16:35 25/02/2010

Hạ lãi suất, không huy động bằng mọi giá

Minh Đức

Một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động, chỉ áp khá “mềm” trong khi nhiều thành viên khác vẫn duy trì đồng loạt ở mức tối đa

Dù chưa thể hiện ở xu hướng chung rõ rệt nhưng lãi suất huy động giảm một phần phản ánh khó khăn thanh khoản ngân hàng đang dần được tháo gỡ.
Dù chưa thể hiện ở xu hướng chung rõ rệt nhưng lãi suất huy động giảm một phần phản ánh khó khăn thanh khoản ngân hàng đang dần được tháo gỡ.
Một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động, chỉ áp khá “mềm” trong khi nhiều thành viên khác vẫn duy trì đồng loạt ở mức tối đa. Họ không huy động bằng mọi giá?

Ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước chính thức quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8%/năm. Khi cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn đang chờ đợi quyết định cuối cùng, trước mắt, lãi suất huy động và cho vay VND sẽ không có nhiều biến động. Nhưng hiện đã có những chuyển động đáng chú ý.

Khác biệt lãi suất

Từ ngày 22 - 25/2, một số ngân hàng thương mại áp dụng biểu lãi suất mới. Một điểm đã quen thuộc kể từ tháng 12/2009 đến nay (thời điểm lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8%), nhiều ngân hàng bất kể lớn nhỏ đều đồng loạt nâng lãi suất huy động VND lên sát mức tối đa 10,5%/năm theo “giới hạn” định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo biểu áp dụng từ ngày 22/2 của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 – 60 tháng đều thống nhất ở mức 10,49%/năm. Theo biểu áp dụng từ ngày 25/2 của Sài Gòn Công thương Ngân hàng (Saigonbank), mức 10,49%/năm cũng được rải đều từ 1 – 24 tháng. Sự “thẳng tuột” của “đường cong lãi suất” cũng có ở nhiều ngân hàng khác, tập trung ở khối cổ phần.

Nhưng trong hệ thống, ngay trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, chính sách lãi suất huy động cũng có những khác biệt.

Điểm chú ý trong ngày 25/2 có từ biểu lãi suất huy động VND của Ngân hàng Á châu (ACB). Lãi suất tiết kiệm thông thường có kỳ hạn của ngân hàng này đồng loạt ở dưới mốc 10,49%/năm; cao nhất chỉ ở 10,379%/năm ở kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng, còn lại chỉ từ 10,22% - 10,37%/năm.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), biểu lãi suất huy động áp dụng từ hôm nay cũng có những điều chỉnh đáng chú ý. Mức tối đa 10,49%/năm ở một số kỳ hạn ngắn trước đó cũng được giảm nhẹ xuống còn 10,44%; các kỳ hạn từ 6 – 36 tháng chỉ còn từ 10,2% - 10,32%/năm.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), ngoài các kỳ hạn ngắn, lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn cũng chỉ áp ở mức “mềm” so với mốc 10,49%. Tại những thành viên khác như Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), hay một số thành viên quốc doanh, lãi suất cũng chỉ giao động quanh 10%, thiếu vắng những con số 10,4%, 10,49% hay 10,499%...

Cá biệt, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (TRUSTBank), lãi suất tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần đến 36 tháng đều nằm dưới mốc 10%/năm; cao nhất chỉ 9,89%/năm.

“Không huy động vốn bằng mọi giá”

Giải thích với VnEconomy về biểu lãi suất huy động hiện hành, ông Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc TRUSTBank, cho biết việc xác định các mức cụ thể được căn cứ trên tình hình huy động vốn, cung – cầu vốn của ngân hàng hiện nay và định hướng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, TRUSTBank hiện cũng đang xem xét có thể điều chỉnh biểu lãi suất trong những ngày tới để tiếp cận với mặt bằng chung của thị trường. “Chúng tôi sẽ đánh giá lại thực tế huy động của các chi nhánh, căn cứ vào tình hình thị trường và mặt bằng chung để điều chỉnh. Có thể sẽ tăng lãi suất lên nhưng là để thêm cạnh tranh, thêm quyền lợi cho người gửi tiền chứ không phải là huy động bằng mọi giá”, ông Nam cho biết.

Trao đổi với VnEconomy, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn giải thích rằng việc chỉ áp lãi suất cao ở một số kỳ hạn ngắn là nhằm tập trung nhu cầu vốn ngắn hạn trước mắt, cũng như thực tế nguồn tiền gửi hiện nay phần lớn chỉ gửi ngắn hạn. Còn ở các kỳ hạn dài, ngân hàng áp mức vừa phải cũng là để dè chừng với rủi ro gánh nặng trả nợ trong tương lai, cũng như chờ đợi động thái của thị trường.

Trong năm 2008, hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải trả lãi suất huy động VND trên 18%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Nhiều thành phiên đã phải mất gần cả năm 2009 để giảm bớt gánh nặng chi phí lãi suất cao này.

Lãnh đạo ngân hàng trên cũng cho rằng, lãi suất là một công cụ cạnh tranh huy động vốn, nhưng bên cạnh đó còn có các yếu tố tác động đến nguồn tiền gửi như uy tín và thương hiệu ngân hàng, chất lượng dịch vụ, mạng lưới chi nhánh… Và bản thân các nhà băng khi dựng biểu lãi suất cũng căn cứ thực tế tình hình năng lực huy động, cung – cầu vốn của mình chứ không hẳn đồng loạt đẩy cao để gọi vốn bằng mọi giá.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, về hình thức, lãi suất huy động có thể chỉ trên dưới 10%/năm, nhưng thực tế trên thị trường hiện nay, không chỉ ở hoạt động cho vay, ngay ở huy động cũng có những biến tướng trong thỏa thuận lãi suất với người gửi tiền. Điều đó không phản ánh ở các bảng niêm yết.

Nhưng, với những chuyển động mới nói trên, có thể lạc quan khi lãi suất huy động giảm (dù chưa định hình xu hướng chung rõ ràng) phản ánh cầu vốn tại nhiều ngân hàng không còn quá căng thẳng như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Điều này phù hợp với dự báo trước đó, rằng sau kỳ tập trung đáo hạn cuối năm, nguồn vốn sẽ dần trở lại ngân hàng.