Góc nhìn: Trách nhiệm người làm luật
Có nhiều văn bản mới ra đời đã vấp phải tranh cãi, gây bức xúc dư luận
Có nhiều văn bản mới ra đời đã vấp phải tranh cãi, gây bức xúc dư luận vì người dân không đồng tình hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Những điển hình về "càng sửa càng gây khó"
Ví dụ ngoài những quy định khó bảo đảm tính khả thi hoặc gây rủi ro cho doanh nghiệp, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản sao chứng thực.
Hay gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến 3 thông tư gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo đó, Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong kiểm tra formaldehyte.
Còn hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản) được ban hành ngày 25/12/2018, nhưng có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2019 đã có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực kiểm dịch...
Hay Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định tổng số giờ được làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam được doanh nghiệp cho rằng là hạn chế (200 giờ/năm/lao động) và thấp hơn so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan (1836 giờ), Malaysia (1248 giờ), Philippines (1224 giờ), Indonesia (714 giờ)… Dự thảo này thậm chí còn được doanh nghiệp cho rằng cứng nhắc và khó khả thi.
Có nhiều nguyên nhân để chỉ ra những dự thảo hay chính sách bất cập này. Trong đó, phải nhắc đến nguyên nhân do không thực hiện đúng quy trình xây dựng luật theo các bước được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 với điểm mới nổi bật là tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình ban hành văn bản.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, nhắc tới chuyện đã 8 năm tính từ khi Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt và và 3 năm phê duyệt chương trình sữa học đường. Thế nhưng, tới tận bây giờ, tiêu chuẩn thế nào là sữa học đường vẫn biệt tăm.
Hay việc sửa nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã được nâng lên đặt xuống tới 10 lần nhưng tới nay vẫn chưa biết con số cuối cùng là bao nhiêu. Vấn đề theo ông là "làm chưa đủ chuyên môn, chỉ đạo không sâu sát, chủ nghĩa thành tích".
Nhìn lại loạt quy định trên, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định đưa ra thiếu thực tiễn, bất hợp lý mà không có hội đồng thẩm định, phản biện một cách nghiêm túc. Thêm vào đó, tình trạng chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc hoặc vì cục bộ ngành đã dẫn đến việc chú trọng ban hành các văn bản có lợi cho ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Để rút ngắn thời gian, nhiều văn bản luật không tuân thủ quy trình/thời gian soạn thảo, không đạt được sự đồng thuận và gây nhiều tranh cãi giữa các bên liên quan (giữa doanh nghiệp/người dân và cơ quan soạn thảo, bản thân giữa các thành viên của Chính phủ và Quốc hội) khiến những quy định này không mang tính thực tiễn, khó thực thi và không phù hợp với thực tế hoạt động doanh nghiệp.
Phạt hay phê bình?
Trả lời báo chí, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy công tác soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở một số cơ quan, tổ chức còn có những hạn chế nhất định. Nhiều dự thảo văn bản mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, hầu như chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Việc gửi dự thảo văn bản xin ý kiến cũng thường chậm, thời gian ngắn, không đủ để những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Do đó, trong nhiều trường hợp, nội dung, chất lượng của các ý kiến còn hạn chế, góp ý sơ sài, nặng về câu chữ, kỹ thuật trình bày văn bản mà chưa tập trung nhiều vào các nội dung của dự thảo văn bản.
Một trong những điều cần bàn để luật đi vào đời sống hiệu quả hơn là trách nhiệm cá nhân những người xây dựng, soạn thảo, ban hành luật. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tại Báo cáo số 126/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ là "việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật nhìn chung mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở công chức khi thi hành công vụ".
"Nhiều nước quy định anh sai anh phải bán cả nhà để bồi thường, nếu không thì vào tù thì nước ta không quy định trách nhiệm như vậy. Đó là vấn đề cần rút kinh nghiệm", TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm. Cần có những quy định nghiêm ngặt về quy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ đối với người thực thi phát luật, không đúng là sử phạt nghiêm minh, không bao che. Vì cán bộ tuân thủ đúng pháp luật thì người dân sẽ bị tác động và tuân theo.
Đồng thời, cần có đội ngũ cán bộ chuyên môn rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành, thẩm định và xem xét chi tiết tính hiệu quả của các văn bản quan trọng, lấy ý kiến nhân dân với những trường hợp đã bỏ sót, để "nhặt" ra những quy định không phù hợp và điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện lại khung khổ pháp luật trước khi đẩy mạnh thực thi.
Việc tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là điều quan trọng nhất để xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, gắn liền với thực tiễn xã hội.
Căn cứ theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật hiện hành, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi khi đưa vào đời sống, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ theo đúng quy trình và được thực hiện theo các bước bắt buộc.
Ví dụ, xây dựng và ban hành luật bao gồm hai giai đoạn chính. Trước tiên, Chính phủ đề xuất danh sách các luật vào chương trình xây dựng luật và trình Quốc hội phê duyệt. Bước tiếp theo, Chính phủ chuẩn bị dự thảo luật, lấy ý kiến góp ý và sau đó trình Quốc hội thảo luận và thông qua. Quá trình này cần thực thi nghiêm ngặt và đảm bảo đúng trình tự theo quy định để đem lại sự minh bạch cũng như tính chặt chẽ của các Văn bản Quy phạm Pháp luật.
Trong đó, việc lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu tác động là bước đi tất yếu để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, trong quá trình xin ý kiến, nếu là những quy định có tính chất chuyên ngành mà người dân không có kiến thức chuyên môn, không góp ý được thì cơ quan soạn thảo phải xin ý kiến các hiệp hội, ngành hàng lĩnh vực đó và có thể tổ chức hội thảo một cách nghiêm túc. Trước khi ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo luật còn mang tính hình thức, ý kiến đóng góp cũng chưa thật sự được tiếp nhận đầy đủ, thực tâm.