09:44 30/03/2009

Giúp nhau khi “ăn đong” đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may, giày da… đang phải đi “ ăn đong” từng đơn hàng

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương) - Ảnh: T.V.N.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương) - Ảnh: T.V.N.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may, giày da… đang phải đi “ ăn đong” từng đơn hàng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có quy mô lớn làm không hết việc. Vì vậy để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau để chia sẻ đơn hàng.

Dù đang là giờ sản xuất nhưng phân xưởng sản xuất rộng mênh mông của Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương) vẫn trầm lắng. Đan xen giữa những chuyền sản xuất giày có công nhân đang làm là ba chuyền đóng máy im ỉm.

“Chúng tôi chỉ có việc để làm hồi giữa tháng 3. Trước đó công nhân chỉ đến rồi về vì không có gì để làm, vì vậy đơn hàng vừa tìm được như là phao cứu sinh”, bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, bộc bạch.

Đơn hàng giảm 60-70%

Từ hơn 2.000 công nhân, bà Liên cho hay hiện nay chỉ còn khoảng 1.400 công nhân làm việc đúng theo giờ hành chính! Với hợp đồng đề nghị thực hiện 500.000 đôi giày thời trang nữ xuất khẩu sang Đức và Anh có giá gia công 1,7-1,8 USD/đôi, nếu đối tác chấp nhận hàng mẫu công ty thực hiện thì Liên Phát có thể ký được 700.000-800.000 USD cho tổng giá trị đơn hàng này.

“Dù giá nhận gia công không giảm nhưng sản lượng đặt hàng sụt giảm kinh khủng. Ba tháng đầu năm sản lượng đặt hàng giảm 60-70% và tiếp tục giảm 20-25% trong quý 2 này so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Liên cho hay.

Tình cảnh của công ty tư nhân may M chẳng khá gì hơn. Bà M.L. - giám đốc công ty - cho biết vừa xoay được đơn hàng cho khoảng 200 công nhân làm trong tháng 4. Công ty của bà M.L. đã bị “bốc hơi” một nửa lượng công nhân do đơn đặt hàng sụt từ đầu năm 2009 đến nay.

“Công ty hiện đang sản xuất cầm cự, tìm được việc ngày nào hay ngày nấy chứ không dám đưa ra bất kỳ dự báo nào mới” - bà L. thừa nhận. Với hợp đồng khoảng 10.000 bộ quần áo thể thao vừa ký có giá FOB 2 USD/bộ, công nhân của bà chỉ đủ việc làm hết tháng 4.

Trái ngược tình cảnh “chợ chiều” của các doanh nghiệp quy mô nhỏ, những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn hiện vẫn duy trì được đơn hàng khá đầy đủ. Hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vài ngàn lao động trở lên như Garmex Sài Gòn, Sài Gòn 3, Hòa Thọ, Donagamex, Việt Tiến, Nhà Bè... đều đã có đơn hàng làm hết quý 2/2009.

Ông Phạm Phú Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Nhà Bè, cho biết đơn vị hiện có đủ đơn hàng đến hết tháng 10, thậm chí cả tháng 11 với giá trị xuất khẩu trung bình hằng tháng khoảng 10-12 triệu USD.

Chia sẻ đơn hàng

Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM (Agtek) kiêm Phó chủ tịch Hội Da giày Tp.HCM (SLA), lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn chính ở khả năng triển khai đơn hàng với thời gian ngắn do có nhiều chuyền, xưởng trong khi các doanh nghiệp nhỏ gặp khó do lực có hạn.

Tiếp đến, doanh nghiệp càng lớn thì càng có điều kiện cắt giảm chi phí sản xuất hơn doanh nghiệp nhỏ. Thống kê chưa đầy đủ của Agtek cũng đánh giá khả năng nhận đơn hàng năm nay của các doanh nghiệp hội viên chỉ ở mức 65% so với năng lực và giảm 40-50% so với mức thực hiện năm 2008.

Trước tình hình trên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lẫn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã thông qua việc hình thành chuỗi liên kết giữa các đơn vị lớn của Vinatex với đơn vị nhỏ và vừa ở các địa phương nhằm chia sẻ đơn hàng và lao động.

Theo ông Lê Tiến Trường - Phó tổng giám đốc Vinatex, trong hệ thống Vinatex hiện nay có Công ty May 10 hiện đang hỗ trợ doanh nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Bình, Thái Bình, hoặc Công ty May Đức Giang hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ hơn tại Thái Bình, Hà Tây (cũ). May Nhà Bè chọn triển khai tại Bình Định, Quảng Ngãi. May Việt Tiến có doanh nghiệp thành viên tại Cần Thơ, Long An, khu vực Tây Nam Bộ...

Theo đó, khi có đơn hàng, doanh nghiệp lớn sẽ không tăng ca, tăng giờ để hoàn thành mà chủ động chuyển giao cho các đơn vị trong khu vực được phân công.

“Các doanh nghiệp lớn sẽ triển khai đánh giá xem doanh nghiệp nào phù hợp làm mặt hàng gì, đồng thời các doanh nghiệp nhận việc cũng phải có cam kết về quan hệ khách hàng, không phá vỡ kênh kinh doanh của các doanh nghiệp đi hỗ trợ, không chào cạnh tranh giá. Chưa kể các doanh nghiệp lớn cũng sẽ hỗ trợ thêm bằng cách cử cán bộ kỹ thuật giám sát và theo dõi kỹ thuật, tiến độ, định mức trong suốt quá trình thực hiện”, ông Trường nói.

Phải được đối tác chấp nhận

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, việc chia sẻ đơn hàng trong một số trường hợp có thể thực hiện được nếu phía đối tác đặt hàng chấp nhận.

Chẳng hạn với khách đặt hàng Mỹ, điều kiện đầu tiên để họ có thể chấp nhận cho nhà sản xuất của mình “mang hàng đi nơi khác” là nơi đó phải đạt chuẩn SA 8000 cùng một loạt tiêu chí kiểm tra đánh giá theo chuẩn quốc tế rất khắt khe.

Trần Vũ Nghi (Tuổi Trẻ)