16:18 16/05/2009

Hỗ trợ lãi suất: Nhiều doanh nghiệp còn chưa tỏ…

Từ Nguyên - Mạnh Chung

Dù đã triển khai được hơn 3 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với các vướng mắc và cả bức xúc

Hiện đã có gần 300.000 tỷ đồng giải ngân theo chính sách hỗ trợ lãi suất và thời hạn để được hưởng ưu đãi đã, đang trôi qua từng ngày.
Hiện đã có gần 300.000 tỷ đồng giải ngân theo chính sách hỗ trợ lãi suất và thời hạn để được hưởng ưu đãi đã, đang trôi qua từng ngày.
Dù đã triển khai được hơn 3 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với các vướng mắc và cả bức xúc.

Giám đốc một doanh nghiệp phải đứng lên ngồi xuống tới 5 lần chỉ để được phản ánh bức xúc, vướng mắc trực tiếp với người đứng đầu ngành ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay với các cơ chế hỗ trợ, xét diện được hỗ trợ…, trong khi gần 300.000 tỷ đồng đã được giải ngân và thời hạn để được hưởng ưu đãi đã và đang trôi qua từng ngày.

Đó cũng chính là một thực tế để sáng 16/5 Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tại Hà Nội, nhằm làm rõ những vướng mắc, bức xúc trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, cũng như trong quan hệ tín dụng với doanh nghiệp. Một cuộc đối thoại tương tự dự kiến cũng sẽ được tổ chức vào ngày 18/5 này tại Tp.HCM.

Doanh nghiệp kêu khó

Liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất, tại cuộc đối thoại trên, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, quy định doanh nghiệp muốn vay hỗ trợ lãi suất thì phải thanh toán hết, hoặc phải chờ đến hạn thanh toán các khoản nợ cũ lãi suất cao, là một quyết định bất hợp lý; doanh nghiệp vướng nợ cũ đã khó khăn, không được vay ưu đãi mới nên khó vẫn hoàn khó.

Theo họ, hầu hết các khoản nợ cũ vay với lãi suất cao, đến nay chưa trả hết là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Do đó, nếu chỉ vì những khoản nợ này mà không được vay vốn hỗ trợ lãi suất thì chắc chắn họ sẽ khó mà khắc phục được khó khăn như chính mục tiêu của chính sách hỗ trợ lãi suất hướng đến.

Đại diện Công ty TNHH Đức Phương (Nghệ An) cho rằng, các ngân hàng nên cho phép doanh nghiệp trả nợ cũ lãi suất cao để vay lãi suất thấp hoặc nếu không thì cho giảm lãi suất nợ cũ. Đồng thời, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, ngân hàng nên cho vay tiếp bằng tài sản đang thế chấp để doanh nghiệp trả nợ cũ, sau đó được vay thêm có hỗ trợ lãi suất.

Còn theo bà Phùng Minh Bằng, Kế toán trưởng Tổng công ty Sông Hồng, việc ngân hàng chỉ cho vay một phần trong tổng dự án đã khiến cho đơn vị này gặp khó khăn. Bà cho biết, hiện công ty đang triển khai một nhà máy thép với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay 60 tỷ, nên hiện công ty cũng chưa biết “vin” vào đâu để đầu tư cho những hợp phần còn lại.

Hơn nữa, theo bà Bằng, thời hạn hỗ trợ lãi suất ngắn thì không thể giải quyết được vấn đề gì, vì thời gian để lập hồ sơ cho một dự án trung, dài hạn cũng đã mất ít nhất 6 tháng.

“Không những thế, một số ngân hàng đưa ra quy định trái khoáy. Khi công ty con vay vốn nhưng lại yêu cầu tổng công ty phải chuyển toàn bộ dòng tiền của tổng công ty qua tài khoản để ngân hàng có thể kiểm soát”, bà Bằng cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Phúc, không chỉ là ngân hàng gây khó dễ mà thậm chí đã có cả tiêu cực trong việc cho vay vốn của các ngân hàng. Ông dẫn chứng, cùng một bộ hồ sơ vay vốn với dự án giống nhau nhưng doanh nghiệp khác thì vay được còn công ty ông thì lại không được vay(?!). Hay theo một phản ánh khác, cùng một mặt hàng nhưng có ngân hàng xét “cho” vào diện được hỗ trợ, có ngân hàng lại không…

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chăn nuôi – chế biến xuất nhập khẩu (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) lại đề cập đến một vấn đề khá “nóng” hiện nay. Ông cho rằng công tác điều hành của ngân hàng hiện không hợp lý khi để tỷ giá ngoại tệ USD biến động liên tục với biên độ dao động lên đến 5%, đã làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Thông Tấn, cũng cho biết, hiện nay mỗi tháng công ty của ông “mất đứt” 200 - 300 triệu chỉ vì những quy định “quá nghiêm ngặt” của ngân hàng. Công ty ông vay USD của ngân hàng để nhập nguyên liệu sản xuất, nhưng khi xuất hàng thì các đối tác lại trả bằng Euro, nên các ngân hàng buộc ông phải đi đổi Euro ra USD mới chấp nhận cho thanh toán nợ. Và do tỷ giá USD biến động liên tục nên cứ mỗi lần đổi như thế, công ty này lại bị “bốc hơi” không dưới 200 triệu đồng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lào Cai, nếu doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn thì các ngân hàng cần giải thích rõ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp rất nhỏ nguyên nhân vì sao không tiếp cận được nguồn vốn, chính sách kích cầu của Chính phủ.

“Chúng ta đều biết, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất hạn chế nhưng ngân hàng lại không chấp nhận thực tế đó nên khi giải ngân các gói kích cầu chưa đưa ra những giải pháp kịp thời, đúng với thực tế cái yếu và thiếu của doanh nghiệp”, bà Tâm nói.

Cũng theo bà Tâm, thực tế thì đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trước đến nay rất yếu, khó có đủ khả năng để chứng minh thủ tục hồ sơ hoàn chỉnh như ngân hàng mong muốn. Đồng thời, để xác định đủ điều kiện để vay vốn trong thời điểm này, ngân hàng có một “phom” như đủ điều kiện của một dự án khả thi, nhưng thế nào là một dự án khả thi, thế nào là đủ điều kiện vay vốn trong điều kiện hiện nay là một câu hỏi cần xét lại.

“Nếu cán bộ tín dụng định nghĩa theo đúng “phom” ngày xưa để áp dụng trong điều kiện hiện nay thì không có một doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được”, bà Tâm bức xúc với thực tế là độ tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp đã sụt giảm do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế trong thời gian qua.

Doanh nghiệp “ngây thơ”?

Đáp lại những bức xúc trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nhìn chung, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng đã làm đúng với nguyên tắc và quy định của pháp luật trong thời gian qua. Còn việc có tiêu cực, nhũng nhiễu hay không, Thống đốc yêu cầu doanh nghiệp nêu rõ danh tính, ngân hàng cụ thể để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

“Doanh nghiệp hãy cung cấp đầy đủ thông tin, địa chỉ về cá nhân có hành vi tiêu cực, tôi sẽ xử lý ngay, thậm chí là trong tối nay sẽ có kết quả”, Thống đốc khẳng định.

Còn theo bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), hầu hết những kiến nghị của doanh nghiệp là khá “ngây thơ”, bởi rõ ràng, tất cả đều đã có luật định và văn bản hướng dẫn.

“Điều này cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ được các chủ trương và chính sách của nhà nước trong hoạt động tín dụng”, bà Ý nói.

Nhưng ngược lại, trước sự chưa tỏ của nhiều doanh nghiệp về chủ trương, cơ chế thực hiện, trách nhiệm tuyên truyền, giải thích và tư vấn của các ngân hàng đến đâu trong thời gian qua lại không được xem xét cụ thể tại cuộc đối thoại trên(?).

Liên quan đến hỗ trợ lãi suất, Thống đốc cho biết, hiện nay, mọi chính sách, giải pháp đều đã được Chính phủ quyết định. Doanh nghiệp không nên kỳ vọng vào việc nới rộng thời hạn, mức hỗ trợ mà tất cả phải thực hiện theo chính sách hiện hành.

Việc những doanh nghiệp vẫn còn nợ cũ lãi suất cao, Thống đốc cho biết, từ 16/4, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước đều phải hạ lãi suất cho vay ngang bằng với trần lãi suất 10,5%/năm. Còn đối với các ngân hàng khác thì đang phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng, thuyết phục điều chỉnh lãi suất cho phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Riêng đối với kiến nghị của các doanh nghiệp nên cho vay hỗ trợ lãi suất để trả nợ khoản vay cũ, Thống đốc một lần nữa khẳng định: đây thực chất là hành vi đảo nợ và hiện tại thì Chính phủ chưa cho phép thực hiện động thái này.

Theo Thống đốc, quy định đó là hoàn toàn đúng đắn, vì nếu cho phép đảo nợ sẽ làm đảo lộn cả nền kinh tế. Còn các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng gặp khó khăn thực sự thì ngân hàng có thể xem xét cơ cấu lại các khoản nợ theo trong giới hạn luật định.

Thống đốc cũng khẳng định, việc doanh nghiệp muốn trả nợ trước hạn để vay khoản mới là hoàn toàn có thể và do các ngân hàng tự thu xếp, điều này hoàn toàn khác với đảo nợ.