Hai bộ và Ngân hàng Nhà nước chưa tròn trách nhiệm với ODA
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo kịp thời khi ODA vượt trần
Quản lý, điều hành của Chính phủ còn thiếu thống nhất, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chưa tròn trách nhiệm còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo kịp thời khi ODA vượt trần...
Đó là nhận định của đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016.
Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 9/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát nội dung nói trên.
Mạnh ai nấy làm
Theo nhận định của đoàn giám sát thì trong giai đoạn 2011-2016, các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công theo các quy định mới đều hướng đến chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn.
Giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.
Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Tổng giải ngân cả giai đoạn giám sát khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND).
Giai đoạn 2011 - 2016, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17-18% tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong đó trả nợ gốc là khoảng 158.200 tỷ đồng (chiếm 70% tổng nghĩa vụ trả nợ), trả nợ lãi và phí là 67.800 tỷ đồng (chiếm 30% tổng nghĩa vụ trả nợ).
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, đoàn giám sát cho biết.
Bên cạnh kết quả, báo cáo giám sát chỉ ra không ít han chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn.
Như, việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan thâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay (thể hiện qua cách "mạnh ai người ấy làm"). Qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể.
Hạn chế nữa là công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn.
Chẳng hạn, tại tỉnh Quảng Trị dự án quản lý thiên tai (WB5) kế hoạch bố trí 13,6 tỷ đồng trong khi giải ngân là 113,096 tỷ đồng (gấp hơn 8 lần). Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch vốn bố trí 57 tỷ đồng trong khi giải ngân là 116,278 tỷ đồng (gấp 2 lần)...
Giai đoạn 2011-2015, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách cao hơn so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định, đoàn giám sát khái quát.
Đáng chú ý, từ 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu giải ngân đủ cho các dự án, hiệp định vay đã ký kết đến 31/12/2016 thì đã thiếu 60-90 nghìn tỷ đồng so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chưa kể những dự án, hiệp định ký kết từ sau ngày 31/12/2016.
Như vậy, nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ để tháo gỡ vướng mắc thì sẽ dẫn đến giải ngân vượt hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính.
Viết hay, miễn là vay được tiền
Về nguyên nhân của những hạn chế, đoàn giám sát nhận định, nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, phần nào do quan niệm rằng nguồn vốn tài trợ "cho không", việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi.
Vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả của dự án, dự án viết "hay" để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực, chưa thấy được trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Phần trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo nêu rõ, việc giám sát chuyên sâu về quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa được tiến hành thường xuyên.
Với Chính phủ, đoàn giám sát nhận định là đã có nhiều nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý và công tác quản lý, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ nhà nước phải trả trong tương lai.
Là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nợ công, song quản lý, điều hành của Chính phủ còn thiếu thống nhất đầu mối ở khâu đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ; chưa kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định của luật để sớm khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện. Một số dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn còn xảy ra tình trạng để thất thoát, mất vốn, khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua theo đoàn giám sát thì chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong khâu xây dựng kế hoạch, chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về tình trạng huy động hiện nay đã vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi của WB/ADB, tổ chức đàm phán, ký kết thoả thuận vay nước ngoài theo phân công của Chính phủ; phối hợp cùng các bộ hữu quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà Nước chưa làm tròn trách nhiệm này.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến số liệu có sự chênh lệch trong công tác báo cáo về thực trạng huy động, giải ngân vốn ODA, báo cáo giám sát nêu.