09:12 09/08/2019

Gỡ vướng cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

công lý

Hết quý 2/2019 mới có 35 trong tổng số 127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Khi nhắc đến cổ phần hóa, thoái vốn chúng ta vẫn thường nghe đến những việc làm thế nào để đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán được giá cao nhất và không gây thất thoát cho Nhà nước...", TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8.

TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước  với hiệu quả cao nhất thì còn phải hướng đến những mục tiêu quan trọng và lâu dài hơn như giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn... 

 Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không phải là bán hết cổ phần là xong mà phải để doanh nghiệp đó phát triển mạnh mẽ và tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Tỷ lệ doanh nghiệp cổ phần hóa quá thấp

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính chia sẻ, đến nay quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. 

Hết quý 2/2019 mới có 35 trong tổng số 127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa. Còn về thoái vốn nhà nước, tính từ năm 2016 đến hết quý II/2019 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng... Một phần nguyên nhân của sự chậm trễ này là do vướng mắc ở các quy định pháp lý.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. 

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Bổ sung thêm, ông Trần Nguyên Nam - Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho biết, từ năm 2006 đến nay SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa. Đặc biệt là đa số các doanh nghiệp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. 

Cổ tức bằng tiền giai đoạn 2011-2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC tại thời điểm 30/6/2019 lũy kế là 29.900 tỷ đồng.

"Thực tế là SCIC cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Như việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế. Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước...", ông Nam nhấn mạnh.

Tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp

Cũng theo ông Nam, công tác thoái vốn nhà nước chậm do pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai, giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đang được xem là trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nếu tính riêng số doanh nghiệp niêm yết thì hiện có đến 162 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 44%, còn trên thị trường UPCoM thì có đến 457 doanh nghiệp cổ phần hóa, chiếm 54%. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa cổ phiếu lên UPCoM.

TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, khi nhắc đến cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến nhất là "đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước" hoặc "bán được giá cao nhất" và "không gây thất thoát cho Nhà nước". 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.