Hàn Quốc khó tuyển lao động cho chương trình “Thẻ vàng”
Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn khi tuyển lao động cao cấp tại Việt Nam cho chương trình "Thẻ vàng"
Chương trình “Thẻ vàng” là chính sách đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thu hút lao động lành nghề và chuyên gia, xin ông nói rõ hơn về chương trình này?
Bắt đầu từ tháng 11/2000, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hệ thống "Thẻ vàng”, cho phép nới lỏng các hình thức thị thực, cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần cho các chuyên gia không kể bất kỳ quốc tịch nào, tăng thời hạn cư trú cao nhất kèm theo các mức ưu đãi về cuộc sống và sinh hoạt.
Cụ thế, những ứng viên đáp ứng được yêu cầu sẽ được cấp visa E7 làm việc tại Hàn Quốc, thời hạn hợp đồng có thể lên tới 5 năm.
Với visa E7, người lao động được quyền đi về giữa nước mình và Hàn Quốc (như đi nghỉ phép, về thăm gia đình...) và được quyền đưa theo vợ, con trong thời hạn làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng, được quyền đổi chủ sử dụng khi chủ sử dụng không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng...
Ngoài ra, khi lao động hết hạn về nước, họ có thể được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức của Hàn Quốc tại quốc gia mà họ sinh sống nếu muốn.
Hiện, mỗi năm Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận khoảng 400-500 lao động thuộc diện visa E7 trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, vật liệu mới, điện, điện tử và cơ khí...
Vậy, Kotef đã thực hiện chương trình này ở Việt Nam như thế nào?
Cuối tháng 5/2004, Kotef đã cử đoàn công tác sang làm việc tại Việt Nam nhằm giới thiệu chương trình này, đồng thời đưa ra giải phát kết hợp với Việt Nam đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Cụ thể, chúng tôi đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam về việc đưa chuyên gia công nghệ cao của Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, ký MOU với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, với Trung tâm Khoa học - Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học Công nghệ để hợp tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực.
Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức triển lãm giới thiệu chương trình và những hội chợ việc làm, kết hợp với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt nam tổ chức phỏng vấn trực tiếp các ứng viên.
Đó là về cách thức, còn về phương pháp tuyển dụng chúng tôi thực hiện theo ba cách: thông qua các hội chợ việc làm, qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam và lao động cũng có thể đăng ký trực tiếp qua website của chúng tôi (www.goldcard.or.kr). Nếu lao động trực tiếp đăng ký qua website của chúng tôi, họ sẽ không mất bất kỳ một khoản phí nào.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết thật khó khăn để tạo được nguồn lao động cho chương trình này, ông nghĩ sao?
Đúng là rất khó khăn để thu hút được đối tượng lao động này, bởi đây là những lao động cao cấp.
Theo số liệu thống kê của Kotef, sau 7 năm thực hiện, bình quân mỗi năm, Hàn Quốc chỉ thu hút được 100 lao động. Hiện có khoảng 700 lao động đến từ nhiều nước, trong đó, chỉ có 108 lao động Việt Nam. Đó là con số còn hạn chế.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng nguồn lao động này của Việt Nam quá ít, cái quan trọng là họ thiếu thông tin.
Trong hội chợ việc làm mà chúng tôi tổ chức cách đây 2 năm, kết quả chỉ tuyển được 27 lao động. Qua đợt tuyển dụng trực tiếp tại Hà Nội trong 2 ngày 24 - 25/11/2007 vừa rồi, tôi nhận ra một điều, thông tin có một hội chợ việc làm Hàn Quốc được các bạn trẻ biết đến rất ít, vì thế, ứng viên tham gia không nhiều.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng độc quyền, không muốn chia sẻ thông tin với nhau, đây cũng là một hạn chế trong việc đưa thông tin đến được người lao động.
Vậy, ông có cách nào để thông tin cũng như thu hút số lao động cao cấp này một cách hiệu quả hơn không?
Tôi nghĩ, muốn có được lao động trước hết phải làm tốt khâu tạo nguồn. Phần này chúng tôi rất cần sự liên kết của các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo như các trường đại học, viện nghiên cứu…bởi có được nguồn rồi chúng ta mới có cái để tuyển.
Ngoài ra, tuyên truyền, quảng bá thông tin, đưa thông tin đến được người lao động cũng rất cần thiết. Điều này chúng tôi đã nghĩ đến trước khi tổ chức các hội chợ việc làm, tuy nhiên chúng tôi không được tự ý quảng bá rộng "hình ảnh" cử mình.
Để thu hút được lao động cũng cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ. Có thể sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất thêm một vài ưu đãi nữa trong chính sách thu hút lao động nước ngoài bởi đây cũng là một cách để đưa các chuyên gia, nguồn lao động cao cấp đến với mình.