16:31 05/10/2010

Hai quyết định lãi suất cứu nguy cho chứng khoán châu Á

An Huy

Thị trường chứng khoán châu Á đã thoát hiểm nhờ quyết định nằm ngoài dự báo của Nhật Bản và Australia về lãi suất

Dẫn đầu sự tăng điểm tại thị trường Tokyo hôm nay là cổ phiếu khối ngân hàng - Ảnh: AP.
Dẫn đầu sự tăng điểm tại thị trường Tokyo hôm nay là cổ phiếu khối ngân hàng - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán châu Á đã thoát hiểm nhờ quyết định nằm ngoài dự báo của Nhật Bản và Australia về lãi suất. Giới đầu tư cổ phiếu trong khu vực phản ứng tích cực khi các nhà chức trách thể hiện quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hai sự kiện mà thị trường chứng khoán châu Á chú ý nhiều nhất trong ngày hôm nay là kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Australia (RBA).

Vào buổi sáng, thị trường giảm điểm nhẹ do tác động bất lợi của phiên giảm khá sâu đêm trước ở Phố Wall và tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước giờ BoJ và RBA công bố mức lãi suất mới. Sau đó, sự đảo chiều đã diễn ra ngoạn mục vào đầu giờ chiều, sau khi BoJ tuyên bố hạ lãi suất về 0-0,1% từ mức 0,1% trước đó, còn RBA tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở 4,5% tháng thứ 5 liên tiếp.

Đây là lần đầu tiên BoJ hạ lãi suất về 0% kể từ tháng 7/2006 và việc hạ lãi suất này nằm ngoài dự báo của hầu hết các chuyên gia trước đó. Bên cạnh hạ lãi suất, BoJ còn thành lập một quỹ trị giá 60 tỷ USD để mua trái phiếu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Động thái của RBA cũng gây bất ngờ, vì phần lớn giới phân tích dự báo ngân hàng này sẽ tăng lãi suất.

Các quyết định về lãi suất nói trên có thể được xem là một bằng chứng cho thấy những bất ổn về tăng trưởng vẫn còn đeo đẳng. Tuy nhiên, các quyết định này cũng được nhìn nhận như quyết tâm của các nhà chức trách trong việc vực dậy nền kinh tế.

Giới đầu tư Nhật đã hưởng ứng tích cực trước các quyết định của BoJ. Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tăng 1,5%, sau khi giảm 0,5% vào đầu phiên. Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 chốt phiên với mức giảm 0,4%, dù trước đó đã có thời điểm sụt 1,4%.

Thị trường Trung Quốc đại lục hôm nay tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ. Tại các thị trường chủ chốt khác, mức biến động điểm số phiên này là không lớn. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng gần 0,1%, Taiex của Đài Loan giảm 0,6%, Kospi của Hàn Quốc giảm chưa đầy 0,1%...

Đồng Yên đã giảm giá 0,7% so với USD, ngay sau khi BoJ công bố quyết định hạ lãi suất và mua trái phiếu, còn 83,9 Yên/USD so với mức 83,55 Yên trước đó. Nhờ đó, cổ phiếu của các nhà xuất khẩu Nhật tăng giá nhẹ vào cuối phiên, sau khi đã giảm nhẹ trước đó.

Dẫn đầu sự tăng điểm tại thị trường Tokyo hôm nay là cổ phiếu khối ngân hàng, trong đó cổ phiếu của Mitsubishi UFJ tăng 2,4%. Nhóm cổ phiếu kéo chứng khoán châu Á đi xuống mạnh nhất phiên này là khối hàng hóa cơ bản.

Do giá kim loại thế giới đêm trước đi xuống, cổ phiếu hai hãng khai mỏ hàng đầu thế giới là BHP Billiton và Rio Tinto niêm yết tại Sydney hôm nay cùng giảm 1,3-1,4%.

Theo hãng tin Bloomberg, lúc 17h29 theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tăng 0,2%, đạt mức 127,46 điểm, trong đó cứ 5 cổ phiếu tăng giá thì lại có 4 cổ phiếu giảm giá.

Từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng 5,4%. Hệ số giá/thu nhập (P/E) bình quân của các cổ phiếu thuộc chỉ số này hiện ở mức 14,2 lần, cao hơn so với mức 13,6 lần của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ và mức 11,8 lần của chỉ số Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu.

Thị trường chứng khoán châu Âu chiều nay mở cửa ở xu hướng tăng. Lúc hơn 16h giờ Việt Nam, các chỉ số Stoxx 50, FTSE 100 và DAX tăng từ 0,3-0,6%.

Đêm nay, thống kê kinh tế được công bố theo lịch tại Mỹ là chỉ số khu vực phi sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) tháng 9. Giới phân tích dự báo, chỉ số này đã tăng lên mức 52 điểm từ mức 51,5 điểm trong tháng 8.