12:10 03/02/2023

Hàng loạt ông lớn công nghệ giảm doanh thu, tăng trưởng chậm lại

Bảo Bình

Apple, Amazon và công ty mẹ của Google, Alphabet vừa công bố thu nhập cuối năm 2022. Alphabet và Amazon đều đang tăng trưởng, nhưng tốc độ chậm hơn nhiều. Doanh thu Apple giảm hơn 5%...

Đường chân trời ở San Francisco, nơi thung lũng Silicon đóng đô
Đường chân trời ở San Francisco, nơi thung lũng Silicon đóng đô

Dường như, thung lũng Silicon sẽ không bao giờ hết những ngày tháng “ăn nên làm ra”, phát triển bùng nổ. Các công ty công nghệ lớn thống trị internet mang về hàng tỷ USD mỗi năm, chi mức lương cao ngất ngưởng, văn phòng luôn hào nhoáng và liên tục mua lại các công ty nhỏ hơn.

Nhưng năm vừa qua, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm đã làm rung chuyển ngành này. Giờ đây, các big tech Google, Microsoft, Amazon, Facebook và hàng chục công ty khác đã phải sa thải lượng lớn nhân viên, cho thấy thời hoàng kim đã qua. Các bài phát biểu về thắt lưng buộc bụng đã thế chỗ cho các khoản trợ cấp chứng khoán và bữa trưa sushi miễn phí.

THỜI KỲ VÀNG CỦA THUNG LŨNG SILICON DƯỜNG NHƯ ĐÃ CHẤM DỨT

Apple, Amazon và công ty mẹ của Google, Alphabet - nằm trong số những động lực lớn nhất của nền kinh tế Bờ Tây - đều vừa công bố thu nhập cuối năm của họ. Alphabet và Amazon đều đang tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước đây. Doanh thu của Apple thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các cuộc gọi hội nghị, giám đốc điều hành của Amazon và Alphabet đều nhấn mạnh công ty của họ vẫn đang nỗ lực cắt giảm chi phí.

Công ty mẹ của Facebook, Meta, đã gọi năm 2023 là “năm hiệu quả” và cho biết sẽ loại bỏ các lớp quản lý cấp trung, nỗ lực đưa ra quyết định nhanh hơn và trở nên hiệu quả hơn. Cổ phiếu Meta nhờ đó đã tăng hơn 23%.

Thông điệp cắt giảm chi phí của Meta đã thúc đẩy sự lạc quan trên toàn thị trường, khiến Nasdaq đạt mức đóng cửa tốt nhất kể từ tháng 8. Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành trong nhiều ngành đã bày tỏ không mấy tin tưởng về những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới. Cổ phiếu của Alphabet, Amazon và Apple giảm hơn 3% trong giao dịch hôm 2/2.

Sau một thập kỷ hào phóng, các công ty công nghệ lớn nhất đang loại bỏ danh tiếng là nơi cung cấp việc làm trọn đời với đồ ăn miễn phí và mức lương cao. Giờ đây, họ chấp nhận thực tế rằng họ đang tính toán tìm cách kiếm tiền. Trong những năm bùng nổ, các công ty công nghệ có thể chi tiêu theo cách họ muốn, Phố Wall luôn quyến rũ với tốc độ tăng trưởng ổn định và những câu chuyện xoay quanh việc đầu tư hàng tỷ USD vào dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới khổng lồ như thế nào. Bây giờ, các nhà đầu tư đang thúc đẩy các nhà quản lý công ty quay trở lại vấn đề cơ bản. Đối với Phố Wall, các khoản đầu tư vào máy bay không người lái giao hàng và bóng bay phát sóng internet trông không giống sự đổi mới mà giống những trò tiêu khiển tốn kém hơn.

Đồng thời, các công ty cũng đã nắm bắt sự bùng nổ đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo, xem đó như một cơ hội quảng bá năng lực công nghệ của họ. Microsoft gần đây đã đạt được một thỏa thuận lớn với OpenAI, một công ty công nghệ nhỏ hơn phát hành các chatbot thu hút sự chú ý và ngạc nhiên của mọi người theo cách mà các nhà lãnh đạo AI như Google chưa thể làm được.

Các công ty lớn đều đang đẩy AI lên hàng đầu trong hoạt động tiếp thị của họ và cố gắng tung ra sản phẩm nhanh hơn. Zuckerberg cho biết đang lên kế hoạch triển khai các công cụ trí tuệ nhân tạo mới để giúp các kỹ sư làm việc hiệu quả hơn và cắt giảm các dự án không hoạt động hoặc không còn quan trọng đối với các ưu tiên của công ty. Facebook vẫn đang đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào việc xây dựng các sản phẩm cho metaverse - một thuật ngữ được định nghĩa một cách lỏng lẻo cho một tập hợp các thế giới kỹ thuật số mà công ty hy vọng sẽ là nền tảng chính tiếp theo cho công việc, giải trí và thương mại. Nó thậm chí còn đổi tên thành Meta vào năm 2021.

Đó là một sự thay đổi rõ rệt so với những năm trước, khi các công ty định vị mình là động cơ đổi mới và thay đổi, mặc dù phần lớn tiền của họ đến từ các nguồn doanh thu truyền thống như thương mại điện tử, quảng cáo kỹ thuật số và bán phần cứng và phần mềm. Những người sáng lập của Google đã tái cấu trúc công ty vào năm 2015 với tên gọi Alphabet, cho biết sự thay đổi này sẽ cho phép hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty hoạt động tách biệt khỏi các dự án kinh doanh mới như ô tô tự lái và phòng thí nghiệm nghiên cứu cách kéo dài tuổi thọ. Nhưng tám năm sau, công ty vẫn kiếm được gần như toàn bộ số tiền từ quảng cáo và đã đóng cửa nhiều dự án phụ “moonshot” của mình.

SỰ KỲ DIỆU CỦA GOOGLE DƯỜNG NHƯ ĐÃ MẤT ĐI NHIỀU 

Trong thập kỷ qua, các công ty công nghệ lớn đã phát triển với quy mô khổng lồ, vượt qua làn sóng lãi suất thấp trong lịch sử và những thay đổi lớn do internet mang lại để củng cố vị trí của họ trong số các tổ chức công ty có lợi nhuận và quyền lực nhất trong lịch sử. Vào cuối năm 2021, cổ phiếu công nghệ tăng cao đỉnh điểm, giá trị thị trường kết hợp của Google, Facebook, Amazon, Apple và Microsoft là gần 10 nghìn tỷ USD - gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản. Chỉ riêng Google đã mang về khoảng 750 triệu USD mỗi ngày.

Google nổi tiếng khắp Thung lũng Silicon là nơi mà người lao động có thể yên tâm dành toàn bộ sự nghiệp của họ, di chuyển giữa các dự án và tăng dần mức lương và các quyền chọn mua cổ phiếu có giá trị.

Google chưa bao giờ có những đợt sa thải lớn. Ngay cả sau khi các đối thủ cạnh tranh như Microsoft và Amazon công bố những đợt cắt giảm, các nhân viên của Google cho biết họ mong đợi công ty thay vì sa thải hàng loạt, thì chỉ sa thải những người làm việc kém hiệu quả. Nhưng Google rồi cũng phải sa thải hàng loạt.

Amazon báo cáo doanh số bán hàng của họ đã tăng hơn 9% lên gần 514 tỷ USD vào năm 2022 - thể hiện sự chậm lại so với mức tăng trưởng 22% vào năm 2021. Giám đốc tài chính Brian Olsavsky của công ty cho biết công ty dự kiến “một số tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong vài quý tới”. 

Facebook giảm quy mô xây dựng trung tâm dữ liệu, điều đã đẩy chi phí của họ lên cao trong vài năm qua. Đồng thời, họ mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu, một món quà cho các nhà đầu tư đã chứng kiến cổ phiếu của công ty giảm mạnh vào năm ngoái. 

CEO Tim Cook của Apple
CEO Tim Cook của Apple

Apple là công ty công nghệ lớn duy nhất chưa công bố các đợt sa thải lớn. Nhà sản xuất iPhone đã không tuyển dụng nhanh chóng như các công ty khác trong thời kỳ đại dịch và doanh thu của họ chủ yếu đến từ việc bán và đăng ký phần cứng, trái ngược với thương mại điện tử và quảng cáo kỹ thuật số. Dan Ives, một nhà phân tích của Wedbush Securities, cho biết thu nhập của công ty cung cấp thông tin chi tiết về cách người tiêu dùng trên toàn thế giới đang chi tiêu. Ông nói: “Apple có thể sẽ cắt giảm một số chi phí xung quanh, nhưng chúng tôi không nghĩ sẽ có việc sa thải hàng loạt”.

Tim Cook, giám đốc điều hành của công ty, đã nói với các nhà đầu tư rằng doanh thu của công ty giảm một phần là do chuỗi cung ứng cho các mẫu iPhone mới nhất bị gián đoạn. Cook nói thêm rằng doanh số iPhone đã giảm 8% so với năm trước. Apple cho biết họ kỳ vọng doanh thu nói chung và doanh số bán iPhone nói riêng sẽ cải thiện trong ngắn hạn, nhưng công ty không đưa ra dự báo cụ thể.

Luật lao động của California yêu cầu các công ty phải cảnh báo nhân viên hai tháng trước khi sa thải họ, nghĩa là hầu hết những người bị mất việc làm về mặt kỹ thuật vẫn được tuyển dụng, mặc dù họ đã bị “out” khỏi văn phòng và thiết bị của mình. Một nhân viên bị mất việc sau hơn một thập kỷ làm việc tại Google cho biết công ty thực sự không phải là một tập đoàn thông thường, mà là nơi mà mục tiêu cuối cùng là đưa các dự án lớn thay đổi thế giới thành hiện thực.

Nhưng việc sa thải dứt khoát đã làm giảm tinh thần đó. Người nhân viên bị sa thải gần đây đã nói chuyện với một đồng nghiệp vẫn đang làm việc nhưng mất khá nhiều niềm tin vào công ty. “Sự kỳ diệu của Google đã chết đối với tôi và tôi không biết làm thế nào để duy trì động lực”, người nhân viên may mắn không bị sa thải trong đợt cắt giảm mạnh vừa qua của Google đã nói như vậy.