14:46 05/07/2009

Hỗ trợ lãi suất: “Lách” và chờ kết luận thanh tra

Minh Đức - Hạnh Liên

Chưa có hướng dẫn cụ thể, ngân hàng vẫn cho vay theo yêu cầu thực tế và chờ kết luận của thanh tra

Có trường hợp ngân hàng đứng trước thực tế là doanh nghiệp có triển vọng phát triển, sẽ sử dụng vốn hiệu quả, có đầu vào đầu ra “nhìn tận mắt” nhưng lại lưỡng lự khi cấp vốn có hỗ trợ lãi suất.
Có trường hợp ngân hàng đứng trước thực tế là doanh nghiệp có triển vọng phát triển, sẽ sử dụng vốn hiệu quả, có đầu vào đầu ra “nhìn tận mắt” nhưng lại lưỡng lự khi cấp vốn có hỗ trợ lãi suất.
Chưa có hướng dẫn cụ thể, ngân hàng vẫn cho vay theo yêu cầu thực tế và chờ kết luận của thanh tra.

Đây là một khó khăn và thực tế nổi bật trong việc triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất tại địa bàn Bắc Ninh, được phản ánh trong cuộc khảo sát của VnEconomy tuần qua.

Từ chối ưu đãi!

Tính đến ngày 2/7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt 372.272,09 tỷ đồng. Khảo sát tại một số tỉnh phía Bắc, cũng như theo phản ánh chung của các ngân hàng thương mại, hầu hết các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, có nhu cầu và đủ điều kiện đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ này. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vẫn chưa thể hưởng ưu đãi, hoặc chủ động không nhận ưu đãi do khó và ngại đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tại một hội nghị ở Hà Nội về tư vấn vay vốn kích cầu, một doanh nghiệp gây bất ngờ khi cho biết sẽ vay theo hình thức thông thường mà không nhận hỗ trợ. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là họ lo ngại thủ tục, xét duyệt và quá trình chứng minh nhiêu khê có thể làm lỡ cơ hội cần vốn gấp để kinh doanh.

Không phải là trường hợp cá biệt và bất ngờ, khi tại Bắc Ninh, một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tương tự.

Ông Nguyễn Minh Thịnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình (ABBank) Bắc Ninh, cho biết, mặc dù việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất được thúc đẩy nhanh, chính ngân hàng cũng muốn tiếp vốn kịp thời để thu hút và hỗ trợ khách hàng, nhưng qua tìm hiểu hoạt động cho vay trên địa bàn, có những trường hợp chủ động đề xuất không nhận vay theo diện được hỗ trợ.

“Ngân hàng đã giải thích, tư vấn về những trường hợp đó được vay vốn hỗ trợ lãi suất, nhưng họ chủ động từ chối và muốn vay theo hình thức thông thường. Lý do là họ e ngại nhiều thủ tục liên quan, khác với thói quen vay vốn thông thường, những phiên phức pháp lý về sau…”, ông Thịnh nói.

Tại ABBank Bắc Ninh và một số ngân hàng khác ở Bắc Ninh, điểm chung của những trường hợp trên là lượng vốn vay không lớn, trong khi nhu cầu vốn “nóng” để nắm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là ở những doanh nghiệp phân phối và dịch vụ với vòng quay vốn nhanh. Khi cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ với yếu tố cơ hội, tính “đơn giản” trong thủ tục và trách nhiệm, họ chọn vay thông thường.
 
“Với ngân hàng, khi thực hiện cho vay thì không phân biệt về đối tượng được hỗ trợ hay không. Quan điểm chung là doanh nghiệp và ngân hàng cần phải nhận thức đúng, đủ và thận trọng khi thực hiện chính sách. Doanh nghiệp cũng đã cân nhắc để lựa chọn”, ông Thịnh cho biết thêm.

Bí hóa đơn và… “lách”

Cũng như tại một số địa phương khác trong các cuộc khảo sát của VnEconomy thời gian qua, tại Bắc Ninh, “hiện tượng” từ chối ưu đãi có một nguyên nhân chính là doanh nghiệp không “đào” đâu ra hóa đơn để đáp ứng điều kiện của chính sách hỗ trợ.

Trao đổi với doanh nghiệp, cũng như đánh giá từ phía ngân hàng, đặc thù của doanh nghiệp ở địa bàn Bắc Ninh là nhiều doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong các làng nghề, hoặc có đầu vào gắn với các cá thể sản xuất kinh doanh. Từ đây, tình trạng bí hóa đơn đầu vào là trở ngại lớn để chính sách kích cầu thực sự đến được với doanh nghiệp.

Phía ngân hàng tiếp vốn cho biết họ đứng trước một thực tế là doanh nghiệp có triển vọng phát triển, sẽ sử dụng vốn hiệu quả, có đầu vào đầu ra “nhìn tận mắt” nhưng lại lưỡng lự khi cấp vốn có hỗ trợ lãi suất. Nhiều doanh nghiệp trong các làng nghề Bắc Ninh thu mua phế liệu, nông lâm sản phục vụ sản xuất, hay những doanh nghiệp xây dựng trả lương nhân công bên ngoài… đều bó tay trước yêu cầu trình hóa đơn cho ngân hàng. Ngân hàng cũng khó xuôi với những trường hợp này, bởi hóa đơn liên quan đến nghĩa vụ thuế và có thể bị truy cứu trách nhiệm sau đó.

Đại diện một ngân hàng tại đây cho biết, trước thực tế rất thực tế, ngân hàng theo sát các bước chi tiết của đồng vốn và quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và vẫn quyết định giải ngân. “Những trường hợp đó rất cần vốn, kinh doanh hiệu quả và việc hỗ trợ lãi suất rất có giá trị với họ. Đó là những yếu tố thúc đẩy tiếp vốn”, đại diện này nói.

Và để có thể hợp thức chính sách hỗ trợ, một giải pháp “lách” quy định là doanh nghiệp tập hợp chi phí đầu vào bằng bảng kê thay cho hóa đơn, tập hợp chữ ký của các đối tượng liên quan và xin chứng thực của chính quyền địa phương để trình ngân hàng.

“Nhưng trong các văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất không có chỗ nào dùng từ “bảng kê” để xét duyệt cả. Thế nên ngân hàng vừa làm vừa lo. Hiện thanh tra ngân hàng đã bắt đầu kiểm tra đợt 1, hy vọng những trường hợp đó được chấp thuận và có hướng dẫn thật cụ thể. Kết luận của thanh tra sẽ quyết định”, đại diện ngân hàng trên hy vọng.

Thoát “tín dụng đen”

Ước tính, kể từ khi chính sách hỗ trợ lãi suất đi vào đời sống, đến nay hệ thống các ngân hàng trên địa bàn Bắc Ninh đã giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng; vốn kích cầu cũng đã đến với trên 400 doanh nghiệp và hơn 1.600 khách hàng thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ…

Ông Nguyễn Minh Thịnh, Giám đốc ABBank Bắc Ninh, nhận định: qua quá trình thẩm định và giám sát giải ngân, có thể nhận thấy hiệu quả đến rất nhanh với các doanh nghiệp phân phối và dịch vụ trên địa bàn. Và nhìn chung, điểm giá trị là nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh; đồng vốn chi phí thấp đã và đang tạo sự tự tin đối với họ.

Ông Thịnh phân tích, phải từ quý 2/2009, các doanh nghiệp và ngân hàng mới thực sự gặp nhau ở chính sách này. Có 3 vấn đề mà hai bên có thể gặp nhau tốt hơn: Thứ nhất là nguồn vốn của ngân hàng duy trì ở mức độ khá. Thứ hai là sự hồi phục của nền kinh tế. Thứ ba, chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã thúc đẩy cho cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Khi hai bên thực sự gặp nhau, nhiều doanh nghiệp đã dần thoát khỏi gánh nặng “tín dụng đen” trước đó.

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phú Giang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh, cho biết, trong năm 2008, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã buộc phải tìm đến với nguồn “tín dụng đen” để giải quyết những yêu cầu vốn của mình.

“Thời điểm đó, lãi suất cao đã đành nhưng các ngân hàng hạn chế cho vay ra. Nợ, thuế, các dự án cần phải có vốn dồn lại và thúc ép. Có những doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen vay nóng với lãi lãi suất 3% - 4%/tháng. Kể cả doanh nghiệp uy tín vẫn phải chấp nhận mức lãi suất đó. Và khi chi phí cao, khó khăn càng khiến hoạt động quay vòng vốn chậm, việc mất đứt 5 - 7 tỷ đồng là chuyện thường. Doanh nghiệp chúng tôi cũng phải chịu như vậy”, ông Phượng kể.

“Rất may là Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ, là chính sách rất tốt, hỗ trợ doanh nghiệp thoát dần tín dụng đen để cân bằng lại sản xuất. Tôi chỉ tiếc là thời gian khoảng 18 tháng còn lại không đủ để triển khai các dự án trung và dài hạn. Vì chỉ riêng việc tìm đối tác, đàm phán, nhập thiết bị và chuẩn bị khởi động cũng đã mất nhiều thời gian. Khi đi vào sản xuất thực sự thì lại lo lãi suất cao ập tới”, ông Phượng nói thêm.

Ngoài ra, câu chuyện bí hóa đơn cũng được ông Phượng nhấn mạnh, liên quan đến đặc thù của nhiều doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Đây là điểm nổi bật trong các kiến nghị của doanh nghiệp, bên cạnh các vướng mắc về thủ tục và các điều kiện xét duyệt hỗ trợ khác.

Hiện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh đã tập hợp được hơn 20 ý kiến từ các thành viên, đã gửi về Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục đưa ra “nhờ” các cơ quan chức năng, phía ngân hàng giải đáp trong cuộc đối thoại dự kiến tổ chức vào ngày 9/7 tới.