15:58 01/03/2010

Hậu xong việc

Không chỉ người thợ Việt Nam cần được huấn luyện tinh thần trách nhiệm hay như cách nói trước đây là lương tâm nghề nghiệp

Không chỉ người thợ Việt Nam cần được huấn luyện tinh thần trách nhiệm hay như cách nói trước đây là lương tâm nghề nghiệp.
Không chỉ người thợ Việt Nam cần được huấn luyện tinh thần trách nhiệm hay như cách nói trước đây là lương tâm nghề nghiệp.
Sáng thứ Hai, vừa đến bàn làm việc, anh đã thấy giấy tờ trên bàn mình lấm tấm bụi, nhiều chỗ hoen dấu nước khô.

Hỏi ra, anh biết cuối tuần đã có một nhóm thợ đến làm vệ sinh màn cửa trong phòng. Hai chiếc màn cửa giờ sạch sẽ nhưng ngược lại, một phần bụi bám trên trên đó vẫn ở lại trên bàn làm việc của anh.

Anh lại nhớ cuối tuần qua, nhà mình gắn chiếc máy lạnh mới chuẩn bị đón mùa nóng. Hai người thợ thao tác nhanh nhẹn, nói năng lịch sự với khách hàng xứng đáng với tiền “cà phê” bồi dưỡng cho họ. Nhưng ngoài sự thoải mái do chiếc máy lạnh mới toanh đem lại, nhóm thợ còn bỏ lại sau lưng nỗi bực mình nhỏ nhỏ cho anh.

Trên sàn nhà vương vãi những mẩu dây điện xanh - đỏ - vàng họ cắt trong lúc lắp đặt đường dây. Lẫn trong đó là màu đen của vài đoạn băng keo và màu trắng của mấy đoạn băng quấn ống đồng. Chưa hết, chân tường dưới chiếc máy lạnh mới treo đã nhuộm màu nâu đỏ của bụi gạch từ những lỗ khoan.

Vừa dọn dẹp những thứ họ bỏ lại trên sàn, anh vừa nghĩ đến chuyện mấy năm trước khi tham dự một khóa học hè ở Philippines. Trong khuôn viên Đại học Ateneo, anh quan sát những người thợ Phi sơn lại vạch kẻ đường. Dưới ánh nắng đổ lửa của trưa hè Manila, họ trông chẳng khác mấy đồng nghiệp ở Việt Nam - da đen sạm, mặt khắc khổ. Sự khác biệt nằm ở chỗ khi họ rời khỏi nơi làm việc vào cuối buổi chiều, mặt đường sạch trơn, không một vệt sơn, không một cây cọ hay bất cứ thứ gì khác họ bỏ lại. Đây cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, những buổi làm việc khác họ đều như vậy.

Còn ở xứ mình, anh nghĩ, người thợ Việt Nam, có lẽ chẳng thua các đồng nghiệp khác về tay nghề. Nhưng riêng vấn đề này - việc hoàn tất công việc của mình không để người khác phải gánh trách nhiệm hay hậu quả do mình gây ra - thợ Việt Nam e rằng phải còn rèn luyện nhiều mới theo kịp đồng nghiệp nước ngoài.

Ngoài câu chuyện về hai nhóm thợ kể trên, không khó để nêu ra những ví dụ khác về chuyện chỗ làm việc bầy hầy sau khi đã xong việc hoặc chỉ biết được việc cho mình, bất kể hậu quả như thế nào đối với những phần việc khác. Cứ nhìn vào các công đoạn trong xây dựng và hoàn thiện một căn nhà sẽ rõ: người sau thường phải gánh nhiều hậu quả của người trước. Thông thường người chủ thầu chính phải dự phòng một số công nhân chỉ chuyên để dọn dẹp những gì mà các đội thi công ra đi bỏ lại.

Lâu nay, khi nói về tính chuyên nghiệp của nhân lực Việt Nam trên đường hội nhập, người ta thường nhắc đến kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ. Nhưng lại quên rằng tinh thần trách nhiệm đối với hậu quả có thể xảy ra do công việc của mình cũng là một phần của tính chuyên nghiệp đó.

Thói xấu này có lẽ cũng bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng trong lối sống của chúng ta: vứt rác ra đường thì sạch nhà nhưng bẩn phố, hát karaoke ta vui nhưng làm phiền hàng xóm, chạy xe ngược chiều tiện đường cho ta nhưng cản trở hoặc gây tai nạn giao thông cho người khác…

Không chỉ người thợ Việt Nam cần được huấn luyện tinh thần trách nhiệm hay như cách nói trước đây là lương tâm nghề nghiệp. Rộng hơn, cả xã hội cũng cần phải học lối sống có trách nhiệm, không để người khác phải lãnh hậu quả chuyện mình làm. Cần nhớ rằng tính cách của một dân tộc là kết tinh của tính cách mỗi công dân.

Sơn Tùng (TBKTSG)