Góc nhìn: Những điểm cần chú ý trong vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng
Người dân được sở hữu ngoại tệ, nó không phải hàng cấm như vũ khí, ma túy… và bị tịch thu khi vi phạm
Vụ việc một người bị tịch thu 100 USD và xử phạt 90 triệu đồng khi đổi tại tiệm vàng ở Cần Thơ đang thu hút sự chú ý của công chúng. Những quan điểm khác nhau cùng các vấn đề đặt ra khiến câu chuyện khó gọn gàng.
Trước hết, pháp luật đã quy định, người dân được quyền sở hữu ngoại tệ, được tự quản lý ngoại tệ hoặc gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng.
Theo quan điểm của người viết, người dân không thể bị xử phạt, thu giữ ngoại tệ chỉ với lý do "không giải thích được nguồn gốc". Do chính sách "trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng Đồng Việt Nam", nên người dân không được giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; chỉ được mua, bán ngoại tệ với những tổ chức tín dụng được phép. Người dân vẫn e ngại, lo lắng phải giải trình nguồn gốc khi sở hữu ngoại tệ.
Trên thực tế, cho dù pháp luật không cho phép, thị trường ngoại tệ (đặc biệt là USD) bên ngoài các tổ chức tín dụng, còn gọi là thị trường "tự do", luôn tồn tại và hoạt động. Người dân thích mua, bán ngoại tệ tại thị trường "tự do" vì: luôn có giá mua, bán tốt hơn; thủ tục đơn giản hơn, nhanh hơn, bảo mật hơn, không cần cung cấp thông tin.
Khi thị trường "tự do" tồn tại, Nhà nước không quản lý được, các số liệu không được thống kê đầy đủ.
Để giải quyết tận gốc, cần giải tỏa tâm lý e ngại của người dân về sở hữu ngoại tệ, khẳng định rõ ràng về quyền sở hữu ngoại tệ của người dân đồng thời phải có cơ chế để các tổ chức tín dụng cạnh tranh với thị trường "tự do" bằng giá mua, bán và thủ tục nhanh, gọn.
Khi giao dịch ngoại tệ tại thị trường "tự do", các bên đã vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, người dân bị xử phạt và tịch thu ngoại tệ, với lý do ngoại tệ là tài sản vi phạm. Vấn đề là tại sao người xây nhà trái phép thì không bị tịch thu nhà, người lái xe vi phạm luật giao thông thì không bị tịch thu xe…?
Người dân được phép sở hữu ngoại tệ thì không thể tịch thu ngoại tệ khi họ chỉ có hành vi mua, bán không đúng, hành vi này khác hẳn với hành vi buôn lậu nhằm trốn thuế hoặc hành vi mua, bán hàng hóa cấm người dân sở hữu như vũ khí, ma túy…
Ở một diễn biến khác, với vụ việc tịch thu 100 USD và xử phạt 90 triệu đồng mới đây tại Cần Thơ, thông tin báo chí cho biết có ý kiến nêu sẽ đề nghị miễn phạt và trả lại 100 USD cho người dân vi phạm, với lý do hoàn cảnh cá nhân.
Nếu như vậy, pháp luật sẽ không được thực thi nghiêm túc. Việc miễn phạt, trả lại tiền nếu có phải được làm đúng luật, không nên tháo gỡ cá biệt cho trường hợp này chỉ vì công luận phản ánh, trong khi có rất nhiều trường hợp khác đã bị xử lý tương tự trên toàn quốc từ trước đến nay thì sao. Không thể một quy định pháp luật lại có những hình thái áp dụng khác nhau trong cùng một lãnh thổ.
Nếu cần, Chính phủ nên ban hành một nghị định để xử lý các trường hợp đã bị xử phạt tương tự để đảm bảo công bằng, đồng thời sửa đổi quy định về xử phạt với giao dịch ngoại tệ trái phép trong tương lai.
Và trong vụ việc tại Cần Thơ, điều đáng quan tâm nữa là việc các cơ quan chức năng đã khám và tịch thu cả 20 viên kim cương của chủ tiệm vàng. Điểm này cũng cần có kết luận cuối cùng.