15:09 31/10/2022

Hành trình của "nữ cường nhân" lĩnh vực công nghệ năng lượng mặt trời

Bảo Ngọc

Alice Min Soo Chun, người phụ nữ có niềm đam mê cháy bỏng với khoa học công nghệ, đang cứu giúp hành tinh với nhiều sản phẩm sáng tạo chạy bằng công nghệ chiếu sáng bền vững…

Đèn lồng năng lượng mặt trời có thể gấp gọn SolarPuff của Solight Design thân thiện với môi trường, không độc hại và có thể tái chế.
Đèn lồng năng lượng mặt trời có thể gấp gọn SolarPuff của Solight Design thân thiện với môi trường, không độc hại và có thể tái chế.

Theo Tech News World, “nữ cường nhân” Alice xuất thân là một giáo sư đại học giảng dạy chuyên ngành kiến trúc và công nghệ vật liệu tại nhiều đại học danh giá như MIT, Columbia, Pennsylvania và Yale. Bà đã làm việc với các sinh viên của mình để xây dựng và thử nghiệm các nguyên mẫu sao cho đạt hiệu quả tốt nhất về chức năng, hình thức và độ bền của vật liệu. Kết quả là sự thành lập của startup công nghệ năng lượng Solight Design và phát minh ấn tượng nhất SolarPuff Light cùng một số sản phẩm khác.

Alice Chun
Alice
Chun

Trong quá khứ, bà đã vật lộn với căn bệnh hen suyễn của con trai mình. Chính hoàn cảnh đó, cộng với việc chứng kiến đám cháy do dầu hỏa ở cuối con hẻm trong thành phố, đã truyền cảm hứng cho bà phát triển một chiếc đèn lồng năng lượng mặt trời có thể đóng gói, bơm hơi và nổi trên mặt nước nhằm giảm ô nhiễm không khí.

"Solight không chỉ là một sản phẩm, nó tạo ra những sự thay đổi", bà Alice khẳng định.

Những dự án của bà khiến nhiều người nhận ra rằng sức khỏe, môi trường và nghèo đói được liên kết chặt chẽ với nhau một cách sâu sắc. Và thật kỳ diệu, một giải pháp đơn giản như Solight có thể "giải quyết cả ba".

VƯỢT QUA THÁCH THỨC TRONG KINH DOANH

Là một nữ doanh nhân và nhà phát triển các sản phẩm mới, giáo sư Alice phải đối mặt với rất nhiều trở ngại khi khởi nghiệp. Mục tiêu làm việc thiện và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã trở thành nguồn động lực to lớn để bà thực hiện các dự án xanh.

"Đối với bất kỳ ai muốn trở thành một doanh nhân, tôi nghĩ điều đầu tiên bạn phải làm là nghĩ về cách doanh nghiệp của bạn có thể giúp đỡ mọi người và giải quyết các vấn đề giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn", bà Alice đưa ra lời khuyên.

Các nhà sáng lập phải thực sự yêu thích những gì họ đang làm vì khởi nghiệp luôn khó khăn, tính cạnh tranh cao và khối lượng công việc khổng lồ. “Bạn phải thực sự tin vào những gì bạn đang làm. Nếu không, bạn sẽ bỏ cuộc”.

ĐÈN LỒNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Solight là nguồn sáng LED di động có thể sạc lại bằng năng lượng mặt trời được cung cấp bởi công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến. Các thiết kế chiếu sáng giống như những chiếc đèn lồng origami nhẹ, có thể gập lại và có khả năng tự thổi phồng. Tùy thuộc vào sản phẩm, năng lượng mặt trời có thể được lưu trữ để sử dụng lâu dài hơn với gói năng lượng có thể sạc lại bằng năng lượng mặt trời đi kèm.

Một chiếc đèn lồng năng lượng mặt trời có thể “sạc” tám giờ dưới ánh sáng mặt trời rồi chiếu sáng qua tám giờ trong bóng tối. Cường độ ánh sáng thay đổi tùy theo sản phẩm và dao động từ 40 đến 600 lumen. Loại vải chống thấm công nghệ cao được thiết kế để chống chịu thời tiết khắc nghiệt và nổi được trên mặt nước. Sản phẩm có thể gấp phẳng và dễ dàng di chuyển đến bất cứ đâu.

Một phần mục đích của dự án Solight là giúp giảm bớt các vấn đề môi trường. Theo giáo sư Alice, sử dụng công nghệ Solight nhẹ và tiết kiệm chi phí hơn thay vì dùng lưới điện để chạy bóng đèn có thể thải 90 pound khí thải carbon mỗi năm.

GIẢI PHÁP NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI CHỐNG Ô NHIỄM

Hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị hen suyễn trên thế giới ngày càng cao. Các nghiên cứu của giáo sư Alice đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị gia tăng, xuất phát từ việc tiêu thụ năng lượng và xây dựng, tạo ra 75% các chất ô nhiễm trong không khí.

Vì vậy, bà bắt đầu tập trung vào năng lượng mặt trời.

Nữ phát minh bắt đầu may các tấm pin mặt trời lên các loại vải khác nhau nhằm đổi mới công nghệ, tạo ra vật liệu nhẹ hơn với công năng mạnh hơn. Dự án của bà bắt đầu ngay sau khi trận động đất Haiti xảy ra vào năm 2010.

Thiên tai xảy ra thường xuyên hơn như lũ lụt từ cơn bão Katrina, sóng thần tại Nhật Bản hay trận động đất Haiti đã thúc đẩy bà tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng thiếu điện do thiên tai. 

Mới đây, Solight đã hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Florida Rising để gửi Solights tới các nạn nhân sau cơn bão Ian tàn phá một số bang tại Hoa Kỳ vào ngày 28/9 vừa qua.

THỬ NGHIỆM KHÔNG BAO GIỜ LÀ ĐỦ

Alice và nhóm của mình đã tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân của nhiều thảm họa toàn cầu. Nỗ lực nhân đạo của bà đang được tiếp tục với việc mang đến ánh sáng từ năng lượng mặt trời cho những người dân tị nạn bị mắc kẹt giữa cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, hay nạn nhân chịu ảnh hưởng từ thảm họa tự nhiên ở Senegal, Mozambique, Puerto Rico, Senegal và 16 địa điểm khác.

"Tôi đã biến studio của mình ở Đại học Columbia thành một studio tân tiến để giúp đỡ các nạn nhân ở Haiti. Đó là khi chúng tôi nhận ra rằng Haiti là một mô hình thu nhỏ của những khu vực không có điện trên toàn cầu. Với 2,6 tỷ người trên thế giới sống mà không được tiếp cận với điện, họ phải sử dụng dầu hỏa để có ánh sáng vào ban đêm, đây là một loại nhiên liệu độc hại chết người", giáo sư Alice chia sẻ với TechNewsWorld.

Chất đốt dầu hỏa gây ra hai triệu ca tử vong ở trẻ em hàng năm do hen suyễn, cùng nhiều vấn đề về hô hấp và hít phải khói độc. Ở Haiti, nơi có tình trạng nghèo đói cùng cực và trung bình một người chỉ sống với 3 USD một ngày, họ dành tới 30% thu nhập của mình để mua dầu hỏa.

"Đó là thời điểm tôi bắt đầu trở thành một doanh nhân xã hội. Người dân có thể tiết kiệm tiền mua dầu hỏa và thay vào đó mua thức ăn cho con cái và trả tiền cho các nhu cầu khác", bà nói.

Nữ doanh nhân đã nghiên cứu mọi sản phẩm đèn năng lượng mặt trời trên thị trường. Tất cả chúng đều to lớn, cồng kềnh, nặng nề và có hình thức không bắt mắt. Vì vậy, bà đã khai thác những trải nghiệm thời thơ ấu của chính mình với nghệ thuật gấp giấy origami. Đây chính là khởi nguồn giúp bà phát minh ra ba lô năng lượng mặt trời. Bà đã dành 5 năm thực địa để thử nghiệm sản phẩm này trên cao nguyên trung tâm ở Haiti với những nữ nông dân.

MỞ LỐI TIÊN PHONG

Đó là khởi đầu cho hành trình của sữ startup đầy tài ba này trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và sự phát triển sản phẩm Solight chủ đạo của công ty. Nhờ một chương trình Kickstarter vào năm 2015, bà đã huy động được nửa triệu USD trong 30 ngày.

Vào thời điểm đó, một trận động đất xảy ra ở Nepal. "Chúng tôi có những tình nguyện viên đang trên đường đến Nepal. Chúng tôi thắp sáng những ngôi làng nhỏ trên sườn đồi bằng ánh sáng năng lượng mặt trời. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mang ánh sáng đó tới mọi nơi, cho những người tị nạn Ukraine, cả những người dân nghèo ở Peru", bà Alice cho biết.

Hệ thống ánh sáng bền vững được thiết kế tỉ mỉ và ấn tượng, có thể cung cấp hỗ trợ chiếu sáng trong và sau cơn bão Maria dưới dạng bộ dụng cụ chiếu sáng cho hàng nghìn người không có điện.

"Có rất nhiều cách sử dụng khác nhau cho Solight. Triết lý của chúng tôi là chỉ cần làm một việc nhỏ cũng có thể tạo ra tác động to lớn nếu tất cả chúng ta làm cùng nhau để tạo ra sự thay đổi".

NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN

Dòng sản phẩm hiện tại của Solight cung cấp giải pháp cho các nhu cầu chiếu sáng với giá cả phải chăng và bền vững cho mọi người. Nhưng nữ doanh nhân chưa bao giờ dừng lại, bà lại tiến hành nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, ví dụ như phát triển khả năng sạc điện thoại.

Nguyên mẫu khẩu trang trong suốt có thể phân hủy sinh học với các bộ lọc tích hợp mà bà Alice và nhóm của mình đang phát triển.
Nguyên mẫu khẩu trang trong suốt có thể phân hủy sinh học với các bộ lọc tích hợp mà bà Alice và nhóm của mình đang phát triển.

Đại dịch cũng tạo cơ hội để bà nảy ra các ý tưởng bền vững khác, ví dụ như khẩu trang trong suốt. Khẩu trang được làm bằng polypropylen, một loại nhựa có thể tự phân hủy sinh học, giải quyết thực trạng trên khắp thế giới rằng hàng tỷ chiếc khẩu trang bị vứt đi mỗi năm.

"Thực trạng đó giống như một quả bom hẹn giờ về mặt sinh thái trên trái đất. Tất cả chất thải của những chiếc khẩu trang này sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho hành tình của chúng ta", bà Alice cho biết.

Giải pháp bà đưa ra chính là silicon trong suốt, không độc hại với các bộ lọc.

Mục tiêu của sản phẩm này không chỉ là loại bỏ chất thải độc hại có trong khẩu trang thời đại dịch. Hơn hết, sản phẩm có thể loại bỏ những thiệt hại mà khẩu trang thường gây ra cho trẻ em trong giai đoạn phát triển và giúp những người bị khiếm thính dễ dàng nhìn khẩu hình miệng để giao tiếp.

"Bởi vì tất cả chúng ta đều đeo khẩu trang trong thời kỳ đại dịch, nên đã có sự chậm trễ trong việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ em vì chúng không thể nhìn thấy nét mặt và không nhìn được khẩu hình miệng. Chúng cần một khoảng thời gian dài hơn để học ngôn ngữ. Vì vậy, ý tưởng về độ trong suốt của khẩu trang là giúp ích cho tương lai", bà Alice nhận xét.

Nữ giáo sư cũng nói thêm rằng silicon hoàn toàn có thể tái chế. Chất liệu này không chứa BPA, có thể tái sử dụng, và các bộ lọc có thể phân hủy sinh học với hiệu quả lọc 95%.