Hình sự hóa quan hệ kinh tế, đại biểu Quốc hội nói gì?
Cách vận dụng pháp luật không nhất quán khiến doanh nhân lo lắng
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhiều vụ án liên quan đến doanh nghiệp liên tục được khởi tố, vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế cũng như những khó khăn tế nhị mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt đã được các đại biểu quốc hội đặt ra tại kỳ họp lần này.
Phát biểu tại một phiên họp tổ, đại biểu doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng sau khi có Hiến pháp mới và một loạt luật quan trọng được thông qua, một hành lang pháp lý mới đã được hình thành theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một thực tế là cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn tình hình phát triển doanh nghiệp, hiện nay phá sản nhiều, năm 2014 tăng hơn 2013, ở mức gần 70 ngàn doanh nghiệp. 4 tháng đầu năm 2015 cũng đã có gần 20 ngàn doanh nghiệp phá sản, trong này có cả các doanh nghiệp tầm trung chứ không chỉ là doanh nghiệp nhỏ như trước.
Nữ đại biểu doanh nhân cũng cho rằng hiện nay chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn cao, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, mặc dù nhà nước chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp rất lo lắng về vấn đề này.
“Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng vì vấn đề này vì nó liên quan đến động lực kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân”, bà Hường nhấn mạnh.
Theo một đại biểu từng là lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp “mệt mỏi” không phải vì điều hành kinh doanh vất vả, mà vì tình trạng bị thanh kiểm tra quá nhiều. “Năm nào cũng hàng chục đoàn, từ thanh tra, kiểm toán đến các thanh kiểm tra chuyên ngành khác. Có khi đoàn vào 20 người, rầm rập như một chiến dịch, thanh tra, kiểm toán suốt ngày như thế, còn đâu mà ý chí kinh doanh nữa”, ông nói.
Ông cũng cho rằng vấn đề chi phí không chính thức đang đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp. “Làm gì cũng chi phí ngoài, không có chi phí ngoài thì không xong việc, chi phí nhiều nên quỹ lương thấp, tái đầu tư cũng thấp, dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp”, ông phân tích thêm.
Trao đổi với VnEconomy, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho rằng các tội như cho vay nặng lãi, lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo… nếu áp dụng pháp luật mà không rành mạch thì “sẽ lẫn sang lĩnh vực kinh tế”.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng có hai hiện tượng là có những vụ việc đáng lẽ phải xử lý hình sự thì lại xử lý thành kinh tế, trong khi có vụ là kinh tế thì lại bị xử lý bằng biện pháp hình sự.
“Đây là do cách vận dụng pháp luật của chúng ta sai, để tránh điều này, Bộ luật hình sự cần quy định rõ hơn về các tội danh có liên quan đến yếu tố kinh tế”, ông Quyền nói, nhấn mạnh rằng “90% là do áp dụng sai chứ không phải là do điều luật sai”.