10:14 21/05/2007

Hà Nội: Nhà đầu tư không còn phải "mò mẫm" tìm dự án

Quang Vang

Ngày 16/5, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố đợt 1, năm 2007

Từ nay đến năm 2010, Hà Nội có 3 cụm công trình trọng điểm, thể hiện bằng 19 dự án, với tổng giá trị 28.000 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2010, Hà Nội có 3 cụm công trình trọng điểm, thể hiện bằng 19 dự án, với tổng giá trị 28.000 tỷ đồng.
Ngày 16/5, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố đợt 1, năm 2007.

Đây là bước chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, nhằm tăng cường thu hút và xã hội hóa đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư "mò mẫm" đi tìm dự án.

Tổng số có 90 dự án thành phố Hà Nội công bố kêu gọi đầu tư, thuộc 5 lĩnh vực: công nghiệp (5 dự án), thương mại dịch vụ 33 (dự án), nhà ở và công trình hỗn hợp (10 dự án), văn hoá thể thao (24 dự án) và các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng (18 dự án).

Trong đó có nhiều dự án có diện tích quy hoạch lớn như: dự án đầu tư khai khác dịch vụ du lịch Hồ Tây - 526 ha; dự án sân golf Tả Thanh Oai - từ 200-300ha; dự án sân golf Phù Đổng - 200 ha; dự án xây dựng khu đô thị mới Xuân Phương - 135 ha; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn - gần 125 ha... Hầu hết các dự án công bố tập trung vào phát triển thương mại, dịch vụ, hệ thống hạ tầng đô thị đáp ứng nhu cầu đô thị hoá, đà phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tại buổi công bố các dự án kêu gọi đầu tư, ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã giới thiệu cụ thể những ưu tiên trong quy hoạch phát triển vùng Thủ đô thời gian tới, là những cơ sở quan trọng để xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư.

Theo đó, từ nay đến năm 2010, Hà Nội có 3 cụm công trình trọng điểm, thể hiện bằng 19 dự án, với tổng giá trị 28.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư như Khu đô thị Bắc Sông Hồng, với diện tích khoảng 11.000 ha, dân số 8 vạn - 1 triệu người, tổng vốn đầu tư (dự toán) khoảng 30 tỷ USD. Thành phố Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư hùn vốn nhận dự án (quy hoạch, làm hạ tầng), sau đó tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư thứ phát thực hiện dự án này để đạt được sự đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch.

Về chính sách, trước hết, UBND thành phố Hà Nội căn cứ theo những chính sách chung của Chính phủ, bổ sung thêm những chính sách, quy định của địa phương đảm bảo môi trường pháp lý ổn định cho các nhà đầu tư. Ví dụ như Quyết định 15 của thành phố mới ban hành, đảm bảo chặt chẽ về quản lý Nhà nước nhưng cũng rất thông thoáng cho nhà đầu tư.

Về hành chính, đã rút thời gian cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp xuống còn 15 ngày thay vì 45 ngày như trước đây. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thành phố phê duyệt cơ chế "một cửa liên thông" đối với các dự án sử dụng đất. Thành lập trung tâm giải phóng quỹ đất, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất "sạch" cho nhà đầu tư. Cùng với việc công khai các dự án đầu tư, thành phố cũng đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối giải quyết những vướng mắc về đầu tư, thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.

Ông Lê Công Hoàng, Tổng giám đốc, Công ty Thương mại - Du lịch sông Hồng (một trong những đơn vị đã tham gia thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực đầu tư, nguyện vọng của doanh nghiệp: trong quá trình thực hiện đầu tư, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan cấp thành phố hầu như không có vướng mắc gì đáng kể. Nhưng khi xuống đến cấp địa phương xã, phường hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp sự "ngáng trở" cả vô hình và hữu hình, tạo ra một "bức tường" cản, gây rất khó chịu cho doanh nghiệp.

Trả lời ý kiến của ông Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, có hai nội dung thành phố đang chỉ đạo giải quyết. Thứ nhất, về cải cách hành chính trong đó tập trung vào thủ tục hành chính và trách nhiệm của cán bộ công chức. Thứ hai, về đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất "sạch" cho nhà đầu tư. Hiện đã có Trung tâm Quỹ đất của thành phố đảm nhận nhiệm vụ này.

Đối với tình trạng doanh nghiệp bị vướng mắc ở cấp địa phương, khi có đề xuất của các doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ mời các sở ngành liên quan, chủ tịch quận, huyện nghe nhà đầu tư trình bày, giải quyết trực tiếp tại chỗ. Hơn nữa, nay có cơ sở pháp lý là Nghị định 53 của Chính phủ về xử lý những vi phạm trong đầu tư xây dựng. Tất cả các dự án đã được công khai doanh nghiệp đã trúng thầu, nếu có vướng mắc doanh nghiệp cứ phản ánh trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời.