Hoa đậu biếc chữa bách bệnh: chưa có thông tin chính thống
Các tài liệu nghiên cứu hiện tại chỉ nhắc đến hạt và rễ của cây, còn hoa thì vẫn chưa có thông tin rõ ràng.
Thời gian gần đây, có thông tin lan truyền trên mạng xã hội về tác dụng thần kỳ của hoa đậu biếc, chữa được bách bệnh, thậm chí là ung thư khiến nhiều người săn lùng loại hoa này. Những lời rao bán trà hoa đậu biếc tỏ ra rất hấp dẫn khi cho rằng "Nước hoa đậu biếc được hãm như trà uống cùng mật ong còn giúp bổ não, kích thích lưu thông máu huyết, tránh bạc tóc và tăng cường khả năng thị lực. Uống trà hoa đậu biếc đều đặn mỗi ngày giúp người già cải thiện khả năng ghi nhớ và ngăn chặn nguy cơ ung thư, làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể…"Sẽ không khó để tìm trên mạng, hay liên hệ với những người bán hoa đậu biếc khô, cùng với những lời mời chào: Đây là loại thuốc mới có tác dụng cực tốt cho mắt, đặc biệt là nhân viên văn phòng phải làm việc với máy tính nhiều, hay giới trẻ sử dụng điện thoại nhiều. Do đó, hoa được rất nhiều đối tượng săn lùng. Giá trà hoa đậu biếc sấy khô hiện tại trong khoảng từ 250 – 350.000 đồng/500gr.
Hoa đậu biếc có tên khoa học là "Clitoria ternatean", thuộc cây hộ đậu nhưng phần hoa sặc sỡ, hấp dẫn mọi ánh nhìn. Ở các nước châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, hoa đậu biếc thường được trông trong chậu nhỏ đặt nơi ban công hay trồng theo dàn để tỏa làn làm bóng râm cho sân nhà. Cách dùng phổ biến nhất của hoa là để pha thành một loại trà thảo dược. Chỉ cần ngâm một nắm hoa lớn trong nước nóng trong 5 phút, lọc lấy nước và sau đó thêm mật ong nguyên chất để dùng. Uống nóng hoặc lạnh đều được, giống như một phiên bản màu xanh của trà hoa cúc.Trong nhiều thế kỷ, rễ, lá và thân của hạt đậu biếc thường được sử dụng trong y học Trung Quốc và Ấn Độ với nhiều lợi ích sức khỏe - nó được xem là thuốc tăng cường trí não, tốt cho mắt và hỗ trợ tự nhiên cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương. Mặc dù vậy, rễ và lá đậu biếc cũng không nên uống quá nhiều và phụ nữ mang thai hay cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Giám đốc Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM – cảnh tỉnh: Hoa đậu biếc chưa có trong danh sách các loại cây dược liệu điều trị bệnh ở Việt Nam.bĐến thời điểm hiện nay, thành phần cây hoa đậu biếc mới tìm ra được các chất: triterpenoids, flavonol glycoside, chất màu xanh blue-proanthocyanidin... Trên thế giới hiện nay mới có Y học cổ truyền của Ấn Độ nghiên cứu cây đậu biếc trên động vật để điều trị các bệnh thần kinh như: mất ngủ, lo âu, khó tập trung, trầm uất. Các nhà nghiên cứu ghi nhận, đậu biếc khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy an toàn, có tác dụng chống nhiễm trùng, kháng oxy hóa mạnh.
Tại Việt Nam, để một loại cây được đưa vào chữa bệnh trong Đông y phải có ít nhất 20 công trình nghiên cứu về tính an toàn, công dụng chữa bệnh, thử độc tính… Các công trình này phải báo cáo cho hội đồng y khoa…. Do vậy, nếu hoa đậu biếc hoàn toàn không có độc chất thì cũng cần nghiên cứu tiếp nên thu hoạch hoa vào tháng nào trong năm, thời điểm nào trong ngày? Mặt khác, hoa có tác dụng khi dùng tươi hay sấy khô? Có tương thích hoặc phản ứng với các thành phần thực phẩm, gia vị khác không?...Do đó, nếu người tiêu dùng vẫn thích dùng hoa đậu biếc thì chỉ nên dùng liều rất thấp vài bông hoa và nên mua ở cơ sở sản xuất uy tín, đạt tiêu chuẩn an toàn đã được công nhận an toàn thực phẩm. Còn nếu người dân muốn chữa bệnh bằng hoa đậu biếc phải tham khảo ý kiến thầy thuốc và không tự ý ngưng các thuốc đang điều trị trước đó.