14:12 01/09/2008

Hạn chế rủi ro pháp lý trong doanh nghiệp

Đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, vấn đề là làm thế nào để lường trước, giám thiểu và hạn chế mức thấp nhất

Doanh nghiệp cần hiểu và nắm vững thông lệ quốc tế.
Doanh nghiệp cần hiểu và nắm vững thông lệ quốc tế.
Đã kinh doanh thì phải biết chấp nhận rủi ro, vấn đề là làm thế nào để lường trước, giám thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất.

Một số vụ rủi ro điển hình mà phía doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt gần đây như vụ Công ty Vinafood II năm 1995 đã phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho đối tác nước ngoài.

Hãng hàng không Việt Nam thua kiện luật sư Liberaty và nhiều khả năng sẽ bị mất 5,2 triệu Euro chỉ vì không dự phiên toà sơ thẩm năm 1995 tại Roma.

Công ty Centrimex thua kiện mất 1,54 triệu USD vì đã từ chối không nhận lô phân bón Đức... Đây là những bài học mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra được khi hoạt động thương mại với đối tác nước ngoài.  

Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam vừa tổ chức hội thảo bàn về những kinh nghiệm phòng ngừa các rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp thường gặp.

Rủi ro từ những sai lầm

Bà Đinh Thị Mai Phương, Viện Khoa học pháp lý cho rằng, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới quá đa dạng về môi trường pháp lý. Như vậy, cùng một vấn đề nảy sinh nhưng mỗi hệ thống pháp luật có cách quan niệm, giải quyết về mặt luật nội dung cũng như luật thủ tục khác nhau dẫn tới các hệ quả pháp lý khác nhau. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cũng có những biến động và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Luật sư Đỗ Trọng Hải, Phó tổng giám đốc Invest Consult Group thì chỉ ra những điểm cụ thể mà các doanh nghiệp Việt Nam thường vướng phải khi tham gia giao thương quốc tế.

Đó là những rủi ro liên quan đến các quy định về xác lập quyền và chuyển dịch quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản theo pháp luật nước ngoài. Rủi ro liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế. Rủi ro liên quan đến vấn đề bí quyết kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, vấn đề bản quyền.

Nhìn vào thực tế, một số nguyên nhân mà các doanh nghiệp trong nước hiện nay đang vấp phải:

Thứ nhất là do chính lãnh đạo doanh nghiệp hiểu biết chưa đầy đủ về hệ thống pháp luật và chính sách của nước ngoài, về pháp luật và thông lệ quốc tế...

Thứ hai, không thẩm định tư cách pháp lý, tài chính của đối tác nước ngoài, tính xác thực, chân thật của những giấy tờ mà đối tác cung cấp.

Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp nhiều khi chưa tốt.

Thứ tư, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, do thiếu kinh nghiệm nên rất dễ bị “mắc bẫy” của đối tác trong các điều khoản hợp đồng.

Khắc phục rủi ro

Để khắc phục, hạn chế những rủi ro pháp lý trong trong hoạt động thương mại quốc tế, các ý kiến đưa ra tại hội thảo tập trung vào mấy vấn đề:

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật thương mại quốc tế;  chủ động tìm hiểu về những quy định pháp lý liên quan đến xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn để đưa ra cho mình những đối sách hợp lí.

Thứ hai, có kế hoạch, phòng chống rủi ro pháp lý bằng các xây dựng pháp chế doanh nghiệp chuyên nghiệp với những nhân viên đủ năng lực, trình độ để ký kết hợp đồng giao thương với nước ngoài.

Thứ ba, tạo thói quen sử dụng tư vấn của luật sư, chuyên gia pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ tư, kiểm tra xác minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính của đối tác nước ngoài trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế hoặc khi thiết lập các quan hệ hợp tác khác với đối tác nước ngoài.

Thứ năm, riêng trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế của các ngân hàng lớn trong nước để thực hiện phương thức thanh toán với nước ngoài. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì doanh nghiệp nên thoả thuận trong tín dụng thư hồ sơ bộ chứng từ hàng xuất được chiết khấu...

Trên cơ sở đó doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn một phương thức thanh toán quốc tế để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tuy nhiên cũng cần có một vài phương thức thanh toán dự phòng trong trường hợp không thỏa thuận được với đối tác phương thức tối ưu có lợi cho mình.

Thứ sáu, về phía các cơ quan Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin về pháp luật, thị trường của các quốc gia khác, thu thập thông tin về sự thay đổi của thị trường, pháp lý của các quốc gia đó. Các cơ quan đại diện cho Nhà nước ở các thị trường phải trực tiếp nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp, pháp lý, thị trường để cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính những nguồn thông tin này là một kênh quan trọng để doanh nghiệp trong nước phòng tránh, giảm thiểu được rủi ro khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.