10:35 11/06/2007

Hà Nội: Trên 53 tỷ đồng lừa đảo xuất khẩu lao động

Lý Hà

Từ đầu năm 2006 đến nay, tại Hà Nội đã có 2.118 nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động với số tiền lừa lên tới trên 53 tỷ đồng

Nguyên nhân người dân bị lừa phần lớn đều thiếu thông tin, không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục nên phải thông qua trung gian môi giới - Ảnh: Vnexpress.
Nguyên nhân người dân bị lừa phần lớn đều thiếu thông tin, không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục nên phải thông qua trung gian môi giới - Ảnh: Vnexpress.
Tính từ đầu năm 2006 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 71 vụ án, 119 đối tượng lừa đảo đưa người đi lao động ở nước ngoài và đã có 2.118 nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động với số tiền bị lừa đảo lên tới trên 53 tỷ đồng. Đã khởi tố 54 vụ với 90 bị can, xử lý hành chính 1 vụ và đang điều tra 15 vụ.

Trong số đó, có tới 96% là người ngoại thành, ngoại tỉnh, người ở nông thôn ra Hà Nội. Đây là những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thật sự, song lại thiếu thông tin, hiểu biết về các công ty xuất khẩu lao động, dẫn tới dễ bị lừa đảo. Đây là những số liệu đã được đưa ra trong Hội nghị sơ kết công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội do Công an Hà Nội vừa tổ chức.

Nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau

Với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, bọn tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động đã hình thành nhiều đường dây, tổ chức tội phạm lớn, chiếm đoạt của nhiều người lao động, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hiện nay, Hà Nội chỉ có 8 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, song lại có tới 61 văn phòng đại diện, chi nhánh các công ty xuất khẩu lao động từ các tỉnh, thành khác đến đặt trụ sở. Một số văn phòng, chi nhánh này thời gian qua lại có nhiều vi phạm, gây tình hình phức tạp về xuất khẩu lao động trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Văn Nông, Phó trưởng phòng PC15, tình hình hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là những thị trường lương cao như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Nguyên nhân người dân bị lừa phần lớn đều thiếu thông tin, không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục, chính vì vậy đều phải thông qua trung gian môi giới. Còn về phía doanh nghiệp lập trung tâm, cơ sở đào tạo tràn lan, có doanh nghiệp còn bán giấy phép.

Đơn cử như vụ Hồ Anh Cương, chỉ là cán bộ phụ trách Trung tâm đào tạo tiếng và giáo dục định hướng thuộc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu chi nhánh Hà Nội nhưng đã giả danh là cán bộ tuyển dụng xuất khẩu lao động, lừa đảo thu tiền của những người có nhu cầu xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, CH Séc và Đài Loan, chiếm đoạt số tiền 50.300USD và trên 66 triệu đồng. Ngày 22/5 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.Hà Nội đề nghị truy tố.

Điển hình nhất là tháng 2/2006, Đội CSĐT tội phạm kinh tế – Công an quận Đống Đa khám phá chuyên án, bắt đối tượng Nguyễn Hoàng Trung, trú tại Mai Hiên – Mai Lâm (Đông Anh), lập 4 công ty để lừa đảo dưới hình thức môi giới việc làm có thu nhập cao và đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng của 340 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Đã thu hồi 334 triệu đồng, khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ truy tố trước pháp luật.

5 khuyến cáo dành cho người lao động

Theo đánh giá của phòng PC 15 vào thời điểm cuối năm 2006 và đầu năm 2007, do nhu cầu đi xuất khẩu lao động tăng lên, trong khi người dân không tiếp cận được thông tin về chương trình xuất khẩu lao động nên rất dễ bị lừa. Nhiều đối tượng không cần sử dụng thủ đoạn tinh vi, không cần trụ sở khang trang, thậm chí không cần thành lập công ty cũng có thể dễ dàng lừa đảo. Về thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, Công an Hà Nội đã đưa ra 5 khuyến cáo.

Thứ nhất, móc nối với một số người nước ngoài để quảng cáo với người dân là có các chương trình như thật: đi du học, đi lao động ở nước ngoài, có chủ sử dụng lao động trực tiếp tuyển lao động, đặc biệt có trường hợp còn tổ chức cho người nước ngoài thu tiền trực tiếp người lao động để tạo lòng tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Thứ hai, đưa ra các chương trình không có thật, thông tin ảo nhưng hấp dẫn như: thực tập nâng cao tay nghề, du học có kết hợp lao động, chỉ học vào buổi tối ngày lao động với mức lương cao: 1.000 USD/người/tháng.

Thứ ba, tổ chức các trung tâm đào tạo tiếng Hàn, quảng cáo hứa hẹn nếu học qua các trung tâm này chắc chắn sẽ được đi Hàn Quốc.

Thứ tư, để trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng phạm tội thường chọn các ngõ phố nhỏ, các khu đô thị mới xa trung tâm để đặt trụ sở văn phòng giao dịch.

Thứ năm, một số đối tượng khác giả danh là cán bộ ở Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hay tự phong là trưởng phòng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoặc có mối quan hệ với Bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đứng ra tuyển lao động. Các đối tượng thường sử dụng hồ sơ giả (hồ sơ vàng) do Cục Quản lý lao động ngoài nước phát hành, hoặc lập các hợp đồng ngoại giả (có đầy đủ dấu và chữ ký của đối tác nước ngoài) để tạo lòng tin.