09:02 09/10/2007

Hai miền Triều Tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế

Trung Việt

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 4/10 ký Tuyên bố chung 8 điểm

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp vừa diễn ra tại Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp vừa diễn ra tại Bình Nhưỡng.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 4/10 ký Tuyên bố chung 8 điểm.

Tuyên bố chung khẳng định, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên mong muốn ký một hiệp ước hoà bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Theo đó, hai bên sẽ thành lập một vùng đánh cá chung trên biển Tây (vùng biển tranh chấp giữa hai nước) để tránh xung đột vũ trang không chủ ý. Đồng thời, tiến hành các cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng hai nước vào tháng 11 tới tại Bình Nhưỡng để thảo luận các biện pháp hỗ trợ hợp tác kinh tế liên Triều và giảm căng thẳng. Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ mở rộng hợp tác kinh tế để phát triển cân bằng và cùng thịnh vượng.

Hai bên sẽ thiết lập một khu vực hòa bình đặc biệt quanh Haeju ở Triều Tiên và các khu vực lân cận, đồng thời xúc tiến thiết lập một vùng đánh cá chung, các vùng biển hòa bình, vùng kinh tế đặc biệt, và cùng phát triển vùng cửa sông Hàn. Hai bên sẽ mở tuyến bay thẳng giữa Seoul và Núi Paekdu để tạo điều kiện cho người dân Hàn Quốc thăm vùng núi này tại Triều Tiên...

Một viện nghiên cứu tư nhân ước tính trị giá các dự án hợp tác kinh tế liên Triều theo thỏa thuận đạt được tại hội đàm thượng đỉnh vừa qua sẽ lên tới 11 tỷ USD. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, kinh phí đầu tư cho đặc khu kinh tế Haeju dự kiến sẽ vào khoảng 4,6 tỷ USD, phát triển giai đoạn 2 của khu công nghiệp Gaesung là 2,5 tỷ, và nâng cấp tuyến đường sắt Gaesung-Shinuiju là 1,5 tỷ USD...

Viện này dự báo, các dự án hợp tác liên Triều sẽ góp phần giảm kinh phí thống nhất đất nước của Hàn Quốc và nguy cơ địa chính trị, và tạo nên một nguồn động lực tăng trưởng mới bằng việc thành lập trung tâm vận tải xuyên bán đảo Hàn Quốc.

Ngày 5/10, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon khẳng định, Liên hiệp quốc cùng với cộng đồng quốc tế ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ hai miền Triều Tiên thực hiện các mục tiêu đề ra. Theo hãng Moody - hãng chuyên đánh giá mức độ tín nhiệm của các thị trường đầu tư, hãng này đã nâng chỉ số tín nhiệm đối với Hàn Quốc từ A3 lên A2.

Cùng với việc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đạt được kết quả tích cực, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng đang có những bước tiến rất khả quan.

Bước tiến mới trong vấn đề hạt nhân

Hãng tin Yonhap ngày 7/10 cho biết CHDCND Triều Tiên có thể bắt đầu việc dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân của họ vào giữa tháng 10 tới, theo thoả thuận giải pháp hạt nhân đổi lấy viện trợ, và tiến trình này sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Yonhap dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng quá trình dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ diễn ra trong vòng 45 ngày, có thể kết thúc vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.

Thông tin này được đưa ra sau khi Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Mỹ Christopher Hill thông báo Washington đang chuẩn bị gửi một đoàn chuyên gia tới CHDCND Triều Tiên trong tuần này để thảo luận việc xúc tiến quá trình này.

Theo thỏa thuận sáu bên được công bố ngày 3/10, CHDCND Triều Tiên sẽ tháo dỡ lò phản ứng thí nghiệm công suất 5 mêgaoát, đóng cửa hai cơ sở hạt nhân khác ở Yongbyon và công bố toàn bộ chương trình nghiên cứu hạt nhân của mình vào ngày 31/12 tới.

Đổi lại, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ cung cấp cho CHDCND Triều Tiên 900 nghìn tấn dầu nặng hoặc một khoản viện trợ tương đương, ngoài 100 nghìn tấn đã được chuyển cho CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Washington cũng cam kết sẽ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi "danh sách các nước tài trợ cho khủng bố" và sẽ tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng nếu nước này công khai và chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình vào cuối năm 2007.

Ngày 5/10, CHDCND Triều Tiên thông báo rằng, Mỹ đã đồng ý đưa Bình Nhưỡng khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khác sau khi Triều Tiên vô hiệu hoá các cơ sở hạt nhân của mình.

Theo hãng KCNA của Triều Tiên, Mỹ cũng có thể xem xét việc ngừng áp dụng "Luật thương mại với những nước kẻ thù", một biện pháp hạn chế thương mại mà Mỹ đang thực thi với Triều Tiên, để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đồng ý tháo dỡ và phá hủy toàn bộ các thiết bị tại các cơ sở hạt nhân của mình vào cuối năm nay.

Việc bị liệt vào danh sách trên khiến Triều Tiên không tiếp cận được với các khoản vay của các thể chế tài chính quốc tế, đồng thời phải chịu nhiều biện pháp hạn chế khác.