09:22 10/07/2008

Hà Nội sẽ giảm tỷ lệ giao thông bằng xe máy xuống mức 30%

Thanh Vân

Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020

Bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ giao thông bằng xe máy tại Hà Nội xuống còn 30% - Ảnh: Đức Thọ.
Bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ giao thông bằng xe máy tại Hà Nội xuống còn 30% - Ảnh: Đức Thọ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Theo đó, tối thiểu 15% tổng quỹ đất của thành phố sẽ được dành cho hệ thống hạ tầng giao thông với tổng số vốn đầu tư khoảng 287.800 tỷ đồng.

Quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tối thiểu sẽ đạt khoảng 13.800 ha, trong đó phần lớn dành cho giao thông đường bộ với khoảng 11.500 ha và đường sắt khoảng 1.100 ha.

Mạng lưới đường đô thị tại các quận nội thành và các khu vực đô thị của các huyện ngoại thành sẽ đạt khoảng 20% diện tích đất đô thị.

Trong tổng số vốn dự kiến đầu tư cho giao thông, Hà Nội sẽ dành khoảng 117.000 tỷ đồng cho các dự án đường bộ, 138.000 tỷ đồng cho đường sắt, 13.700 tỷ đồng cho đường thủy, 13.800 tỷ đồng cho các cảng hàng không quốc tế và sân bay.

Nội dung bản quy hoạch cũng nêu rõ phạm vi quy hoạch sẽ gồm thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang và Thái Nguyên trong bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50km.

Cụ thể, Hà Nội sẽ cải tạo và mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện đại lên thành đường có từ 4-6 làn xe cơ giới, xây dựng các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn. Đồng thời, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản đường vành đai 2 trước năm 2010.

Bên cạnh việc cải tạo khoảng 150 nút giao thông nội đô, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng một số cầu vượt sồng Hồng như cầu Nhật Tân, Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh… để cùng các cầu đã xây dựng tạo thành mạng lưới giao thông lớn, thuận tiện. Hà Nội cũng sẽ mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục đô thị của Thủ đô (18 trục phía Nam sông Hồng và 12 trục phía Bắc sông Hồng) nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội.

Bản quy hoạch cũng đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị nhằm giữ vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học.

Đồng thời, mục tiêu vào năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng từ 35 - 45% tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố và phấn đấu giảm tỷ lệ giao thông bằng xe máy xuống còn 30%.