11:11 21/08/2009

Gỡ bỏ tâm lý “trọng ngoại” trong đầu tư

Lê Châu

“Hiện nay Việt Nam dường như ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước"

Năm 2008, cả nước đã có 33 dự án xây căn hộ, khu đô thị, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và số vốn chủ sở hữu đăng ký chỉ khoảng 2,2 tỷ USD, số còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn vốn đi vay - Ảnh minh họa.
Năm 2008, cả nước đã có 33 dự án xây căn hộ, khu đô thị, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và số vốn chủ sở hữu đăng ký chỉ khoảng 2,2 tỷ USD, số còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn vốn đi vay - Ảnh minh họa.
“Hiện nay Việt Nam dường như ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước. Trong khi, nguồn vốn từ đầu tư FDI chưa chắc hiệu quả hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước”.

Đó chính là nhận xét của GS kinh tế James Riedel, Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Theo ông, cần tạo cân bằng trong chính sách đãi ngộ đối với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tránh phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Việc tạo ra ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước sẽ khiến nền kinh tế không đạt tăng trưởng tốt vì “không gì bằng phát huy nội lực của chính mình”.

Quả thật, chỉ riêng ở lĩnh vực bất động sản đã thấy sự chưa cân bằng này khi những vị trị đẹp nhất thường thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài trong khi những toà nhà cao ốc hoành tráng góp công cho quá trình đô thị hoá đó, trên thực tế khi triển khai, cũng không hoàn toàn là vốn thực chất của doanh nghiệp nước ngoài.

Như theo phân tích số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2008, ước khoảng 70% vốn của các dự án FDI đều là vốn vay, trong đó, một phần không nhỏ là vay trong nước.

Khi tính một cách cụ thể trong lĩnh vực bất động sản, cũng năm 2008, cả nước đã có 33 dự án xây căn hộ, khu đô thị, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và số vốn chủ sở hữu đăng ký chỉ khoảng 2,2 tỷ USD, tức bằng 22%, số còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn vốn đi vay.

Khi hệ thống tài chính tín dụng thế giới còn đang lao đao vì khủng hoảng thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không dễ dàng vay vốn. Điều này có nghĩa là rủi ro từ các dự án FDI cũng sẽ rất cao.

Năm 2008 một nhà đầu tư từng hứa bỏ 11 tỷ USD đầu tư vào tỉnh Phú Yên nhưng không lâu sau đã xin rút vì không huy động đủ vốn. Có không ít nhà đầu tư nước ngoài xin rút dự án khỏi Việt Nam vì lý do tương tự như vậy.

Trong khi đó, với số vốn khiêm tốn hơn hơn các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước vẫn có thể làm được và làm tốt. Thế nhưng, họ chưa được nhiều địa phương tin tưởng tạo điều kiện cấp phép và thuê đất.

Là một học giả hàng đầu về tăng trưởng ở Đông Nam Á, từng là chuyên gia nghiên cứu về cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Nam Á năm 1997- 1998, Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế đã có cách nhìn nhận rất sắc nét về vấn đề này khi ông cho rằng “không phủ nhận những lợi ích từ thu hút FDI như chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường, tạo các mối liên kết... Việt Nam không có con đường nào khác, cần phải sử dụng FDI để đạt được các mục tiêu phát triển”.

Tuy nhiên ông cũng đưa ra khuyến cáo: “Có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, tận dụng nguồn giá nhân công rẻ để tạo ra sản phẩm nhưng ngoài việc đó, họ không đóng góp vào việc nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam”. Cũng như GS James Riedel, GS. Jomo Kwame Sundaram rất lưu ý về việc “Việt Nam cần cân bằng trong chính sách đãi ngộ giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước”.

Theo ông Trần Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty Luật Vilaf Hồng Đức, từ tình hình sút giảm FDI trong thời gian qua, cho thấy Việt Nam sẽ phải dựa nhiều vào các nhà đầu tư trong nước.

Muốn vậy, Chính phủ cần phải gỡ bỏ các thủ tục phê duyệt đầu tư không cần thiết và để cho doanh nghiệp được tự quyết về các dự án đầu tư của mình. Chẳng hạn như là nên hủy bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án trong nước.

Rõ ràng, đã đến lúc cần phải gỡ bỏ tâm lý “trọng ngoại” trong đầu tư. Nhưng điều này có làm được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của lãnh đạo các địa phương. Dù khả năng thực hiện thì chưa biết ai hơn ai nhưng không phải địa phương nào cũng sẵn sàng từ chối những nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký “hoành tráng” để đón nhận những nhà đầu tư trong nước có số vốn ít hơn nhiều.

Thừa Thiên - Huế hiện là một trong những địa phương thực hiện rất tốt việc gỡ bỏ rào cản trong tâm lý về ngoại và nội trong đầu tư. Trong 2 năm liền 2007 - 2008, Thừa Thiên - Huế luôn nằm trong tốp dẫn đầu thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Chia sẻ về việc gỡ bỏ rào cản tâm lý trọng ngoại, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn cho biết: “Trong xúc tiến đầu tư, chúng tôi có phương châm không kể là nhà đầu tư trong hay ngoài nước, miễn là có năng lực và có dự án tốt đều được chào đón”.