Hạn chế kiến ba khoang và cách xử lý khi bị đốt
Bắt đầu vào mùa cao điểm kiến ba khoang. Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng mạnh thêm 20 - 30% so với các tháng trước.
TS.BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm cấp cứu và chống độc, BV Nhi TƯ cho biết, kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm, trong cơ thể có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), có độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ mang.Dù nọc của kiến ba khoang rất độc nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da, dễ gây nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh, giời leo. Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu tổn thương nhẹ sẽ có cảm giác bỏng rát tại chỗ, nặng có thể gây sốt, nổi hạch lân cận, nhiễm trùng.Lúc đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ.Sau 6 - 12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, hơi phù nề, trên đó có thể có mụn nước, mụn mủ. Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy đau, rát, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.
Vết cắn do kiến ba khoang
Kiến ba khoang thường sống ở ruộng lúa, bãi cỏ, vườn cây và là loài ưa ánh sáng đèn, đặc biệt là các loại đèn có ánh sáng xanh tím như đèn huỳnh quang. Do đó, để phòng tránh, cần hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... Khi lắp đèn, nên thay bằng đèn dây tóc có ánh sáng đỏ, vàng.Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... Ngủ trong màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Nếu chẳng may đập kiến ba khoang, hãy rửa tay ngay với xà phòng
Xử lý nhanh khi bị kiến ba khoang đốt:Khi không may bị kiến ba khoang đốt, việc đầu tiên là lấy nước sạch mát cùng xà phòng rửa vết đốt. Khi rửa, cần hết sức nhẹ nhàng để không bị trầy xước hay vỡ vết thương. Nếu không may dùng tay đập chết kiến, cần rửa tay bằng xà phòng càng sớm càng tốt, không tiếp xúc vùng da lành với nơi dính độc.Sau đó có thể dùng nước muối sinh lý (9‰) rửa để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da rồi nhanh chóng bôi hồ nước (thành phần chính là kẽm oxyd) giúp sát khuẩn, dịu da. Những ngày kế tiếp, nếu nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp cần bôi thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh, song song với bôi hồ nước.Nếu vết đốt có dấu hiện lở loét lan rộng, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ cần bôi dung dịch xanh methylen 1 % và đi khám bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua thuốc điều trị do nhiều loại thuốc có chứa corticoid, chất giải độc tố... cần có chỉ định cụ thể. Khi bôi thuốc, cần tuân thủ bôi 2 lần/ngày, trước khi bôi cần rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng.