10:20 23/08/2007

Hết gạo để xuất khẩu

Giá gạo xuất khẩu đang ở mức khá cao, nhưng từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam lại chẳng thể ký tiếp hợp đồng xuất khẩu

Trong năm nay, nhu cầu của thế giới cần 245 triệu tấn gạo, trong khi các nước sản xuất lương thực chỉ có thể cung cấp khoảng 240 triệu tấn.
Trong năm nay, nhu cầu của thế giới cần 245 triệu tấn gạo, trong khi các nước sản xuất lương thực chỉ có thể cung cấp khoảng 240 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu đang ở mức khá cao, nhưng từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam lại chẳng thể ký tiếp hợp đồng xuất khẩu.

>>Kỷ lục mới cho giá gạo Việt Nam

Năm 2007, chỉ riêng thị trường Malaysia, lượng gạo của Thái Lan xuất sang có thể sẽ tăng đến 40% so với năm ngoái, đạt khoảng 560.000 tấn. Tính đến giữa tháng 8, Thái Lan đã xuất khẩu được hơn 4,86 triệu tấn gạo. Hiện nay, các nhà xuất khẩu gạo của nước này vẫn đang tích cực thu mua lúa gạo để thực hiện những hợp đồng đã ký.

Chính vì nhu cầu thị trường nội địa lớn nên giá gạo xuất khẩu Thái Lan sẽ khó giảm nhiều. Khoảng hai tuần nay, giá gạo xuất khẩu Thái Lan có giảm đôi chút nhưng đó là do ảnh hưởng của tỷ giá đồng baht so với đồng đô la Mỹ biến động. Hồi đầu tuần trước, sau khi Chính phủ Thái Lan thông báo kéo dài chương trình can thiệp giá đến cuối tháng 8, giá lúa gạo ở nước này lại tiếp tục tăng nhẹ. Giá gạo 100% loại B vẫn giữ ở mức 333-334 đô la Mỹ/tấn, gạo 5% tấm ở mức 322-324 đô la Mỹ/tấn...

Vừa rồi, tại thành phố Hạ Long, đã diễn ra hội nghị bàn về vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar - năm nước kiểm soát 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Số liệu đưa ra tại hội nghị cho thấy quỹ dự trữ an ninh lương thực thế giới đến năm 2007 chỉ còn 76 triệu tấn gạo (các năm trước là 140 triệu tấn). Trong năm nay, nhu cầu của thế giới cần 245 triệu tấn gạo, trong khi các nước sản xuất lương thực chỉ có thể cung cấp khoảng 240 triệu tấn, tức là thiếu hụt 5 triệu tấn.

Vào đầu tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao. Giá gạo 5% tấm dao động khoảng 315 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm khoảng 297 đô la Mỹ/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng một phần do giá cước vận tải những tháng vừa qua tăng vọt. Chẳng hạn, cước vận tải đi châu Phi đã tăng khoảng 40 đô la Mỹ/tấn, cước đi châu Á tăng khoảng 10 đô la Mỹ/tấn...

Tính đến ngày 10/8 vừa qua, các doanh nghiệp đã xuất gần 2,87 triệu tấn gạo. Nhưng dù diễn tiến thị trường vẫn thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp tục ký hợp đồng mới bởi đến thời điểm này, tổng lượng gạo xuất khẩu đã ký theo hợp đồng đã là 4,5 triệu tấn - tương đương chỉ tiêu xuất khẩu cả năm.

Đầu tuần này, giá lúa tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL... ở mức từ 3.000-3.050 đồng/ki lô gam, nhưng nguồn cung hạn chế, thương nhân muốn thu mua phải tìm đến những vùng còn diện tích lúa hè thu muộn đang thu hoạch như An Giang... Tại thành phố Cần Thơ, giá gạo nguyên liệu xuất khẩu đã ở mức 4.050-4.100 đồng.

Như vậy, sau một thời gian giảm xuống, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL hiện đã tăng trở lại 70-80 đồng/ki lô gam so với đầu tháng 8 do nguồn cung giảm. Một số doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo cho rằng, giá lúa gạo sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Đầu tháng 8 này, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) công bố lượng gạo dành cho xuất khẩu của Việt Nam đã hết. Theo dự báo, năm 2007 cả nước sẽ chỉ có khoảng 8,7 triệu tấn lúa hàng hóa. Như vậy, các doanh nghiệp chỉ tập trung thu mua để xuất theo các hợp đồng đã ký với con số hơn 1,63 triệu tấn. Trong số đó, chỉ có 0,1 triệu tấn được giao trễ - tức vào đầu năm 2008. Như vậy, trên lý thuyết thì các doanh nghiệp chỉ có thể ký tối đa 0,1 triệu tấn gạo cho các hợp đồng mới trong năm nay.

Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới và có thể đến tháng 9, nếu nguồn hàng trong nước khả quan thì Bộ Công thương mới tính toán để tăng chỉ tiêu 4,5 triệu tấn đã đề ra. Nhưng hiện nay, theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa thu đông, lúa mùa đang gia tăng và đã hình thành các ổ dịch cục bộ có quy mô từ vài héc ta đến vài trăm héc ta tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang...

Trong khi đó, gió mùa Tây Nam đang hoạt động rất mạnh kèm mưa, gió bão sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dịch phát tán trên diện rộng, kể cả vùng Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Hiện diện tích lúa hè thu, thu đông và lúa mùa đã có trên 1.500 héc ta bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Như vậy, để đảm bảo an ninh lương thực, chuyện các doanh nghiệp được ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong những tháng cuối năm là điều khó có thể xảy ra.