21:17 28/03/2017

GTN sẽ mua 5 triệu cổ phiếu quỹ, cổ đông lớn mua 10 triệu cổ phiếu

Khánh Hà

Đại hội cổ đông GTN ngày 28/3 đã đồng ý để cổ đông lớn mua thêm 10 triệu cổ phiếu thẳng trên sàn mà không cần chào mua công khai

<div>Đại hội cổ đông GTN tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội.</div>
<div>Đại hội cổ đông GTN tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội.</div>
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần GTNFoods (mã: GTN) ngày 28/3 đã đồng ý để cổ đông lớn mua thêm 10 triệu cổ phiếu thẳng trên sàn mà không cần chào mua công khai. Đồng thời, GTN cũng sẽ mua lại 5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Cụ thể, cổ đông lớn của GTN là Công ty Cổ phần Invest Tây Đại Dương - cổ đông đang sở hữu 24,36% vốn của GTN, đã có đề nghị mua thêm 10 triệu cổ phiếu GTN để nâng sở hữu lên 25%.

Theo quy định, việc nâng sở hữu từ 25% trở lên cần thực hiện qua chào mua công khai. Tuy nhiên đại hội cổ đông ngày 28/3 đã biểu quyết thông qua việc cho phép Invest Tây Đại Dương được mua trực tiếp trên sàn mà không cần làm thủ tục chào mua công khai.

Ngoài ra, đại hội cổ đông cũng thông qua đề xuất mua lại 5 triệu cổ phiếu quỹ của GTN. Thời gian và giá mua sẽ do Hội đồng quản trị quyết định cụ thể, đảm bảo không nhiều hơn 10% tổng số cổ phiếu đã phát hành.

Năm 2016, GTN đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Tháng 1/2016, GTN phát hành thành công 75,2 triệu cổ phiếu. Tháng 11/2016, phát hành riêng lẻ lần hai thành công 100 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ của GTN nhờ đó tăng từ 748 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, với các cổ đông chiến lược nước ngoài là TAEL Two Partner, PENN Partner và Hanil Feed Co.,Ltd.

Nguồn vốn huy động thành công qua hai đợt phát hành riêng lẻ nói trên được GTN sử dụng trong các thương vụ M&A.

Cụ thể, GTN đã sử dụng 162,85 tỷ đồng mua bổ sung cổ phần của Tổng công ty Chè Việt Nam; nâng sở hữu từ 75% lên 95%, qua đó gián tiếp sở hữu Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Mua 45% vốn của Công ty Cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn với 37,32 tỷ đồng; Nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) lên 65% với 799,46 tỷ đồng…

Theo kết quả kinh doanh năm 2016, GTN không đạt các chỉ tiêu kinh doanh, chỉ bằng 73% doanh thu và 16% lợi nhuận kế hoạch. Nguyên nhân là do gia tăng chi phí xử lý các khoản nợ tồn đọng của công ty mới được M&A cũng như việc hoàn thành M&A Công ty Vilico chỉ kết thúc đầu năm 2017.

Các hạn chế nói trên trong năm 2016 sẽ là lợi thế cho năm 2017. Chính vì vậy, GTN đặt mục tiêu tăng trưởng 117% doanh thu hợp nhất cho năm nay, đạt 3.950 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 1.361%, đạt 225 tỷ đồng.

Theo đại diện GTN, kế hoạch nói trên là khả thi vì sang năm 2017, GTN bắt đầu hưởng lợi từ hoạt động của các công ty con vừa tiến hành M&A như nguồn doanh thu và lợi nhuận cao từ mảng sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa; lợi nhuận cao từ mảng sản xuất kinh doanh chè và mảng nuôi lợn thịt tại Vilico. Các mảng kinh doanh này chưa phát huy hiệu quả trong năm 2016.

Dự kiến từ năm 2017, hơn 95% doanh thu của GTN sẽ đến từ hoạt động sản xuất trực tiếp liên quan tới ngành sữa, chè, chăn nuôi lợn - chính thức chuyển đổi mô hình từ công ty đa ngành nghề để chuyên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

Cũng theo thông tin từ đại hội cổ đông, số cổ đông của GTN là 1.112 người tại ngày chốt danh sách. Tuy nhiên, 38 cổ đông và người được ủy quyền tham dự đại hội đã chiếm 85,54% vốn của công ty.

Ngoài ra, thông tin từ GTN cũng cho biết các nhà đầu tư tổ chức đã nắm tới hơn 75% vốn, trong đó, 52% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với cam kết đầu tư dài hạn, bao gồm Quỹ TAEL Two Partners, Quỹ PENM Partners, Công ty HANIL Feed, Quỹ Kingsmead Vietnam & Indochina Growth Fund, và Quỹ Probus Opportunities SICAV-FIS.