Góc nhìn: Tiếng gầm sư tử nhìn từ Asian Cup
Tiềm năng của mỗi doanh nghiệp, của thị trường và của người Việt còn lớn vô cùng
Không phải fan cuồng bóng đá, nên tôi đã từng không thường xuyên theo dõi các trận cầu, và càng ít dành thời gian theo dõi đội tuyển quốc gia.
Vào giai đoạn những thị phi và scandal luôn phủ bóng mờ sau mỗi trận đấu, tôi như thấy nhịp độ mỗi trận đấu được diễn những toan tính ngoài sân cỏ. Nhưng mọi chuyện đã đã hoàn toàn thay đổi, kể từ ngày những chiến binh - cầu thủ của chúng ta được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Park Hang-seo.
Trận đấu với Nhật Bản tại vòng tứ kết Asian Cup vừa qua, với cá nhân tôi, là một đỉnh cao trong hành trình của đội tuyển suốt một năm qua, và thực sự làm tôi sửng sốt.
90 phút đó được phủ đầy những cao trào cùng cảm xúc đến nghẹt thở!
Vẫn những gương mặt quen thuộc đó, vẫn màu cờ tổ quốc khoác trên mình, vẫn sự cổ vũ đôi khi đến quá khích của người hâm mộ trên khán đài và trước màn hình TV, các chàng trai của chúng ta đã tiếp tục có những phút giây xuất thần, để có kết quả dù không trọn vẹn, nhưng màn trình diễn đã vượt quá kỳ vọng của người hâm mộ.
Nhìn những cầu thủ chiến đấu quả cảm trong màu áo đỏ, tôi tự hỏi, điều gì đã mang lại sự lột xác đến thần kỳ?
Đối với tôi, yếu tố quan trọng bậc nhất là sự lãnh đạo chuyên nghiệp của huấn luyện viên, người đã thổi một luồng cảm hứng mới, tinh thần mới, sức mạnh mới, cho một đội ngũ cũ.
Tôi nhớ đến câu nói của Alexander Đại đế, vốn luôn được trích dẫn trong các môn học về lãnh đạo: "Tôi không sợ một đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại một đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử".
Đặt ra tầm nhìn khát vọng và rõ ràng, biết xây dựng lòng tin để huy động tối đa năng lực của mỗi thành viên, và uyển chuyển đổi thay với mỗi tình huống trên sân cỏ - đó là những phẩm chất cơ bản của người lãnh đạo Park Hang-seo.
Khi cảm xúc với trái bóng tròn tạm thời lắng dịu, tôi chợt tự hỏi, phải chăng, cũng nhờ những trái tim sư tử của những người đứng đầu, mà tại quê hương của ông Park, người Hàn Quốc đã tạo nên những điều không tưởng, để ngày nay họ có Samsung, có Hyundai, có Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc thông qua K-pop và phim truyền hình)...?
Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (tính theo sức mua tương đương) của nước này đã nhảy vọt từ ngưỡng 100 USD vào năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995, cán mốc 30.000 USD vào năm 2018, đứng trong hàng ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Biến nguy thành cơ, luôn tìm được cơ hội trong mỗi thách thức, nguy cơ luôn đòi hỏi suy nghĩ tích cực từ những người lãnh đạo. Tôi chợt nghĩ đến món kim chi truyền thống của họ.
Ít ai biết rằng, từ nghịch cảnh của thời tiết khắc nghiệt của mùa đông xứ Hàn và nhu cầu tích cốc phòng cơ, mà từ thế kỷ 13 họ tạo ra kim chi để dành cho những ngày tuyết phủ trắng xóa. Rồi nhờ bàn tay của các doanh nhân Hàn Quốc ngày nay, đã trở thành một biểu tượng ẩm thực truyền thống của nước này để phủ sóng toàn cầu.
Trong khi đó, món dưa cải muối truyền thống kiểu Việt của cha ông chúng ta thì sao? Tôi đã căng mắt nhưng khó tìm ở những nơi người Việt mình sinh sống nơi xứ người, và nó cũng không còn xuất hiện nhiều trên bàn ăn của người Việt nơi thị thành. Vị thế còn xa cách giữa kim chi và dưa cải muối cũng có thể xem là một ẩn dụ về khoảng cách giữa những sản phẩm "made by Vietnam" và "made by Korea".
Bức tranh tương quan giữa chúng ta và quê hương ông Park trong lịch sử không giống ngày nay. Hàn Quốc trước những năm 1960 đã từng thuộc nhóm những nước nghèo nhất thế giới.
Ông cha chúng ta đã từng có "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi cạnh tranh sòng phẳng với tư bản Pháp từ đầu thế kỷ trước, khi người sáng lập Chung Ju-yung của hãng Hyundai còn là đứa trẻ. Chúng ta từng có xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền đánh bật hàng ngoại nhập, thậm chí còn xuất khẩu và ghi danh thương hiệu Việt tại châu Á và châu Phi, khi hãng mỹ phẩm Ohui của tập đoàn LG vẫn còn chưa ra đời.
Tuy ngành hàng khác nhau, nhưng điểm chung giữa hai thương hiệu Việt vang bóng một thời, là sự khai thác lòng tự hào dân tộc vốn luôn đậm đặc trong tâm trí người Việt.
Người viết tin rằng, tinh thần của những Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền vẫn đang ẩn sâu trong mỗi doanh nhân Việt. Tiềm năng của mỗi doanh nghiệp, của thị trường và của người Việt còn lớn vô cùng.
Cơn cuồng nhiệt với trái bóng rồi cũng dần lắng đọng, để mỗi chúng ta quay về nhịp sống hàng ngày. Niềm vui quanh trái bóng tròn, cùng niềm tự hào về màu cờ sắc áo rồi cũng không thể thay thế cho muôn nỗi lo toan cuộc sống.
Nên mong lắm thay, tiếng gầm của con sư tử trên sân cỏ, một ngày nào đó sẽ thành tiếng gầm của đàn sư tử Việt trên các cuộc chơi thương trường!
Và tôi tin, tiếng gầm đó mới thật trường tồn!
* Tác giả bài viết là chuyên gia marketing, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp quản lý thị trường Mancom.