10:12 07/10/2008

Hai lĩnh vực nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm ở Việt Nam

Thùy Trang

Vật liệu xây dựng và in ấn, bao bì là hai lĩnh vực mà các nhà đầu tư Đan Mạch dành sự quan tâm lớn tại thị trường Việt Nam

Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Trước đây, F.L.Smith (Đan Mạch) là hãng đầu tiên giúp xây dựng nhà máy này.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Trước đây, F.L.Smith (Đan Mạch) là hãng đầu tiên giúp xây dựng nhà máy này.
Ngày 6/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch đã tổ chức hội thảo “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, in ấn và bao bì”.

Ngoài đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và in ấn, bao bì, còn có 18 công ty Đan Mạch tham dự. Hội thảo đã thể hiện rõ kỳ vọng của các doanh nghiệp Đan Mạch đối với thị trường Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác

Trước đây, F.L.Smith (Đan Mạch) là hãng đầu tiên giúp xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng và hiện nay hãng vẫn đang cung cấp thiết bị cho dây chuyền 1 nhà máy xi măng Hoàng Thạch, dây chuyền sản xuất xi măng theo phương pháp khô (lò quay) đầu tiên tại Việt Nam có công nghệ tiên tiến.

Hãng cũng là nhà cung cấp dây chuyền cho các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Tam Điệp, Hải Phòng. Chính phủ Đan Mạch cũng đã cung cấp nguồn vốn ODA cho các dự án cấp nước, môi trường đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần quan trọng cho việc thay đổi tư duy, nhận thức cũng như phương pháp luận, giải pháp thực tiễn về giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam. Đan Mạch cũng đã giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng quy hoạch phát triển xi măng từ những năm 90.

Sau những hiệu quả đạt được bước đầu, các công ty Đan Mạch bắt đầu quan tâm sâu hơn đến thị trường sở hữu một lực lượng lao động dồi dào với nền kinh tế đang chuyển đổi hàng giờ của Việt Nam. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen lý giải: “Việt Nam được xem là địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và gia công. Với đà phát triển hiện nay, tiềm năng của ngành vật liệu xây dựng và cả in ấn bao bì ở Việt Nam rất lớn”.

Với ưu thế nguồn nhân lực trẻ, rẻ, được đào tạo tốt, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam thông thoáng và cởi mở, Việt Nam đang mở ra cơ hội ngàn năm có một cho các doanh nghiệp biết nắm bắt xu thế tại Việt Nam.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết thêm: ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam những năm qua đã đạt tốc độ phát triển cao ở mức 12-16%/năm.

Với hơn 85 triệu dân, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở của Việt Nam ngày một lớn, đòi hỏi lượng vật liệu xây dựng cũng rất lớn. Đây là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Mặt khác Việt Nam có tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng đa dạng và phong phú như nguyên liệu làm xi măng, sản xuất đá ốp lát, kính xây dựng, gạch ốp lát...

Đi cùng với yêu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế đất nước thì nhu cầu hàng hoá, lương thực, thực phẩm cũng gia tăng đòi hỏi nhiều bao bì, in ấn. Chính vì vậy, ngành in và bao bì của Việt Nam hiện cũng đang có tốc độ phát triển bình quân 15-20%/năm, riêng bao bì nhựa có thể đạt đến 1,4 triệu tấn vào năm 2010, ước tính ngành bao bì chiếm từ 8-10% GDP của Việt Nam.

Thật ra nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đã nhận thấy tiềm năng từ trước và họ đã vào Việt Nam đầu tư ngành in ấn. Mở đầu là Công ty Reproflex. Cách đây 2 năm, Reproflex đã liên doanh với Công ty Hoàng Hạc của Việt Nam để thành lập liên doanh trong đó Reproflex đóng góp 60%, Hoàng Hạc 25% và bản thân ông Giám đốc Christian Hvass góp 15% vốn. Liên doanh này cung cấp ra thị trường thiết kế đồ hoạ, chế bản.

Tại hội thảo này, ông Christian Hvass cho biết: bên cạnh tiềm năng thị trường lớn, chi phí lao động thấp, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều tập đoàn tên tuổi của thế giới đã có mặt như Diageo, Procter & Gamble, Kimberly Clark, Unilever, Colgate Palmolive, Carlsberg...

Những thách thức

Những đại gia này đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam kéo theo nhu cầu về bao bì rất lớn. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng trưởng thành rất nhanh chóng, mở rộng thị phần với nhu cầu in ấn nhiều hơn như Vinamilk, Trung Nguyên, Kinh Đô, Vissan, Hapro...

Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam đề cập đến một thực tế là ngành bao bì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguyên liệu nhập khẩu khoảng 95%, thiết bị nhập khẩu cũng có tỉ lệ tương đương. Phần lớn các doanh nghiệp in và bao bì của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Do vậy, con đường phấn đấu còn dài.

Nhưng ông Chủ tịch Hiệp hội Bao bì cho rằng điều đó cũng có nghĩa là nhu cầu hợp tác quốc tế để doanh nghiệp bao bì Việt Nam phát triển là có thật để gia tăng tính chuyên nghiệp và năng lực sản xuất.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng vừa được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam cần hơn 100 triệu tấn xi măng, hơn 400 triệu m2 gạch ốp lát, hơn 200 triệu m2 kính xây dựng, hơn 20 triệu sản phẩm sứ vệ sinh các loại... Trong thời gian tới, khi nhà máy lọc dầu của Việt Nam đi vào hoạt động, các sản phẩm về vật liệu xây dựng từ nhựa, composite, cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, những hạn chế mà các nhà đầu tư Đan Mạch e ngại là trình độ ngoại ngữ và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số công ty cho biết họ phải sử dụng nhiều dữ liệu nhưng đường truyền Internet và cung cấp điện của Việt Nam vẫn chưa ổn định, giá thành cao. Mức lạm phát cao hiện nay của Việt Nam và thủ tục hành chính rườm rà cũng là những trở ngại được các doanh nghiệp nhắc đến.

Theo bà Lê Thanh Loan, điều phối viên chương trình B2B, vì lí do này mà gần đây, chính phủ Đan Mạch đã đưa ra chương trình Kết nối doanh nghiệp (B2B) bằng cách hỗ trợ tài chính cho việc tìm kiếm đối tác, tiến hành dự án thí điểm và dự án chính. Mỗi dự án cam kết thành lập liên doanh sẽ nhận được hỗ trợ của chương trình B2B với mức cao nhất là 1 triệu USD.

Bà Loan cho biết, đối với các công ty Việt Nam phải đảm bảo có giấy phép đăng ký kinh doanh, 100% vốn góp của thành viên Việt Nam, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh (tối thiểu là 3 năm) và đủ nguồn tài chính, nhân sự để thực hiện hợp tác kinh doanh. Các công ty Đan Mạch cũng có điều kiện tương tự. Bà Loan đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên đối với các liên doanh góp vốn 50-50.