17:47 15/07/2010

Hoành tráng, sóng gió, thử thách và ẩn số

Có thể nhìn lại diễn biến chỉ số VN-Index trong mười năm qua để thấy hết thăng trầm

Trong 10 năm thăng trầm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón thêm nhiều nhà đầu tư mới nhưng cũng chứng kiến sự bỏ cuộc của không ít người - Ảnh: Lê Toàn.
Trong 10 năm thăng trầm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón thêm nhiều nhà đầu tư mới nhưng cũng chứng kiến sự bỏ cuộc của không ít người - Ảnh: Lê Toàn.
Nếu lợi suất kỳ vọng mà một quỹ đầu tư hay doanh nghiệp cần đạt mỗi năm trong mười năm qua bình quân là 20% (mức lý tưởng) thì theo phép tính kinh thương, cứ 100 đồng đầu tư sau mười năm sẽ cho khoản tích kép lên 619 đồng.

Với phép tính này, nhà đầu tư nào đã đi cùng thị trường chứng khoán Việt Nam ngay từ những ngày đầu mở cửa mà bẩy được vốn ban đầu của mình lên trên “sáu chấm” thì coi như họ đã thành công.

Khiêm tốn hơn một chút, chỉ số VN-Index cũng cho một cái nhìn về “thành quả” gần đúng với cách tính trên. Theo đó, trong hơn sáu tháng đầu năm 2010, thời điểm kỷ niệm 10 năm mở cửa thị trường chứng khoán Tp.HCM, chỉ số này dao động trong dải điểm 480 ~ 540, nghĩa là nó “lời” được năm chấm so với mức khởi thủy 100.

Tuy nói khiêm tốn, kết quả như vậy lại rất gần với thực trạng và các chỉ số kinh tế thực chứng của hoạt động kinh doanh và thị trường tại Việt Nam. Nhưng dù sao, số đo cho bởi các phép tính bổ đồng này chỉ gợi lên một cách nhìn toàn cảnh. Thực tế kinh doanh và diễn biến thị trường từng giai đoạn trong thời gian ấy có khác nhiều, với các tình tiết thăng trầm và kịch tính.

Có thể nhìn lại diễn biến chỉ số VN-Index trong mười năm qua để thấy hết thăng trầm.

Chỉ non một năm sau khi mở cửa thị trường, vào tháng 6/2001 chỉ số này đã leo lên 571 điểm. Ở giai đoạn “trăng mật” này, với sự chào đón nồng nhiệt của công chúng đầu tư trong điều kiện hiếm hàng (do có ít công ty niêm yết), thị trường nóng lên là điều không có gì khó hiểu.

Chính cái bẫy tăng nóng, tình trạng thiếu đáp ứng nhiều mặt, cùng sự thỏa mãn, thất vọng và sợ hãi đan xen vào thời kỳ sơ khai này đã kéo thị trường xuống đáy sâu chưa đầy hai năm sau đó. Hậu quả là VN-Index rớt liên tục xuống còn 139 điểm vào tháng 4/2003.

Vào giai đoạn bỉ cực này, có lúc cả các cổ phiếu tên tuổi cũng bị đẩy xa về dưới mệnh giá. Thị trường rơi vào giai đoạn ngủ đông đến gần hết năm 2005; sau đó mới ấm lên, được gia nhiệt năm 2006, rồi sốt cao “1.170 độ” vào tháng 3/2007.

Sự hưng phấn quá trớn lúc này làm cho nhiều người cứ nghĩ đó là xu thế, là quy luật, để mà suy non đoán già rằng VN-Index sẽ còn vượt lên 2.000 điểm! Thật may vì điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó là giai đoạn điều chỉnh dài ngày, ảm đạm suốt năm 2008, và chỉ dừng lại ở cái đáy sâu 235 vào tháng 2/2009.

Thị trường tụt dốc không phanh trong thời gian này có thể quy cho một số tác động kinh tế. Nhưng điều đáng nói có lẽ là thực tế lúng túng trong cách ứng phó và các áp đặt mang tính hành chánh từ phía các nhà quản lý thị trường, được cho là đã gây nên tình trạng thị trường có lúc như bị mất lửa. Bảng điện đỏ đều suốt tháng, bi quan lây lan bao trùm…

Thế nhưng, vào thời điểm vắng lặng làm cho không ít nhà đầu tư rời bỏ thị trường với nỗi lo “sập sàn” thì thị trường như bừng tỉnh lại. Trong vòng bảy tháng, từ tháng 3 đến 10/2009 thị trường đã tăng ngoạn mục từ 235 lên 633 điểm. Không ít nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội này để kiếm lại những gì đã mất trước đó. Thị trường lắm thăng trầm nhưng không kém cuốn hút. Chỉ tính ba năm gần đây thôi đã có bốn thời đoạn vui buồn kịch tính: hoành tráng 2007, sóng gió 2008, thử thách 2009, và ẩn số 2010.

Thế nhưng, điều cần ghi nhận là không phải nhà đầu tư nào cũng có niềm vui “sáu chấm” sau mười năm. Nếu có người đạt ngay năm hay thậm chí mười chấm trong chỉ một năm thì ngược lại, cũng có người đã bỏ cuộc chơi và không quay lại. Sớm là vào giai đoạn 2001-2003 và muộn hơn là 2008-2009. Giai đoạn 2008-2009 cũng chứng kiến nhiều “đại gia”, kể cả cá nhân và tổ chức, bị lũ quét sạch túi hay tước mất thành quả tích lũy được trước đó, nhiều người, nhiều tổ chức đã “biết sợ” để quay về học lại bài đầu tư.

Là sân chơi đại chúng, nhìn chung thị trường chẳng có sự phân biệt hay khắt khe gì với người tham gia. Nhưng người tham gia thì lại rất cần tự biết mình, cần tự khép mình vào kỷ luật riêng và các giới hạn theo ước lệ. Các ước lệ tham gia này (liên quan đến vai trò nhà nước, chỗ dựa của doanh nghiệp và sân chơi của nhà đầu tư) cần được phân định rành mạch và tôn trọng. Không được như vậy có thể làm rối thị trường.

Rối? Vâng, chẳng hạn doanh nghiệp sau khi huy động vốn trên thị trường, thay vì đem vốn về lo sản xuất kinh doanh theo ngành nghề sở trường của mình, lại dùng vốn này quăng vào đầu tư chứng khoán thì chẳng khác cách lấy đạn của nhà đầu tư bắn vào sân nhà đầu tư, là làm hại thị trường.

Hoặc, không ít nhà tư vấn đã phục vụ khách hàng đầu tư chứng khoán bằng cách vẽ hướng đi (vĩ mô) của chỉ số rồi khuyến nghị họ mua bán. Nếu có “gain” (lợi) thì được xem là do đã thực hiện khuyến nghị, còn ai thua lỗ lại được cho là do không biết cắt lỗ… Nói sao cũng được kiểu này thì hết hơi.

Có vị còn chưa rõ ngay trong giai đoạn chỉ số suy giảm hoặc đi ngang, nhiều nhà đầu tư khôn ngoan đã biết tách khỏi xu hướng để có lợi với cách lội ngược dòng (đánh lên). Nhưng đây không phải là lời trách. Vì thật ra, chính các mẫu hình (trong phân tích kỹ thuật) nếu có ma lực dẫn dắt thì chúng cũng có thể đánh lừa một nhận định. Và thị trường, cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, giữa thời buổi đầy rẫy bất ổn, bị tác động từ nhiều hướng bất định như hiện nay, thì hướng đi của nó có thể là sự nhảy múa khó đoán định.

Thực tế mười năm mở cửa thị trường là một thực tế có nắng hạn và mưa bão, có kẻ khóc người cười. Thực tế đời thường này sẽ còn khi thị trường còn. Nhưng dẫu sao cho đến nay không ai có thể phủ nhận vai trò thuyết phục của loại thị trường sinh sau đẻ muộn này.

Thực tế (lại cũng là thực tế) kể từ khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (tiền thân của HOSE) ra đời, ngoài việc nó chắp cánh cho hàng trăm doanh nghiệp vươn vai lớn mạnh, định chế này còn góp phần xác lập lại giá trị tài sản (tăng lên) của doanh nghiệp trong nước theo mặt bằng giá thị trường. Điều này rất có ý nghĩa trong hoạt động kinh doanh, nâng tầm đối tác trong các hoạt động liên doanh liên kết, tái cấu trúc và mua bán sáp nhập…

Nhưng quan trọng và trực tiếp hơn, do đây là hạ tầng thanh khoản cho nhà đầu tư, việc không ngừng cải thiện về chất, phong phú về nghiệp vụ phục vụ, sẽ còn đòi nhiều nỗ lực từ phía các nhà quản lý điều hành. Có thể khẳng định không ai khác ngoài nhà đầu tư đã nuôi lớn thị trường. Nếu cần nói thêm một chút về thành tích mười năm thì hãy dành sự trân trọng cho nhà đầu tư.

Bởi lẽ chính họ đã đem lửa lại cho thị trường, sẽ tiếp tục đứng trước đầu sóng ngọn gió của thăng trầm, trực tiếp gánh chịu những ẩn số thách thức có thể là nghiệt ngã của thị trường khi quả bóng chứng khoán còn lăn…

Diễn biến thị trường chứng khoán 10 năm qua:

- Tháng 7/2000 đến 6/2001: khởi đầu ở mốc 100 điểm và tăng lên năm lần trong một năm.

- Tháng 6/2001 đến 10/2003: giảm mạnh xuống 75% trong vòng hai năm.

- Tháng 10/2003 đến 12/2005: tăng gấp đôi trong hai năm.

- Tháng 1/2006 đến 3/2007: tăng lên 4 lần với một lần điều chỉnh giảm mạnh khoảng 35% vào giữa năm 2006.

- Tháng 3/2007 đến 12/2008: giảm mạnh 80% từ mức đỉnh (1.170 điểm) trong gần hai năm.

- Tháng 1/2009 đến 8/2009: tăng khoảng 2 lần trong tám tháng.

- Tháng 8/2009 đến 10/2009: tăng thêm 30% trong hai tháng.

- Tháng 11/2009 đến nay: tăng 11/26% trong khoảng giao dịch từ 483/549. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường mang lại rất nhiều lợi nhuận nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nếu không thoát khỏi thị trường kịp thời trong những giai đoạn thị trường giảm điểm.

Huy Nam (TBKTSG)