09:27 20/08/2007

Hải sản sạch, bài toán có lời giải

Nguyễn Huyền

Hải sản xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh đang là bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu

Trong 6 tháng, đã có 33 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol.
Trong 6 tháng, đã có 33 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol.
Trong sáu tháng đầu năm 2007, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn xuất hiện tại 4 thị trường mới dựng rào cản kỹ thuật là: Nga, Australia, Đài Loan và Nhật Bản. Nhưng khó khăn ách tắc tại thị trường Nga, Nhật Bản là bài toán khó cho Bộ Thuỷ sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP).

Theo Bộ Thuỷ sản, tính đến hết tháng 7, tổng sản lượng của ngành thuỷ sản ước đạt 2.165.485 tấn, đạt 56,99% kế hoạch năm và tăng 6,21% so cùng kỳ năm 2006. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 2,21%, đạt 1.247.900 tấn. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 340 triệu USD, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong 7 tháng đầu năm đạt 1.988 triệu USD, bằng 55,22% kế hoạch và tăng 15,71% so cùng kỳ.

Trước yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ thị trường Nhật Bản, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, đặc biệt là hàng tôm sang thị trường này giảm đáng kể. Do vậy, hầu hết các lô hàng phải được kiểm tra trước khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu.

Trong 6 tháng, đã có 33 lô hàng bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol. Thời gian gần đây, việc hàng hải sản xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh là bài toán làm đau đầu cho các nhà quản lý, nhất là doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Vấn đề đặt ra là nguyên liệu hải sản nhiễm kháng sinh có ở khâu nào, do ngư dân tẩm ướp khi đánh bắt ngoài khơi hay do cở sở thu mua, vận chuyển?

Từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định... nhìn chung tăng khá. Trong đó, tỉnh Bình Thuận từ lâu đã được xếp loại là một trong số những ngư trường hàng đầu của Việt Nam.

Trước đây thị trường Nhật Bản chiếm gần 70% thị phần xuất khẩu của Bình Thuận, nhưng hiện nay đang bỏ ngỏ do nhiều mặt hàng hải sản, nhất là mực xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh bị phát hiện và trả lại, đã gây ấn tượng không tốt đối với người tiêu dùng Nhật về hàng hải sản Việt Nam. Hiện hải sản Thái Lan đang chiếm được lòng tin ở thị trường Nhật.

Hải sản sạch - cách làm của một doanh nghiệp tư nhân

Trước tình trạng nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam bị Nhật trả về, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ở Bình Thuận đi tìm thị trường khác, thì doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến ở đảo Phú Quý vẫn xuất hàng đều đặn vào thị trường Nhật. Trong sản xuất kinh doanh, Hải Hiến vẫn luôn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.

Thời gian qua doanh nghiệp Hải Hiến đã đầu tư đội tàu gồm 4 chiếc với công suất 450 CV, phục vụ thu mua hải sản và dịch vụ hậu cần trên biển, trên tàu có hầm cấp đông, kho bảo quản 25-30oC, với sức chứa hàng thành phẩm cấp đông khoảng 45-50 tấn, tàu thường nằm ngoài biển thu mua hàng từ 20-25 ngày. Hơn 20 ghe, thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi là vệ tinh của con tàu BT 90299, 450 CV, khi đánh được hải sản ngư dân sẽ gọi tàu tới bán. Hướng làm này giúp doanh nghiệp thu mua được sản phẩm có chất lượng cao và giảm chi phí đáng kể.

ZTheo ông Trần Văn Hiến - doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến, tổng chi phí gồm xăng dầu, lương công nhân... cho 20 người làm việc trên tàu BT90299, cho một chuyến đi biển khoảng 100-120 triệu đồng. Nếu tính khoản chi này vào hoạt động sản xuất doanh nghiệp vẫn còn lời. Hiện mỗi tháng doanh nghiệp xuất 1-2 container loại 10-19 tấn qua Nhật, chủ yếu là mực ống, mực lá tươi nguyên con.

Ông Hiến cho biết thêm: "doanh nghiệp đang có thuận lợi là đứng trong trang web thương mại Nhật Bản ở danh sách những doanh nghiệp bán hải sản không có dư lượng kháng sinh. Do vậy, Hải Hiến giữ được bạn hàng cũ còn có thêm bạn hàng mới. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn tập trung mua hàng của các ghe bạn, không dám mua nguyên liệu ở các ghe chưa quen, hàng xuất đi chưa nhiều, nhưng chất lượng luôn ổn định, bán được giá cao và có lãi nhiều".

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và tìm chỗ đứng vững chắc ở các thị trường khó tính, ngoài đội tàu chuyên thu mua hải sản trên biển Hải Hiến còn đầu tư một kho lạnh 200 tấn. Hiện Hải Hiến đã xuất khẩu hàng sang Italy, mục tiêu tiếp theo của doanh nghiệp là mở rộng thị trường sang các nước EU. Doanh nghiệp có kế hoạch tăng thêm đội tàu dịch vụ hậu cần và thu mua hàng hải sản trên vùng biển Đông.

Doanh nghiệp và ngư dân liên kết tạo nguồn nguyên liệu sạch

Theo Hiệp hội Chế biến thuỷ sản Bình Thuận, trong 7 tháng đầu năm, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu hải sản trong tỉnh vẫn chưa đưa mặt hàng mực trở lại thị trường Nhật vì ngại phát hiện kháng sinh cấm. Vấn đề này không chỉ doanh nghiệp bị tổn thất mà mặt hàng hải sản của Bình Thuận cũng bị "vạ lây". Bởi theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật, hết thời hạn kiểm tra 50% sẽ tiến đến kiểm tra 100% và trong thời gian này, chỉ cần phát hiện một vài doanh nghiệp vi phạm thì có thể toàn bộ các doanh nghiệp khác cũng bị cấm nhập khẩu vào Nhật.

Trong giai đoạn nhạy cảm này, Công ty TNHH Nam Hải ở Bình Thuận đã mạnh dạn xuất 12 tấn mực khô vào thị trường Nhật, nhằm lấy lại uy tín với khách hàng. Để có nguyên liệu sạch chế biến lô hàng trên Hải Nam đã tạo mối quan hệ chặt với các chủ ghe, thuyền thân tín đảm bảo cung cấp mực sạch. Như vậy, để kinh doanh phát triển bền vững, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải có động thái tích cực, góp phần cùng ngư dân bảo quản nguyên liệu hải sản trên biển đạt yêu cầu.

Theo ông Võ Hoàng Vũ - cơ sở thu mua hải sản sạch ở Mũi Né cho biết, ngày xưa ngư dân đánh bắt đi về trong ngày, bảo quản bằng nước đá nên con mực vẫn tươi, bây giờ đánh bắt xa họ đi cả tháng mới về, ngư dân lại không có khả năng làm hầm cấp đông trên tàu, nên họ dùng chloramphenil ướp, dù biết có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Để giúp ngư dân mà cũng giúp mình, các doanh nghiệp phải liên kết với họ bằng cách đầu tư tàu đánh bắt hiện đại và bao tiêu sản phẩm, hoặc tổ chức đội tàu thu mua hải sản trên biển ngay khi vừa đánh bắt. Trong điều kiện ngư dân thiếu vốn, muốn cho công việc kinh doanh được trôi chảy, không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tổ chức đội tàu thu mua hải sản trên biển, và cách làm của doanh nghiệp Hải Hiến là một minh chứng cụ thể.

Trong một tương lai gần, xu hướng bao tiêu sản phẩm trong lĩnh vực đánh bắt hải sản phát triển như một quy luật tất yếu, và sản xuất kinh doanh khép kín trong lĩnh vực đánh bắt hải sản là hướng làm ăn tiến bộ, cho sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường khó tính.