09:50 25/06/2008

Hiệp hội đã làm được gì?

Hồng Thoan

Kết quả cuộc điều tra 7.820 doanh nghiệp trên cả nước về vai trò của các hiệp hội kinh doanh

Có thể khẳng định vai trò vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp là rất lớn nhưng thực tế hoạt động của các hiệp hội lại đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Có thể khẳng định vai trò vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp là rất lớn nhưng thực tế hoạt động của các hiệp hội lại đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Cuộc điều tra 7.820 doanh nghiệp trên cả nước được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tiến hành tháng 5/2008 cho thấy vai trò của các hiệp hội kinh doanh trong việc góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp được đánh giá rất cao.

Đánh giá khả quan

Trả lời câu hỏi kênh nào hiệu quả nhất để góp ý chính sách văn bản của địa phương liên quan đến doanh nghiệp, có tới 36,90% trong tổng số 7.820 doanh nghiệp lựa chọn kênh thông qua hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.

Trong khi đó, tỷ lệ chọn kênh thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp thấp hơn, chiếm 32,07%.

Cũng với câu hỏi trên được đặt ra cho 7.820 doanh nghiệp trên cả nước, đã là thành viên của hiệp hội thì tỷ lệ đánh giá kênh hiệu quả nhất để góp ý chính sách văn bản của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp chính là thông qua hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề lại cao hơn với 53,62%.

Đối với câu hỏi “Từ quan sát tại địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương có vai trò gì trong xây dựng và phản biện chính sách và pháp luật của địa phương hay không”, đã có tới 50,66% doanh nghiệp đánh giá vai trò của hiệp hội doanh nghiệp địa phương là lớn và rất lớn.

Kết quả điều tra 64 hiệp hội doanh nghiệp của VCCI thực hiện vào tháng 8/2006 cũng cho thấy, bản thân các hiệp hội doanh nghiệp cũng đánh giá hoạt động của các hiệp hội là tương đối hiệu quả trong việc đóng góp ý kiến đối với chất lượng của văn bản pháp luật. Cụ thể, có 30,65% đánh giá là hiệu quả, 54,84% đánh giá có lúc hiệu quả, có lúc không và tỷ lệ đánh giá không hiệu quả là 0%.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế của VCCI cho rằng, để cùng góp sức kiến nghị với nhà nước trong việc điều chỉnh hệ thống thủ tục pháp lý, chắc chắn những người ngồi trong phòng nghĩ không thể bằng kiến nghị thiết thực của hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tập hợp trong các hiệp hội doanh nghiệp.

Như vậy có thể khẳng định vai trò vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp là rất lớn, nhưng thực tế hoạt động của các hiệp hội lại đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Cũng trong cuộc điều tra 7.820 doanh nghiệp của VCCI và VNCI, khi được hỏi “Tỉnh có tạo điều kiện cho các hiệp hội doanh nghiệp địa phương ra đời và hoạt động hay không?”, 60,82% các doanh nghiệp được hỏi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên nhưng vẫn còn tới 7,65% các doanh nghiệp trả lời không đồng ý và hoàn toàn không đồng ý. Điều này chứng tỏ một số địa phương vẫn còn tạo ra các rào cản cho các hiệp hội doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề cập đến vấn đề khó khăn của hiệp hội, trong cuộc điều tra 64 hiệp hội doanh nghiệp, có tới 73% ý kiến khẳng định khó khăn hàng đầu là thiếu kinh phí và 62% trả lời rằng, họ gặp khó khăn trong vấn đề nguồn nhân lực có trình độ.

Theo ông Đậu Tuấn Anh, Ban Pháp chế của VCCI, đây chính là vòng luẩn quẩn của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ. Khi hiệp hội doanh nghiệp hạn chế về tài chính, tất yếu dẫn tới không có nhân lực tốt, từ đó chất lượng dịch vụ cũng hạn chế, không phát triển được những dịch vụ tốt để tạo nguồn thu bổ sung vào kinh phí hoạt động.

Những việc cần làm

Góp ý để các hiệp hội nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, thứ nhất, các hiệp hội doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ hoạt động từ trước đến nay để xem mình đã phản biện chính sách như thế nào, hay chỉ “vỗ tay theo trống”.

Thứ hai, lãnh đạo hiệp hội phải có trí tuệ của các chuyên gia để tập hợp được trí tuệ, năng lực của các doanh nghiệp hội viên. Thứ ba, để phòng ngừa nguy cơ lạm dụng vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, gây lũng đoạn mà không bảo đảm lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội phải cùng tiếng nói và cùng phản biện.

Ví dụ, đề cập đến vấn đề sản xuất ô tô thì phải tính đến yếu tố của những người tiêu dùng, yếu tố của những nhà nhập khẩu... để các hiệp hội liên quan “đọc” được thị trường sản xuất kinh doanh vì lúc này là cơ hội để các hiệp hội cùng ngồi bàn bạc.

Đại diện cho Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng, ông Phạm Trọng Thịnh (Tổng thư ký - Phó Chủ tịch Hiệp hội) nhấn mạnh, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến Nhà nước cần sớm ban hành một bộ luật để thay thế cho NĐ88/2003 của Chính phủ để đảm bảo quyền thành lập hiệp hội của các doanh nghiệp.

Luật về hiệp hội phải minh bạch hoá các thể chế, các thủ tục thành lập hiệp hội, các hiệp hội kinh tế phải được các cơ quan quản lý tham vấn và có trách nhiệm giải trình trước hiệp hội về các vấn đề liên quan đến lợi ích của hội viên, để hiệp hội thực sự trở thành nơi hội tụ các hội viên cùng làm những việc có lợi cho quốc kế dân sinh.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên xây dựng Luật Doanh nghiệp cho rằng, vai trò của hiệp hội trong xây dựng chính sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội, phụ thuộc vào mức độ phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó còn là thái độ của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc lắng nghe, phân tích, đánh giá và tiếp thu những sáng kiến và ý tưởng đóng góp từ hiệp hội.

Để nâng cao vai trò và tác động của các hiệp hội thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là cá nhân và các nhóm cá nhân. Vì vậy, hiệp hội cần thiết phải tìm kiếm và xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, những người có cùng ý tưởng và cùng mối quan tâm, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Ban soạn thảo văn bản pháp luật và các bên có liên quan.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, các hiệp hội doanh nghiệp nên chú trọng phát triển những vấn đề lớn như kỹ năng vận động chính sách, tức là thuyết phục người nghe, kỹ năng đối thoại giữa nhà nước và hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp, đảm bảo độc lập về mặt tài chính, có được nguồn nhân lực tương đối ổn định, khả năng thu hút hội viên và khả năng phục vụ hội viên.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các hiệp hội phải cố gắng làm nhiều việc hơn nữa trước rủi ro pháp lý quốc tế, biến động của thị trường... Bởi nếu hiệp hội không định hướng được cho hội viên hay không trợ giúp được khi hội viên gặp khó khăn thì các hội viên sẽ mất niềm tin vào hiệp hội.