14:22 21/11/2010

Habubank niêm yết: Áp lực hay tự tin?

Hoàng Vũ

Chào sàn trong bối cảnh thị trường khó khăn có thể xem là sự tự tin, nhưng cũng có thể là từ áp lực tạo thanh khoản, huy động vốn

Theo Tổng giám đốc Habubank, khi niêm yết, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ lớn hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư.
Theo Tổng giám đốc Habubank, khi niêm yết, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ lớn hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư.
Chào sàn trong bối cảnh thị trường khó khăn có thể xem là sự tự tin của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là từ áp lực tạo thanh khoản, huy động vốn…

Những năm gần đây có rất nhiều ngân hàng thương mại lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Đến nay, nhiều mốc hẹn đã lỡ và chưa rõ bao giờ cụ thể. Một nguyên nhân chính là do bối cảnh không thuận lợi, thị trường chứng khoán liên tiếp sụt giảm và vẫn chưa cho thấy triển vọng phục hồi rõ ràng.

Ngày 23/11 này, 300 triệu cổ phiếu HBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) chính thức có phiên giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Habubank, đã có cuộc trao đổi với phóng viên về kế hoạch niêm yết trên, đặt trong bối cảnh chung của thị trường.

Thưa bà, kế hoạch niêm yết của Habubank thời điểm này có “mạo hiểm” không, khi thị trường chứng khoán Việt Nam chật vật và suy giảm suốt thời gian dài?

Habubank quyết định lựa chọn thời điểm thích hợp nhất trong năm 2010 để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc niêm yết này không theo trào lưu mà nằm trong chiến lược dài hạn theo đúng lộ trình được Đại hội đồng cổ đông thông qua và được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các nhà đầu tư sẽ gặp ít rủi ro hơn nếu đầu tư vào cổ phiếu đã niêm yết bởi việc niêm yết sẽ hỗ trợ nhiều về tính thanh khoản, minh bạch trong thông tin. Rủi ro đến từ thị trường chung và không phải chỉ Habubank phải đối mặt với điều đó. Thị trường lên thì sẽ có giảm và ngược lại. Quan trọng là Habubank vẫn luôn là một ngân hàng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.

Với riêng giá cổ phiếu ngân hàng, trong thời gian qua chỉ thấy giảm và sụt giảm, thậm chí giảm mạnh hơn tốc độ của chỉ số. Bà nói gì về giá trị cổ phiếu của Habubank khi đặt trong thực tế chung này?

Có thể thấy, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm mạnh trên thị trường OTC - thị trường mà tính chính xác của các giao dịch mua - bán khó có thể kiểm chứng dẫn đến các hiện tượng làm giá, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Còn với thị trường chứng khoán tập trung, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thị trường  đang ở khoảng đáy và tình hình thị trường khó có diễn biến xấu hơn. Về lâu dài, HBB là một mã cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư trung hạn quan tâm. Các nhà đầu tư dài hạn có thể thấy giá trị tích luỹ của khoản đầu tư này.

Như câu hỏi trên, chào sàn trong bối cảnh thị trường khó khăn có thể xem là sự tự tin của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là do áp lực tạo thanh khoản, huy động vốn. Habubank nói gì về những điểm này trong quyết định niêm yết của mình?

Một doanh nghiệp lên sàn thường có ba mục tiêu chính: thứ nhất là để tăng vốn; hai là để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu; bà là thông qua qua đó sẽ có cơ sở để tăng cường truyền thông cho hình ảnh doanh nghiệp đó.

Chúng tôi đã hoàn thành việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2009 nên không có áp lực huy động vốn. Còn vấn đề thanh khoản, đương nhiên khi niêm yết, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ lớn hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư.

Mặt khác, Habubank cũng xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc chủ động quản lý tài sản của mình và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn thoái vốn.

Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, nhiều ý kiến đã đánh giá như vậy. Những năm gần đây, hầu hết các ngân hàng đều không có được các chỉ số tăng trưởng ấn tượng như thời điểm từ năm 2007 trở về trước. Bà nói gì về thực tế này cũng như đánh giá thế nào về triển vọng phát triển trong những năm tới?

Hiện nay, theo tôi số lượng ngân hàng có thể xem là khá nhiều so với quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do vậy sự cạnh tranh của các ngân hàng sẽ rất mạnh, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, với những cam kết mở cửa dần dần lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Riêng với Habubank, lợi nhuận của ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao nhưng có xu hướng giảm dần từ 2007 đến nay do hệ thống ngân hàng nói chung và Habubank nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ các biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước nên phải tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động, giảm tốc độ tăng trưởng cả tổng tài sản và lợi nhuận, trong khi vẫn phải tăng vốn để đảm bảo an toàn hoạt động và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua Habubank luôn nằm trong Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần về quy mô và hoạt động hiệu quả nhất, bền vững nhất, được Ngân hàng Nhà nước và các nhà đầu tư đánh giá là hoạt động an toàn - hiệu quả. Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, Habubank luôn nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong khối.

Tôi cho rằng triển vọng phát triển của ngành trong những năm tới còn rất lớn. Tuy nhiên các yếu tố cạnh tranh cũng sẽ ngày càng khốc liệt khi thị trường không chỉ dành riêng cho các tổ chức trong nước mà sẽ có sự góp mặt của các định chế tài chính lớn mạnh nước ngoài khi lĩnh vực này đang trong quá trình mở cửa.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp dụng các chính sách tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay và các điều kiện đảm bảo an toàn của các ngân hàng thương mại. Điều đó đòi hỏi hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và Habubank nói riêng cần có những chiến lược phát triển phù hợp và kịp thời, đảm bảo bắt kịp xu thế, sáng tạo, linh hoạt, an toàn và bền vững trong môi trường kinh doanh thay đổi.

Với Habubank, chúng tôi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng các mảng kinh doanh cao hơn bình quân ngành, phù hợp với tăng trưởng kinh tế và các điều kiện kinh tế, thị trường và chính sách ngành, kết hợp với việc gia tăng tỷ lệ an toàn vốn theo các tiêu chuẩn quốc tế; chuyển đổi cơ cấu thu nhập chủ yếu dựa vào tín dụng sang gia tăng các mảng kinh doanh mang lại thu nhập về phí và phi tín dụng khác cho mình.

Trở lại với kế hoạch niêm yết, nếu thuyết phục nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu HBB, bà sẽ đưa ra những cơ sở nào?

Tôi sẽ nói rằng: kể từ khi thành lập, Habubank luôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong quy mô tổng tài sản cũng như lợi nhuận. Quản lý rủi ro và an toàn tín dụng cũng rất được chú trọng quan tâm với chỉ số an toàn vốn được duy trì ở mức cao hơn thông lệ quốc tế để đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng trong thời điểm khó khăn.

Với đà phát triển liên tục nhanh và ổn định, an toàn, chiến lược hoạt động linh hoạt và năng động, đội ngũ nhân sự ... năng lực quản trị điều hành của Habubank được đánh giá cao hơn 20 năm qua, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng kinh tế với ảnh hưởng của nó đã và đang diễn ra hiện nay. Các nhà đầu tư sẽ thấy cơ hội đầu tư tại Habubank.