Hà Nội sau một năm mở rộng: Những dự án dang dở
Cái thôn nhỏ với 474 hộ thuộc xã Thanh Lâm, Mê Linh đang bị bủa vây bởi 24 dự án, kể cả loại đã triển khai hay còn trên giấy
Trần Duy Đảm nheo mắt, tần ngần nhìn ra cánh đồng thôn Lâm Hộ. Phía trước là những ụ đất, những kè đá, những hàng rào han gỉ nằm xen kẽ giữa cánh đồng lúa đã chín vàng rộm. Trên những khoảnh đất đó, cỏ dại lau lách mọc um tùm. Cánh đồng làng từng rộng tới hơn 300 hecta trông nham nhở.
“Các doanh nghiệp về chiếm đất, rồi bỏ hoang thế thôi. Chúng tôi nay chả ra nông nghiệp, chả ra công nghiệp”, Đảm, trưởng thôn nói.
Cái thôn nhỏ với 474 hộ thuộc xã Thanh Lâm, Mê Linh đang bị bủa vây bởi 24 dự án, kể cả loại đã triển khai hay còn trên giấy. Chúng đã chiếm tới 2/3 cánh đồng. Có những dự án san đất, xây rào từ năm 2001 rồi để đấy, có những dự án chỉ đơn giản là cắm mấy cái cọc, có những dự án mà người dân địa phương chưa bao giờ thấy chủ đầu tư. Bất chấp mọi lý do có thể, chúng đã phá hỏng cánh đồng làng.
Đảm đi men theo một hào nước rộng chưa đầy nửa mét và cạn nhìn thấy đáy. “Cái này từng là mương tưới tiêu cho cả cánh đồng”, Đảm giải thích. Đảm kể, các doanh nghiệp về đổ đất san lấp mặt bằng đã “san lấp” luôn cả con mương tưới tiêu.
“Người làng tôi giờ làm lúa phụ thuộc hoàn toàn vào mưa nắng, chứ cái rãnh này làm sao đủ nước mà tưới”, Đảm nói. Nhiều mảnh ruộng từng trồng lúa đã bỏ hoang, hay được trồng cau, hay bất kỳ loại cây nào chịu được hạn. Nhưng, chỉ một trận mưa nhỏ cũng đã làm ngập cả đồng, cả đường làng.
Cách hôm chúng tôi đến không lâu, một nông dân thôn Lâm Hộ đã bị bắt. Chuyện đơn giản thế này. Có doanh nghiệp đổ đất giữa cánh đồng, xe đi ngang qua những ruộng lúa. Một số dân thôn Lâm Hộ bức xúc, tự phát chặn đường. Người nông dân nọ, trong một phiên trực, đã được tài xế năn nỉ cho xe qua: “Anh biếu chú bốn trăm, nhưng chú ký vào đây để anh về cơ quan thanh toán”. Đó là “bằng chứng”. Nhiều người dân trong thôn nói với chúng tôi, họ đã thua doanh nghiệp keo này, “nhưng về lâu dài thì khác”. Đảm nói: “Chả biết cấp trên nghĩ gì, mà cắt đất giữa cánh đồng cho doanh nghiệp. Thế thì khó cả đôi bên”.
Con đường vào làng Hạ Lôi, xã Mê Linh gần đó chạy ngang qua cánh đồng hoa. Màu của đủ các loại hoa cứ rực lên dưới nắng tháng 5 chói chang, xen kẽ bởi những chiếc nón lá thấp thoáng. Trong làng, những ngôi nhà tầng khang trang bao quanh đền thờ Hai Bà Trưng cổ kính. Một bức tranh hoàn hảo của sự lãng mạn và trù phú. Đứng ở ven đường, lão nông Đặng Minh cười ha hả: “Ông mãnh này “thua” rồi. Dám vào đất này làm đô thị à”.
“Ông mãnh này” là cách nói ám chỉ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, đang xây dựng một dự án bất động sản hơn 94 hecta mà gần một nửa là trên cánh đồng hoa này. Họ đã trả tới 100 triệu đồng/sào nhưng chỉ ít người bán. “Một sào hoa chúng tôi bỏ túi hơn 60 triệu đồng mỗi năm. Bán cho họ thì hoạ chăng có ngu à”, ông Minh nói.
Thế nhưng, cánh đồng hoa đang co hẹp lại. Lau lách và cỏ dại đã mọc đầy trên những thửa đất giờ đã thuộc AIC chiếm một góc trên cánh đồng. Công ty này chỉ mua được đất từ khoảng 40 hộ. Không biết AIC sẽ làm gì khi nhiều người làng Hạ Lôi khẳng định họ không bao giờ bán đất. Hoa của làng này, được lưu trữ trên những chiếc xe lạnh, mang bán khắp cả nước.
Nhưng AIC không phải duy nhất. Có chín dự án đã được cấp phép, và hai cái khác đi vào hoạt động dự kiến sẽ lấy đi 70% cánh đồng hoa rộng 390 hecta của làng. Nay thì cả chín dự án treo đó.
Rõ ràng, rất nhiều dự án được cấp phép trước khi Hà Nội mở rộng đang dang dở, làm hoang mang người dân, và làm khó cho doanh nghiệp. Điều này không xa lạ với chủ tịch xã Yên Sơn, Quốc Oai là ông Nguyễn Phú Thành. Hơn 10 dự án đang tiến hành thu hồi đất sẽ lấy đi gần như hoàn toàn 251 hecta ruộng trong xã. Chỉ một chồng giấy dày trên bàn, ông Thành nói: “Đây là mấy trăm cái đơn kiện của nông dân mất đất. Tôi cũng chả biết làm thế nào”.
Theo tính toán của UBND thành phố Hà Nội, trong 5 năm từ 2003 - 2007, chính quyền thuộc phần thủ đô mở rộng đã giao 11.500 hecta đất cho các dự án. Một diện tích lớn hơn thế, 11.800 hecta đã được giao vỏn vẹn chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm 2008, trước khi Hà Nội chính thức mở rộng, tương đương diện tích của 5 năm.
Ngày 29/5 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên điều trần trước Quốc hội về việc mở rộng thủ đô cho biết, chỉ có hơn 300 dự án khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp đang được trình phê duyệt trong phạm vi Hà Nội mới. Đến ngày 20/4 năm nay, UBND thành phố Hà Nội báo cáo, con số này đã chính thức tăng gấp đôi, lên tới 744. Điều này có thể được hiểu, hoặc chính quyền cấp dưới đã phê duyệt các dự án quá nhanh; hoặc đã báo cáo sai cho Thủ tướng, để rồi đưa ra con số sai cho Quốc hội.
Đến nay thì tất cả 744 dự án này đã bị đình lại và sẽ được quyết định trong tháng 6 này, như cam kết của UBND thành phố Hà Nội. Chưa một ai trong số những quan chức liên quan đến hệ thống cấp phép bị kỷ luật. Hiện nay, Công an Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bắt đầu vào cuộc để xem lại quá trình này. Những dự án dang dở đó, và câu chuyện xung quanh chắc chắn chưa dừng lại ở đây.
Tư Giang - Lê Phượng (SGTT)
“Các doanh nghiệp về chiếm đất, rồi bỏ hoang thế thôi. Chúng tôi nay chả ra nông nghiệp, chả ra công nghiệp”, Đảm, trưởng thôn nói.
Cái thôn nhỏ với 474 hộ thuộc xã Thanh Lâm, Mê Linh đang bị bủa vây bởi 24 dự án, kể cả loại đã triển khai hay còn trên giấy. Chúng đã chiếm tới 2/3 cánh đồng. Có những dự án san đất, xây rào từ năm 2001 rồi để đấy, có những dự án chỉ đơn giản là cắm mấy cái cọc, có những dự án mà người dân địa phương chưa bao giờ thấy chủ đầu tư. Bất chấp mọi lý do có thể, chúng đã phá hỏng cánh đồng làng.
Đảm đi men theo một hào nước rộng chưa đầy nửa mét và cạn nhìn thấy đáy. “Cái này từng là mương tưới tiêu cho cả cánh đồng”, Đảm giải thích. Đảm kể, các doanh nghiệp về đổ đất san lấp mặt bằng đã “san lấp” luôn cả con mương tưới tiêu.
“Người làng tôi giờ làm lúa phụ thuộc hoàn toàn vào mưa nắng, chứ cái rãnh này làm sao đủ nước mà tưới”, Đảm nói. Nhiều mảnh ruộng từng trồng lúa đã bỏ hoang, hay được trồng cau, hay bất kỳ loại cây nào chịu được hạn. Nhưng, chỉ một trận mưa nhỏ cũng đã làm ngập cả đồng, cả đường làng.
Cách hôm chúng tôi đến không lâu, một nông dân thôn Lâm Hộ đã bị bắt. Chuyện đơn giản thế này. Có doanh nghiệp đổ đất giữa cánh đồng, xe đi ngang qua những ruộng lúa. Một số dân thôn Lâm Hộ bức xúc, tự phát chặn đường. Người nông dân nọ, trong một phiên trực, đã được tài xế năn nỉ cho xe qua: “Anh biếu chú bốn trăm, nhưng chú ký vào đây để anh về cơ quan thanh toán”. Đó là “bằng chứng”. Nhiều người dân trong thôn nói với chúng tôi, họ đã thua doanh nghiệp keo này, “nhưng về lâu dài thì khác”. Đảm nói: “Chả biết cấp trên nghĩ gì, mà cắt đất giữa cánh đồng cho doanh nghiệp. Thế thì khó cả đôi bên”.
Con đường vào làng Hạ Lôi, xã Mê Linh gần đó chạy ngang qua cánh đồng hoa. Màu của đủ các loại hoa cứ rực lên dưới nắng tháng 5 chói chang, xen kẽ bởi những chiếc nón lá thấp thoáng. Trong làng, những ngôi nhà tầng khang trang bao quanh đền thờ Hai Bà Trưng cổ kính. Một bức tranh hoàn hảo của sự lãng mạn và trù phú. Đứng ở ven đường, lão nông Đặng Minh cười ha hả: “Ông mãnh này “thua” rồi. Dám vào đất này làm đô thị à”.
“Ông mãnh này” là cách nói ám chỉ Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, đang xây dựng một dự án bất động sản hơn 94 hecta mà gần một nửa là trên cánh đồng hoa này. Họ đã trả tới 100 triệu đồng/sào nhưng chỉ ít người bán. “Một sào hoa chúng tôi bỏ túi hơn 60 triệu đồng mỗi năm. Bán cho họ thì hoạ chăng có ngu à”, ông Minh nói.
Thế nhưng, cánh đồng hoa đang co hẹp lại. Lau lách và cỏ dại đã mọc đầy trên những thửa đất giờ đã thuộc AIC chiếm một góc trên cánh đồng. Công ty này chỉ mua được đất từ khoảng 40 hộ. Không biết AIC sẽ làm gì khi nhiều người làng Hạ Lôi khẳng định họ không bao giờ bán đất. Hoa của làng này, được lưu trữ trên những chiếc xe lạnh, mang bán khắp cả nước.
Nhưng AIC không phải duy nhất. Có chín dự án đã được cấp phép, và hai cái khác đi vào hoạt động dự kiến sẽ lấy đi 70% cánh đồng hoa rộng 390 hecta của làng. Nay thì cả chín dự án treo đó.
Rõ ràng, rất nhiều dự án được cấp phép trước khi Hà Nội mở rộng đang dang dở, làm hoang mang người dân, và làm khó cho doanh nghiệp. Điều này không xa lạ với chủ tịch xã Yên Sơn, Quốc Oai là ông Nguyễn Phú Thành. Hơn 10 dự án đang tiến hành thu hồi đất sẽ lấy đi gần như hoàn toàn 251 hecta ruộng trong xã. Chỉ một chồng giấy dày trên bàn, ông Thành nói: “Đây là mấy trăm cái đơn kiện của nông dân mất đất. Tôi cũng chả biết làm thế nào”.
Theo tính toán của UBND thành phố Hà Nội, trong 5 năm từ 2003 - 2007, chính quyền thuộc phần thủ đô mở rộng đã giao 11.500 hecta đất cho các dự án. Một diện tích lớn hơn thế, 11.800 hecta đã được giao vỏn vẹn chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm 2008, trước khi Hà Nội chính thức mở rộng, tương đương diện tích của 5 năm.
Ngày 29/5 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên điều trần trước Quốc hội về việc mở rộng thủ đô cho biết, chỉ có hơn 300 dự án khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp đang được trình phê duyệt trong phạm vi Hà Nội mới. Đến ngày 20/4 năm nay, UBND thành phố Hà Nội báo cáo, con số này đã chính thức tăng gấp đôi, lên tới 744. Điều này có thể được hiểu, hoặc chính quyền cấp dưới đã phê duyệt các dự án quá nhanh; hoặc đã báo cáo sai cho Thủ tướng, để rồi đưa ra con số sai cho Quốc hội.
Đến nay thì tất cả 744 dự án này đã bị đình lại và sẽ được quyết định trong tháng 6 này, như cam kết của UBND thành phố Hà Nội. Chưa một ai trong số những quan chức liên quan đến hệ thống cấp phép bị kỷ luật. Hiện nay, Công an Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bắt đầu vào cuộc để xem lại quá trình này. Những dự án dang dở đó, và câu chuyện xung quanh chắc chắn chưa dừng lại ở đây.
Tư Giang - Lê Phượng (SGTT)