10:54 18/07/2007

Hiệu ứng domino "hậu" cổ phần hóa Bình Dân

Việc cổ phần hóa Bình Dân bị ngưng khiến nhiều bệnh viện tại Tp.HCM cũng phải tạm thời gác lại kế hoạch

Có nhiều phương thức xã hội hóa lĩnh vực y tế, không riêng gì cổ phần hóa.
Có nhiều phương thức xã hội hóa lĩnh vực y tế, không riêng gì cổ phần hóa.
Việc UBND Tp.HCM quyết định tạm ngưng tiến hành cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân không chỉ khiến nhiều người lỡ mua bán cổ phiếu của nhà thương này "méo" mặt, mà còn kéo theo hàng loạt dự án tương tự ở những điểm khác cũng đành gác lại.

Bình Dân là bệnh viện công lập đầu tiên của ngành y tế Tp.HCM và cũng là đơn vị y tế công lập được chọn làm cơ sở đi tiên phong trong việc cổ phần hóa ở lĩnh vực khám chữa bệnh. Thí điểm Bình Dân là để tiến tới thực hiện tại một loạt các bệnh viện khác nữa ở thành phố, trong đó có cả những điểm chuyên khoa đầu ngành và đa khoa lớn.

Thế nhưng, việc tiến hành cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân đã gặp phải quá nhiều "sóng gió", khiến dự án mới mở đầu đã vội kết thúc. Có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, tọa đàm được tổ chức để nói về việc cổ phần Bình Dân, và trong những cuộc họp đó, đã có rất nhiều ý kiến phản bác kịch liệt chuyện cổ phần hóa bệnh viện nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng "không nên đem bán bệnh viện công, nơi được gọi là "nhà thương", cho những nhà kinh doanh".

Chuyện cổ phần hóa Bình Dân thế là tạm ngưng. Và bệnh viện này đang tìm hướng đi khác để giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.

Việc cổ phần Bình Dân bị ngưng không chỉ khiến nhiều người mua bán cổ phiếu bệnh viện này dở khóc, dở cười, mà còn khiến cho một số nhà thương công lập khác tại Tp.HCM đã và đang lên kế hoạch cổ phần hóa cũng đã tạm thời gác lại hết.

Trước đó, theo kế hoạch dự định, sau khi tiến hành cổ phần hóa Bình Dân xong, Tp.HCM sẽ thực hiện đến Bệnh viện Mắt (cổ phần hóa một phần), kế nữa là Phụ sản Hùng Vương, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115...

Sau khi Bình Dân ngưng việc cổ phần hóa, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Vũ Thị Nhung nói: "Hiện Hùng Vương cũng tạm thời ngưng lại chuyện cổ phần, đi tìm nguồn vốn qua những hình thức khác để đầu tư xây dựng một khu khám chữa bệnh mới (cũng trong khuôn bệnh viện) để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, vì khu mới xây dựng xong cách nay mấy năm, nay không đáp ứng đủ".

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết: "Bệnh viện đã đăng ký cổ phần hóa với Sở Y tế, và dự kiến khoảng năm 2009 sẽ tiến hành. Giờ chuyện ở Bình Dân ngưng lại, nên có lẽ chúng tôi thôi không tiến hành cổ phần nữa, mà đang chờ đợi ý kiến từ phía Sở Y tế".

Còn bác sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt cũng cho biết đang chờ đợi ý kiến từ cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, Bệnh viện Mắt có đặc điểm riêng là chỉ tiến hành cổ phần hóa một phần là khoa Bán công kỹ thuật cao.

Tương tự, “hiệu ứng domino” Bệnh viện Nhân dân 115 cũng ngưng lại chuyện cổ phần.

Về việc "hậu" cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân, Giám đốc Sở Y tế - Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng cho biết, khoảng năm 2004, để có nguồn vốn đầu tư phát triển, Bình Dân xin làm mô hình bán công. Tuy nhiên các nhà đầu tư không mặn mà với mô hình này, nên Bình Dân đã chuyển qua xin tiến hành cổ phần hóa, sau đó Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về cổ phần Bình Dân, nên việc tiến hành tạm thời ngưng lại.

Những mô hình phát triển mà ngành y tế thành phố nhắm tới, theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, gồm 3 dạng chính là công ty TNHH Nhà nước một thành viên phi lợi nhuận; ngoài công lập (tư nhân); và phối hợp giữa công lập và ngoài công lập (cổ phần hóa là một loại hình nằm trong mô hình này). Trong đó, mô hình công ty TNHH Nhà nước một thành viên phi lợi nhuận là mô hình theo ông Dũng được một số nước, nhất là Singapore áp dụng thành công nhất.