Góc nhìn: BEPS và “cuộc chiến” chống trốn thuế, chuyển lợi nhuận tại Việt Nam
Cả doanh nghiệp và cơ quan thuế đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho tương lai
Lâu nay, nhiều quốc gia đã nhận biết tình trạng một số tập đoàn đa quốc gia khai thác các lỗ hổng và sự thiếu đồng bộ trong các quy định về thuế, nhằm “hô biến” lợi nhuận chịu thuế ở một nước này để chuyển lợi nhuận sang nước khác.
Đây là lý do vì sao chương trình hành động chống “xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” (BEPS) ra đời.
Lập ban chỉ đạo
Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành báo cáo đầu tiên về “giải pháp chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” vào tháng 2/2013, nhóm hai mươi nền kinh tế lớn (G20) đã đưa ra một chương trình hành động BEPS toàn diện. 15 kế hoạch hành động chính trong báo cáo này đã được thảo luận và ban hành chính thức vào tháng 10/2015.
Cơ quan thuế Việt Nam cũng đã nhận thấy sự cần thiết phải có những hành động liên quan đến BEPS, và người viết được biết rằng đã có nhiều thảo luận xoay quanh chủ đề chuẩn bị triển khai thực hiện BEPS, phù hợp với các điểu kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo và 3 tổ giúp việc, do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lãnh đạo, để tập trung nghiên cứu các thỏa thuận về thuế và giá chuyển nhượng, nhằm ngăn ngừa việc trốn thuế và chuyển lợi nhuận.
Trong khi chờ văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan thuế về các bước tiếp theo liên quan đến BEPS, trong bài báo này, người viết xin đưa ra một số tác động của BEPS đối với doanh nghiệp và cơ quan thuế, cũng như một số lĩnh vực có khả năng chịu những tác động lớn nhất từ việc triển khai BEPS ở Việt Nam.
Chương trình hành động BEPS đưa ra 15 Kế hoạch hành động bao gồm nhiều khía cạnh đa dạng về Thuế trực thu và Thuế gián thu. Các kế hoạch hành động này được thiết kế để đạt được những mục tiêu sau:
- Thiết lập sự đồng bộ và gắn kết về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các hệ thống thuế của các quốc gia, các quy định còn bất đồng về xử lý thuế giữa các quốc gia đối với những đơn vị hoặc công cụ có tính chất “lai” (ví dụ: các chi nhánh, hoặc các công cụ tài chính vừa có tính chất “vốn” vừa có tính chất “nợ”), các quy định về CFC (kiểm soát lợi nhuận chuyển về nước khi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài), giới hạn các khoản tiền lãi vay vượt mức, và các thực tiễn thương mại có rủi ro cao về thuế).
- Thay đổi các chính sách thuế thành các quy định bắt buộc về thuế.
- Đảm bảo tính minh bạch.
Tác động sâu rộng
Dựa trên phân tích sơ lược về 15 kế hoạch hành động, có thể thấy rằng không phải tất cả các kế hoạch hành động đều có ảnh hưởng đến quy định thuế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là một vài kế hoạch hành động sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam.
Ví dụ, kế hoạch hành động thứ 7 đề cập đến những dàn xếp cố ý để tránh tạo thành cơ sở thường trú ở một quốc gia. Kế hoạch hành động này đưa ra đề xuất rằng trong trường hợp một bên trung gian (ví dụ như “đại lý thương mại hưởng hoa hồng”) thực hiện một số hoạt động và dẫn tới kết quả là hợp đồng được thực hiện bởi một bên khác là một đối tượng không cư trú, bên trung gian đó có thể được xem là tạo thành một cơ sở thường trú cho đối tượng không cư trú tại quốc gia sở tại (trừ khi bên trung gian chỉ thực thi đúng các hoạt động kinh doanh bình thường của mình).
Do không có quy định chi tiết, đề xuất này có thể có tác động sâu rộng đối với cả doanh nghiệp và cơ quan thuế tại Việt Nam.
Cơ quan thuế sẽ có thể muốn kiểm tra một cách chi tiết để phát hiện xem có phát sinh trường hợp tạo thành cơ sở thường trú không. Tương tự, doanh nghiệp cũng phải rà soát lại các hoạt động kinh doanh và phân tích xem liệu các hoạt động kinh doanh hiện tại có tạo ra cơ sở thường trú của tập đoàn ở quốc gia của mình hay không.
Tại Việt Nam, đại lý thương mại hưởng hoa hồng/ doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng là một mô hình kinh doanh rất phổ biến, và rất nhiều doanh nghiệp sẽ có thể bị ảnh hưởng do việc các quy định trong hiệp định thuế về các đại lý phụ thuộc có thể sẽ bị sửa đổi lại theo kế hoạch hành động này.
Những thay đổi được đề xuất trong các kế hoạch hành động số 8-10 liên quan đến khía cạnh giá chuyển nhượng giữa các bên có liên quan cũng có tác động đáng kể đến các công ty hoạt động tại Việt Nam có giao dịch nội bộ trong tập đoàn. Có rất nhiều điểm nhấn mạnh vào các hoạt động “tạo ra giá trị” và việc xác định doanh thu tương xứng cho các hoạt động đó.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan thuế tại Việt Nam trong rất nhiều trường hợp chủ yếu vẫn quan tâm nhiều đến sự hợp lý của biên độ lợi nhuận của các công ty khi xác định theo nguyên tắc giá thị trường. Nhưng cơ quan thuế cũng có thể sẽ nghiên cứu các kế hoạch hành động BEPS để đưa ra hướng tiếp cận mới đối với việc thanh tra chuyển giá, ví dụ có thể tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam và vai trò tương ứng của các hoạt động này trong chuỗi giá trị của tập đoàn.
Thời điểm thích hợp
Theo quan điểm của người viết, xét đến các thay đổi được đề xuất ở các kế hoạch hành động BEPS và thực tế là Việt Nam đang ở trong một môi trường kinh tế hội nhập toàn cầu, thì cả doanh nghiệp và cơ quan thuế đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho tương lai.
Dự thảo nghị định với các quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến đóng góp gần đây, được xem là một động thái quan trọng để đồng bộ các nguyên tắc xác định giá thị trường với các đề xuất trong chương trình hành động BEPS.
Cụ thể, một số thay đổi quan trọng trong dự thảo này được quy định tương tự như các kế hoạch hành động BEPS, ví dụ quy định khống chế về lãi vay trả cho công ty trong tập đoàn là tương tự với kế hoạch hành động số 4 - giới hạn các khoản thanh toán tiền lãi vay vượt mức khi tính chi phí được trừ.
Đây có thể là thời điểm thích hợp để cơ quan thuế đưa ra các giải pháp cải cách để quy trình thanh tra thuế, quy trình thu thuế hiện tại hợp lý và hiệu quả hơn và chuẩn bị cho nguồn nhân lực có thể sớm bắt kịp những cải cách thuế trên toàn cầu.
Tương tự, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng cần nhận thức được các giải pháp được cơ quan thuế triển khai và chủ động đưa ra các chiến lược hành động cần thiết để tuân thủ.