10:57 04/11/2015

Hàng loạt khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy dưới 30%

Song Hà

Chính phủ chỉ đạo kiên quyết xử lý với các khu công nghiệp bỏ hoang

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp dưới 30%. Trong ảnh là một hạng mục của dự án Formosa Hà Tĩnh.<br>
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp dưới 30%. Trong ảnh là một hạng mục của dự án Formosa Hà Tĩnh.<br>
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về kế hoạch quản lý, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trên cả nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng năm 2015 đã có thêm 5 khu công nghiệp mới được thành lập, nâng số khu công nghiệp cả nước lên 299 khu với tổng diện tích 85.000 ha, trong đó 212 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 67%, cao hơn 2% so với cuối năm 2014.

Đối với khu kinh tế, trong năm nay đã có thêm khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động và 2 khu kinh tế ở Thanh Hóa, Nghệ An được mở rộng, nâng tổng số các khu kinh tế lên 16 với tổng diện tích 815.000 ha.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, mặc dù vậy, một số tỉnh có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt thấp vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, một số tỉnh vẫn còn có khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoạt động của các khu, cụm công nghiệp vẫn còn những vướng mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách.

Trước thực tế đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tiếp tục theo dõi và tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thu hút đầu tư và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp của các tỉnh có tỷ lệ lấp đầy thấp dưới 30% gồm: Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Cao Bằng…

Cùng với đó, kiên quyết xử lý các khu công nghiệp hoạt động kém hiệu quả thuộc nhóm  4 và nhóm 5 của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu.

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch và tình hình sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên cả nước, báo cáo tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo thường kỳ. Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước và ứng dụng tin học trong công tác quản lý cụm công nghiệp; tổ chức một số đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp của các địa phương.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang và Cà Mau đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

UBND các tỉnh Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Cao Bằng cần đặc biệt tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các khu công nghiệp, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy.