09:32 10/04/2007

Hải Phòng đón nhà đầu tư phía Nam

Phạm Hùng Nghị

Lãnh đạo và các sở ngành hữu quan của Hải Phòng vừa tổ chức vào Tp.HCM nhằm mục đích xúc tiến đầu tư

Sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc là một ưu thế lớn của Hải Phòng.
Sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc là một ưu thế lớn của Hải Phòng.
Lãnh đạo và các sở ngành hữu quan của Hải Phòng vừa tổ chức vào Tp.HCM nhằm mục đích xúc tiến đầu tư.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Trịnh Quang Sử, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về những tiềm năng cũng như ưu đãi của địa phương này dành cho các doanh nghiệp đến đây làm ăn.

Thưa ông, chuyến công tác tại Tp.HCM lần này của lãnh đạo và các sở ngành hữu quan của Hải Phòng là để vận động xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng. Ông kỳ vọng gì vào những kết quả sẽ đạt được?

Chúng tôi đến đây với sự giúp đỡ của Trung tâm xúc tiến đầu tư Tp.HCM, các tổ chức quốc tế, để trực tiếp gặp gỡ, cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc và kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại khu vực phía Nam mở rộng kinh doanh ra phía Bắc.

Chúng tôi tin rằng, khi các doanh nghiệp đến với Hải Phòng, đây sẽ là bàn đạp để phát triển ra phía Bắc, tiến vào thị trường Trung Quốc cũng như ra các nước khác trong khu vực.

Niềm tin tưởng đầy lạc quan của ông chắc là có những cơ sở đầy thuyết phục đối với các nhà đầu tư đang hoạt động tại các tỉnh phía Nam?

Thành phố Hải Phòng, như các bạn đã biết, là một cực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tại đây có cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc, đứng thứ hai trong cả nước (sau cảng Tp.HCM); là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Bắc, đầu mối của 2 hành lang - 1 vành đai kinh tế chiến lược nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Hiện nay Hải Phòng là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn của Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh, năng động.

Đặc biệt đang được chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án chiến lược cho vùng và cả nước như đường 5 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi, đường cao tốc ven biển... là những thuận lợi lớn để Hải Phòng có điều kiện phát triển nhanh hơn, năng động hơn. Đây cũng là những cơ sở để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạnh dạn đến với Hải Phòng.

Thưa ông, trong những năm qua việc thu hút đầu tư mà đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng đã đạt được những kết quả thế nào? Đâu là dấu ấn đáng ghi nhận nhất trong số các kết quả này ?

Đến nay, Hải Phòng còn có trên 240 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,4 tỷ USD đang còn hiệu lực hoạt động. Trong số các dự án này có trên 60% hoạt động trong các ngành công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu giải trí, vui chơi, khách sạn...

Riêng năm 2006 vừa qua có 37 dự án, tổng vốn gần 200 triệu USD. Quý 1 năm nay chúng tôi đã cấp phép mới cho 5 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án khác, với tổng vốn trên 80 triệu USD; đồng thời cũng tiếp đón nhiều nhà đầu tư từ các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Nhiều dự án quy mô lớn đang được chuẩn bị, như một dự án của Hàn Quốc có tổng vốn 340 triệu USD, riêng giai đoạn 1 là 27 triệu USD... Chúng tôi cho rằng đã và đang xuất hiện một làn sóng đầu tư mới vào Hải Phòng.

Phải thừa nhận rằng vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Hải Phòng, mức thu hút nguồn vốn này đã chiếm khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư hàng năm của toàn thành phố.

Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận từ đầu tư nước ngoài là việc hình thành và phát triển Khu công nghiệp Đình Vũ, vừa kỷ niệm 10 năm. Tại một bán đảo hoang sơ, thấp trũng, các nhà đầu tư đã sử dụng hàng triệu mét khối cát để san lấp hàng trăm ha bề mặt, xây dựng những cơ sở hạ tầng kể cả cảng biển nước sâu để hình thành khu công nghiệp nặng, khu công nghiệp hóa dầu, thu hút được gần 20 nhà đầu tư thứ cấp khác vào sản xuất...

Nhưng thưa ông, những kết quả trên vẫn là còn khá khiêm tốn so với một số địa phương khác. Phải chăng là chỉ số cạnh tranh của Hải Phòng không được cao, như đã có những đánh giá đã được công bố gần đây?

Thực tế qua nghiên cứu của các tổ chức quốc tế về khả năng cạnh tranh của các địa phương trong cả nước, có đưa ra các tiêu chí để đánh giá xếp hạng. Trong đó đã loại bỏ một số tiêu chí về điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng... Vì vậy, Hải Phòng và cả Tp.HCM nữa, cũng rơi vào hàng ngũ các địa phương có chỉ số cạnh tranh thấp.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng trong quá trình thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước thời gian qua Hải Phòng cũng có những điều kiện chưa thuận lợi lắm đối với nhà đầu tư, như về thủ tục hành chính và trong giải phóng mặt bằng.

Để nhanh chóng khắc phục các tồn tại này, năm 2006 đã được chọn làm năm “cải cách hành chính”, và năm 2007 là năm “đẩy mạnh cải cách hành chính”, mục tiêu là phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Theo ông, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư đến từ phía Nam, là vấn đề gì?

Chúng tôi biết rằng, mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư là vấn đề địa điểm, mặt bằng cho sản xuất, để chuẩn bị việc này, thành phố đang đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp lớn như: Đình Vũ, Đồ Sơn, Sài Gòn-Hải Phòng (Tràng Duệ), các cụm công nghiệp Tân Liên, Cầu Kiền, Đò Nống... Tích cực hỗ trợ để Khu công nghiệp Nomura đầu tư giai đoạn 2 mở rộng.

Để rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục cho các nhà đầu tư, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí một bộ phận xử lý nhanh các yêu cầu thông tin, đề xuất rút ngắn quy trình để giảm bớt giấy tờ, thời gian đi lại đối với các doanh nghiệp phía Nam.