng trong nước lập đỉnh gần 33,4 triệu đồng/lượng hôm 19/10, giá vàng thế giới còn 1.370 USD/oz.

Trong lần lập kỷ lục ở 33,45 triệu đồng/lượng hôm 30/10 của giá vàng trong nước, giá vàng thế giới chốt ở mức gần 1.361 USD/oz. Còn vào ngày 4/11, giá vàng trong nước đã lên mức 34,3 triệu đồng/lượng trong khi giá thế giới đứng dưới mốc 1.350 USD/oz.

Như vậy, rõ ràng là giá vàng trong nước từ giữa tháng 10 tới ngày 4/11 bị đẩy lên nhiều hơn bởi những yếu tố trong nước, hơn là diễn biến của giá vàng thế giới. Trong đó, nhân tố rõ nét nhất khiến giá vàng leo thang không biết mệt là sự gia tăng bùng nổ của tỷ giá USD/VND thị trường tự do.

“Trong ba ngày gần đây, giá vàng trong nước gần như không còn đi theo diễn biến của giá vàng thế giới nữa. Thay vào đó, tỷ giá USD tự do chi phối gần như toàn bộ sự lên xuống của giá vàng trong nước”, ông Nguyễn Công Tường, Giám đốc kinh doanh của SJC, nhận định.

Giữa giá USD tự do và giá vàng có mối quan hệ qua lại mật thiết, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Thực tế cho thấy, khi thị trường vàng trong nước xảy ra tình trạng cầu vượt cung, giá vàng trong nước sẽ bị đẩy cao hơn giá vàng thế giới, kéo giá USD tự do lên theo. Khả năng nhập lậu vàng trong trường hợp này cũng xảy ra, dẫn tới việc các đầu nậu nhập vàng gom mua USD trên thị trường để mua vàng từ nước ngoài, kéo giá USD lên thêm. Ngược lại, một khi giá USD tăng, giá vàng cũng tăng theo như một hậu quả tất yếu.

Vào đầu tháng 10, giá USD tự do tại Hà Nội bán ra ở mức 19.670 đồng. Tuy nhiên, tới ngày 4/11, USD “chợ đen” đã lên tới đỉnh điểm 21.050 đồng, nghĩa là tăng thêm gần 1.400 đồng mỗi USD, tương đương mức tăng 7%. Cùng thời gian, giá vàng tăng từ 31,25 triệu đồng/lượng lên 34,3 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 10%.

Nếu lấy giá USD tự do để quy đổi, thì giá vàng thế giới vào cuối giờ chiều ngày 4/11 theo giờ Việt Nam ngang bằng với giá vàng bán ra do các doanh nghiệp trong nước niêm yết. Như vậy, có thể thấy là mấu chốt của “bão” giá vàng đang nằm chính ở tỷ giá.

Để giải quyết cơn sốt của giá USD tự do, Chính phủ ngày 4/11 đã ra quyết định cho Ngân hàng Nhà nước bơm ngoại tệ ra thị trường. USD đã giảm giá nhanh sau quyết định này, từ mức đỉnh 21.050 đồng về mức 20.800 đồng/USD vào cuối buổi chiều cùng ngày, nhưng giá vàng tại Hà Nội tính tới cuối giờ chiều chỉ giảm nhẹ về 34,25 triệu đồng/lượng từ kỷ lục 34,3 triệu đồng/lượng thiết lập vào buổi trưa.

Diễn biến này dẫn tới một lý giải khác, trong đó, chênh lệch cung-cầu cũng được giới kinh doanh vàng cho là một nhân tố quan trọng dẫn tới sức tăng nóng của giá vàng trong nước.

Từ đầu năm tới nay, đã có một khối lượng vàng lớn được xuất khẩu khỏi Việt Nam, đỉnh điểm là hai đợt xuất hồi tháng 5-6 và 8-9, trong khi khối lượng vàng nhập về không nhiều. Riêng trong 6 tháng đầu năm, ước tính có khoảng 36 tấn vàng được các doanh nghiệp xuất đi dưới dạng nữ trang. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước hết sức hạn chế trong việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng. Hồi đầu năm, một số đầu mối được phép nhập về 7-8 tấn, còn vào đầu tháng 10 vừa qua, có 10 đơn vị được phép cho nhập, với hạn ngạch chỉ 1-3 tạ vàng mỗi đơn vị.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng dự trữ của Việt Nam đạt mức cao nhất 1.000 tấn vào cuối năm 2009 với tổng trị giá lên tới 45 tỉ USD, bằng 50% GDP của Việt Nam cùng thời điểm. Tuy nhiên, khối lượng vàng này không phải được giao dịch thường xuyên trên thị trường mà phần lớn nằm trong các ngân hàng hoặc két sắt của các gia đình.

Theo giới kinh doanh vàng, trên thực tế, giao dịch vàng trong thời gian giá vàng có “bão” gần đây không mạnh, vì hầu hết người dân đều thận trọng với những mức giá kỷ lục. Tuy nhiên, do tâm lý “giá còn tăng”, cộng với nỗi lo trước tình trạng giá USD lên cơn sốt, nên lực mua vàng nhìn chung vẫn cao hơn lực bán.

“Nếu lực mua vàng còn tiếp tục tăng mạnh thì căng thẳng cung-cầu hoàn toàn có thể xảy ra. Lực bán vàng trên thị trường hiện rất thấp. Đó là một phần nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh khi sức mua tăng”, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, cho biết.

Thông tư 22 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây cũng được cho là có tác động không nhỏ tới tình hình cung-cầu vàng. Đây là thông tư nhằm mục đích thắt chặt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, theo đó hạn chế tình trạng vàng hóa và Đôla hóa trong nền kinh tế.

Sau khi Thông tư 22 được công bố, giá vàng trong nước đã về ngang với giá vàng thế giới quy đổi, từ chỗ đứng cao hơn khoảng 400.00-600.000 ngàn đồng mỗi lượng trong mấy ngày trước đó. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, kể từ khi thông tư trên ra đời, nguồn cung vàng trong nước có chiều hướng giảm, vì các ngân hàng không còn được cho vay vàng nhằm mục đích sản xuất và kinh doanh vàng miếng và cũng không còn được bán vàng ra để chuyển thành tiền mặt.