10:40 13/05/2013

Họ có đâm đầu vào tường?

Lưu Đức

Trước đây, các ông chủ doanh nghiệp đều rất tự tin về một kết quả tốt đẹp khi đầu tư trái ngành

Từ trái sang: ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm), ông Đỗ Anh Tú (Diana), ông Trần Bá Dương (Trường Hải).
Từ trái sang: ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm), ông Đỗ Anh Tú (Diana), ông Trần Bá Dương (Trường Hải).
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/2013 bỗng rộ lên thông tin ông Trần Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải, rời khỏi công ty này. Thông tin xuất phát từ việc Trường Hải công bố quyết định chấp nhận đơn từ nhiệm của ông Dương và bổ nhiệm ông Nguyễn Hùng Minh làm Tổng giám đốc.

Một thông tin khác khiến nhiều người đặt nghi vấn về việc ông Dương rời khỏi Trường Hải: trước đó, ngày 26/4, tại lễ khởi công dự án Khu dân cư Đại Quang Minh ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Dương xuất hiện với tư cách là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án này.

Trên thực tế, việc ông Dương rời Trường Hải là một khả năng khó có thể xảy ra. Theo thông tin từ Trường Hải, ông Dương không rời khỏi Trường Hải mà chỉ từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Ông vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn trong câu chuyện của ông Dương là bên cạnh lĩnh vực ôtô, ông đã quyết định nhảy sang một lĩnh vực mới: bất động sản.

Theo thông tin được công bố tại lễ khởi công dự án, trong thời gian đầu, Công ty Đại Quang Minh sẽ xây dựng khu dân cư thấp tầng có diện tích 37,15 ha với số vốn thực hiện 10.000-12.000 tỉ đồng. Tổng số nhà ở trong khu này là 1.131 căn. Các hạng mục chính sẽ được thi công đồng loạt vào tháng 6/2013 và đưa vào sử dụng từng phần và hoàn thành trong năm 2016.

Đại Quang Minh cũng liên danh với Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam xây dựng 4 tuyến đường chính kết nối 8 khu chức năng chính của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng vốn xây dựng 4 tuyến đường này khoảng 10.000 tỉ đồng.

Việc ông Dương nhảy vào bất động sản và quyết định khởi công dự án trong giai đoạn này là một sự kiện khá đặc biệt. Đặc biệt vì thị trường bất động sản đang khó khăn, nhiều chủ đầu tư khác đang phải tìm cách bán dự án hoặc rút lui khỏi lĩnh vực này.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ví dụ. Tại Đại hội cổ đông thường niên của HAGL, ông Đức cho biết tỉ trọng doanh thu ngành bất động sản từ 64% năm 2012 sẽ giảm xuống còn 14% năm 2013, trong khi tỉ trọng doanh thu cao su sẽ tăng từ 1% lên 14%. Hay như Tập đoàn Hoa Sen đã rút khỏi mảng kinh doanh bất động sản để tập trung cho lĩnh vực cốt lõi là thép.

Cũng tương tự lĩnh vực bất động sản, nhiều ông chủ ở những lĩnh vực khác lại nhảy vào ngân hàng khi khối kẻ đã phải tháo chạy. Nổi bật nhất gần đây là chuyện ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đồng Tâm, làm Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long.

Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực xây dựng là Tập đoàn Thiên Thanh cũng đã nhảy vào lĩnh vực ngân hàng khi quyết định mua lại hơn 10% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín vào đầu năm 2013.

Trước đó 1 năm, hai anh em nhà họ Đỗ là Đỗ Minh Phú, ông chủ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Diana và những người có liên quan đã công bố mua lại 20% cổ phần TienPhong Bank. Ông Phú và ông Tú sau đó đã được bầu vào Hội đồng Quản trị của ngân hàng này, lần lượt giữ chức Chủ tịch và Phó chủ tịch.

Trong khi ông Thắng đang rất hào hứng với ngân hàng, ông Đặng Thành Tâm lại tháo chạy khỏi lĩnh vực này. Năm ngoái, Ngân hàng Phương Tây (ông Tâm từng là một cổ đông lớn) lên kế hoạch sáp nhập với Công ty Tài chính Dầu khí để tái cơ cấu ngân hàng này. Mới đây, tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng Nam Việt, ông Đặng Thành Tâm cũng đã được các cổ đông chấp nhận việc từ nhiệm khỏi Hội đồng Quản trị.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nhân trên lại nhảy vào bất động sản và ngân hàng, vốn là những lĩnh vực đang gặp khó khăn. Về lý thuyết, câu trả lời sẽ là khá dễ dàng: trong khó khăn luôn có cơ hội; khó khăn của người này là cơ hội cho người khác. Đó có thể là lý do cho việc nhảy vào bất động sản hay ngân hàng của các ông chủ nói trên.

Thế nhưng, câu chuyện sẽ không đơn giản như vậy. Cơ hội luôn có, nhưng rõ ràng để thành công hoặc ít nhất là không thất bại, nhà đầu tư phải am hiểu lĩnh vực mình tham gia.

Ông Dương không phải là tay mơ trong lĩnh vực bất động sản. Mặc dù Trường Hải là doanh nghiệp sản xuất và bán ôtô nhưng ông lại rất thành công trong việc phát triển hệ thông phân phối, cửa hàng trưng bày.

Đó là chiến lược phát triển chéo nhằm tạo sự gia tăng lớn về tài sản cho Trường Hải. Trường Hải thường mua lại quyền sử dụng đất của các cửa hàng và siêu thị ôtô để phát triển quỹ đất và giảm chi phí thuê mặt bằng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, trong tương lai, giá trị gia tăng của các bất động sản này sẽ là một lợi thế không nhỏ cho việc định giá thương hiệu của Trường Hải.

Trong khi đó, nói về kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, ông Thắng cho biết: “Quan điểm của tôi trong mọi việc từ nhỏ đến lớn là nếu không đam mê thì đừng làm. Ngân hàng là lĩnh vực tôi quan tâm từ lâu nên đã chuẩn bị khá kỹ. Được cái tính hay quan sát, học hỏi nên tôi nghĩ mọi thứ nằm ở bản thân mình. Nếu thấy việc gì chưa rõ thì cứ hỏi những người đi trước. Sự trải nghiệm của họ là bài học quý cho mình”.

Tất nhiên, những ông chủ này khi đầu tư vào một lĩnh vực đều có lý lẽ riêng. Trước đây, các ông chủ doanh nghiệp khi được phỏng vấn về đầu tư trái ngành đều rất tự tin về một kết quả tốt đẹp. Tuy vậy, rất ít sự chuyển hướng đầu tư đó mang lại kết quả như ý.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)