Hậu Brexit là “Frexit”, “Nexit”, “Swexit!”...?
Tương lai của EU đang bị đe doạ sau sự kiện cử tri Anh chọn rời EU (Brexit).
Việc cử tri Anh lựa chọn ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã làm dấy lên lời kêu gọi của các đảng cánh hữu trong khu vực về việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự cho mỗi nước.
Theo hãng tin BBC, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN), bà Marine Le Pen, nói người Pháp ngay lúc này cũng phải có được quyền lựa chọn như người Anh.
Chính trị gia chống người nhập cư Geert Wilders của Hà Lan nói nước này xứng đáng có một cuộc bỏ phiếu “Nexit” (từ ghép giữa Netherlands - Hà Lan và exit - ra đi), tương tự như cuộc bỏ phiếu Brexit vừa diễn ra ở nước Anh.
Đảng cánh hữu Liên đoàn phương Bắc của Italy cũng tuyên bố: “Giờ đến lượt chúng tôi”.
Hiệu ứng domino
52% cử tri Anh chọn “chia tay” với EU sau 43 năm là thành viên của khối, và chỉ 48% chọn ở lại. Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức, trong khi thị trường tài chính toàn cầu chìm sâu trong sắc đỏ.
Nghị viện Châu Âu dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào ngày thứ Ba tuần tới về sự ra đi của nước Anh khỏi EU.
Giới phân tích nói các chính trị gia châu Âu lo sợ hiệu ứng domino từ Brexit sẽ đe doạ sự tồn tại của toàn bộ khối EU.
Bà Le Pen đã ca ngợi cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh, khi viết trên mạng xã hội Twitter: “Chiến thắng cho tự do. Như tôi đã nói trong nhiều năm qua, chúng ta giờ đây cần phải có cuộc trưng cầu dân ý như vậy ở Pháp và các nước EU khác”.
Bà Le Pen hiện đang là một ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.
Trong một cuộc gặp của các đảng cực hữu ở Vienne vào hôm thứ Sáu tuần trước, bà Le Pen nói: “Có lẽ, Pháp có nhiều hơn 1.000 lý do muốn rời EU so với Anh”.
Nữ chính trị gia này cũng nói EU phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thất nghiệp cao và không thể ngăn chặn “những kẻ buôn lậu, khủng bố và nhập cư vì lý do kinh tế”.
Ông Wilders, thủ lĩnh Đảng Tự do của Hà Lan, nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước của mình, tiền của mình, biên giới của mình, và chính sách nhập cư của riêng mình. Người Hà Lan cần có cơ hội để nói lên quan điểm của mình về địa vị thành viên trong EU một cách sớm nhất có thể”.
Hà Lan sẽ tổ chức tổng bầu cử vào tháng 3 năm tới, và một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Wilders đang dẫn trước.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần dây cho thấy 54% người Hà Lan muốn được trưng cầu dân ý.
Bà Merkel “rất tiếc”
Ông Mateo Salvini, thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc, viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúc mừng sự dũng cảm của những công dân tự do! Trái tim, khối óc và niềm tự hào đã chiến thắng những lời dối trá, đe doạ và tống tiền. Cảm ơn nước Anh, giờ đã đến lượt chúng tôi!”
Đảng Dân chủ Thuỵ Điển, một đảng chống người nhập cư, viết trên mạng Twitter: “Giờ chúng tôi chờ Swexit!” (từ ghép giữa Sweden - Thuỵ Điển và exit).
Ông Kristian Thulesen Dahl, thủ lĩnh Đảng Nhân dân của Đan Mạch, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý sẽ là “một biện pháp dân chủ tốt”.
Bà Beatrix von Storch, một chính trị gia thuộc đảng AfD, một đảng có quan điểm hoài nghi về EU của Đức, ca ngợi “ngày độc lập cho nước Anh”, đồng thời kêu gọi Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từ chức.
“EU đã thất bại với tư cách một liên minh chính trị”, bà von Storch nói.
Trong khi đó, ông Junker nhấn mạnh “liên minh gồm 27 thành viên còn lại sẽ tiếp tục tồn tại”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà “rất tiếc” về quyết định của người Anh. “Đây là một đòn đối với châu Âu và quá trình nhất thể hoá của châu Âu”, bà Merkel phát biểu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh “đã đặt châu Âu vào thử thách”. “Tôi tôn trọng sự lựa chọn đau thương này. Pháp cần tiếp tục hợp tác với quốc gia bạn bè này của mình”, ông Hollande nói.
Phản ứng sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh Nigel Farage nói: “EU đang chết”.