21:24 10/08/2007

“Hội đồng Quản trị FPT cam kết không bán cổ phiếu đến hết năm”

Những nội dung đáng chú ý trong cuộc phỏng vấn trực tuyến Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình chiều 10/8

Ông Trương Gia Bình trong cuộc phỏng vấn trực tuyến chiều 10/8.
Ông Trương Gia Bình trong cuộc phỏng vấn trực tuyến chiều 10/8.
Cho rằng sự sụt giảm mạnh giá cổ phiếu FPT trong thời gian qua là do những tin đồn thất thiệt và lỗi FPT không kịp thời thông tin, trong buổi phỏng vấn trực tuyến với báo điện tử VnExpress chiều 10/8, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình khẳng định các thành viên quản trị đã ký cam kết không bán cổ phiếu đến hết 31/12.

Dưới đây là những nội dung đáng chú ý trong cuộc phỏng vấn trực tuyến này.

Thời gian vừa qua cổ phiếu FPT xuống dốc không phanh. Lúc này anh có cảm xúc gì? (Trọng Nghiệp, 37 tuổi, Hà Nội)

Lúc này cảm xúc của tôi buồn, vui, lo lắng lẫn lộn. Vui vì được trao đổi trực tiếp với các bạn. Nhưng vui ít, buồn nhiều vì tôi hiểu là cổ phiếu FPT đi xuống đã gây thiệt hại cho không ít cổ đông, trong đó có một phần trách nhiệm của chúng tôi. Tôi lo là làm sao có thể đáp ứng được quan tâm của các bạn và chúng ta từng bước khôi phục niềm tin.

Là cổ đông của FPT nổi tiếng, tôi phải mua thương hiệu là tài sản vô hình của FPT với giá 627.000 đồng/cổ phiếu, rồi bán đi lấy tài sản hữu hình là 217.000 đồng vì không thể tin nổi Hội đồng Quản trị FPT và cổ đông lớn bán thương hiệu để có siêu lợi nhuận trước mắt. Các ông có kế hoạch gì để lấy lại niềm tin ở những cổ đông như tôi? (Nguyen Quoc Tuan, 37 tuổi, Nqtuantam56@yahoo.com)

Cá nhân tôi xin chia sẻ với những thiệt hại của bạn. Kết quả kinh doanh của FPT rất tốt nhưng giá cổ phiếu lại xuống. Nghịch lý đó có rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất non trẻ và có nhiều biến động. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích để tìm ra giải pháp.

Về phần mình, tôi và những cộng sự của mình ở FPT khẳng định, chúng tôi không vụ lợi và sẽ nỗ lực hết mình vì quyền lợi của cổ đông và sự phát triển của công ty.

Nghe nói Intel Capital đã gửi đơn tới HOSE để đăng ký bán hơn 3 triệu cổ phiếu và Intel đã thông báo cho quý ông về thông tin này? Các quý ông đã phổ biến lại cho các lãnh đạo FPT? Các lãnh đạo này đã xả bán cổ phiếu? Những điều trên đúng hay sai? (Vân Anh, Tp.HCM)

Vì sở hữu dưới 5% nên theo luật định, Intel Capital không cần gửi đơn tới HOSE để đăng ký bán. Cho đến nay Hội đồng Quản trị FPT chưa bán bất kỳ một cổ phiếu nào.

Vì sao cổ phiếu FPT rớt giá nhanh? (Hoài Linh, 24 tuổi, Hà Nội)

Ngoài những nguyên nhân điều chỉnh giá chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, có 3 nguyên nhân liên quan đến cổ phần FPT:

- Các tin đồn không chính xác về FPT mà không được cải chính kịp thời.

- TPG đăng ký bán một lượng lớn cổ phiếu FPT

- Hai thành viên Hội đồng Quản trị đăng ký bán cổ phiếu FPT đúng dịp này (mặc dù chưa thực hiện)

Thị trường đã dạy cho chúng tôi bài học về tầm quan trọng của công tác quan hệ với các nhà đầu tư và chúng tôi sẽ nỗ lực làm tốt công tác này.

Sau 3 ngày tăng giá, hôm nay giá cổ phiếu FPT lại xuống gần đụng sàn. Liệu cứ đà này giá cổ phiếu FPT có lên được không, thưa ông? (Le Toan Phong, 38 tuổi, Tp.HCM)

Không có một cổ phiếu nào chỉ có đi xuống hoặc chỉ đi lên liên tục.

Liệu giá cổ phiếu của FPT còn có thể giảm nữa không, thưa Chủ tịch? (Nam, 30 tuổi, Tokyo)

Ai trả lời được câu hỏi của bạn thì sẽ giàu lắm đấy.

Tôi được biết ông Hoàng Minh Châu bán hơn 200.000 cổ phiếu FPT để thu tiền về và góp vốn vào các công ty con. Như vậy ông Hoàng Minh Châu chắc được góp khoảng 20-30 tỷ vào ngân hàng, và phần còn lại vào công ty chứng khoán FPT và ngân hàng FPT. Điều này có đúng không? (Ngô Hiếu, Gia Lâm, Hà Nội)

Anh Hoàng Minh Châu có đăng ký với Ủy ban Chứng khoán để bán 225.000 cổ phiếu. Tôi được biết chủ yếu số tiền này anh Châu dự định dùng để trả nợ cá nhân và góp 4 tỷ đồng vào FPTS, 4 tỷ đồng vào FPTC. Khi cổ phiếu FPT xuống giá, anh Châu dừng việc này. Và mới đây anh Châu đã ký cam kết cùng các thành viên Hội đồng Quản trị FPT không bán đến hết ngày 31/12.

Ông có nói Hội đồng Quản trị FPT chưa bán bất kỳ một cổ phiếu nào. Nhưng thông tin trên báo chí thì thông báo ông Châu bán cổ phiếu. Vậy thực hư ra sao? (Hoàng Hùng, 30 tuổi, Hà Nội)

Đôi khi trên báo chí cũng có những thông tin chưa được kiểm chứng.

Có thông tin trước khi bán cổ phiếu FPT, ông Hoàng Minh Châu xin từ chức? Điều này có đúng không? Có phải ông ấy bán vì tâm lý oán thán Hội đồng Quản trị không? (Nguyen Quy Trung. trung.nguyenquy@gmail.com)

Chúng tôi đã đọc nhiều thông tin tương tự trên các diễn đàn. Chính những thông tin đồn thổi sai sự thật như vậy đã làm cho nhiều cổ đông nhỏ hoang mang, bán tháo cổ phiếu FPT và chịu nhiều thiệt hại.

Thế còn tin ông Trương Đình Anh sẽ bán 800 nghìn cổ phiếu có đúng không? Nếu bán thì bao giờ ông ấy bán xong? (Tu Nguyen, Ha Noi, 40 tuổi)

Đây cũng là tin đồn sai sự thật gây nhiễu thị trường. Nhân đây, tôi cũng thông báo luôn việc anh Nguyễn Thành Nam đã đăng ký bán 45.000 cổ phiếu FPT từ 28/6 đến 28/8 cũng sẽ không thực hiện.

Nếu giá cổ phiếu FPT tiếp tục xuống, để bình ổn giá, Công ty FPT có kế hoạch mua lại cổ phiếu không và nếu mua lại thì mua bao nhiêu, vào thời điểm nào? (Le Thu Huong, 27 tuổi, Ha Noi)

Khi cần thiết, chúng tôi sẽ mua.

Đã có lúc một vị phó chủ tịch của FPT công bố bỏ vợ để chia tách số cổ phiếu, nhằm số lượng của mỗi nguời trong họ nắm giữ không quá 5% tổng số cổ phần FPT, từ đó có thể dễ dàng bán tháo mà không phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong bối cảnh dự án 112 bị giải tán và điều tra. Có sự liên quan của FPT với dự án này không và đây có phải là khổ nhục kế của vị phó chủ tịch Hội đồng Quản trị đó chăng? (Trần Hữu Quân, tranquan411@yahoo.com)

Vừa qua rất nhiều người đã hỏi chúng tôi về ly hôn giả hay thật của anh Tiến. Tôi rất buồn phải xác nhận cuộc ly hôn này là thật.

Tôi thu thập được khá nhiều thông tin về cán bộ quản lý cấp cao (level 4, 5 và 6) ở bên quý ông bán cổ phần trong đợt sụt giảm sâu vừa rồi? Liệu có bất ổn nào trong việc quản trị hệ thống của các ông không?(Quang Đạt, Hải Phòng, 24 tuổi)

Việc cán bộ FPT mua và bán cổ phiếu FPT là chuyện bình thường. Hệ thống quản trị của chúng tôi đang vận hành tốt. Các cán bộ chủ chốt và nhân viên FPT vẫn tin tưởng vào chiến lược phát triển, cùng nỗ lực đóng góp cho thành công chung, bằng chứng là kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất tốt đẹp.

Đến thời điểm này, Hội đồng Quản trị FPT mới có động thái khôi phục niềm tin cho cổ đông FPT thì liệu có quá chậm, khi giá FPT đã giảm gần 3 tháng nay thưa ông? (Quân, 23 tuổi, Tp.HCM)

Sự phê phán của bạn là xác đáng. Nếu như có thể được làm lại, tôi sẽ tiến hành cuộc giao lưu này sớm hơn.

Các ông có cảm giác bị lừa trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược hay không khi họ bán khá sớm cổ phiếu ngay sau lúc được giải tỏa hạn chế. Họ đưa FPT vào canh bạc chứ không có ý định hợp tác? Điều này đúng hay sai? (Xuân Hà, Hà Tây, 33 tuổi)

Tiêu chí chọn của chúng tôi là ai có thể giúp FPT toàn cầu hóa, ai có thể giúp Việt Nam đưa sản phẩm và dịch vụ của mình ra quốc tế thì đó là đối tác chiến lược. TPG và Intel đáp ứng những yêu cầu đó. Cụ thể là sau khi ký kết, tên tuổi của FPT cũng như của Việt Nam đã được nhắc đến trên các báo như NY Times, Wall Street Journal.

TPG đã giới thiệu cho FPT các khách hàng phần mềm, giúp FPT mở rộng thị trường tại Mỹ và TPG cũng đã xác nhận định hướng mới mở rộng sang lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản của FPT là xu hướng phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm toàn cầu hóa. Vivek Paul, một lãnh đạo của TPG và nguyên là Tổng giám đốc Tập đoàn Wipro, đã chuyển giao cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm bổ ích trong xuất khẩu phần mềm.

Intel đang bàn với chúng tôi về việc làm phần mềm nhúng cho Intel và sắp tới sẽ phối hợp tổ chức Ngày Intel Technology tại Việt Nam. TPG đã bán một phần cổ phiếu FPT, nhưng TPG và Intel vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược của chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi vươn ra toàn cầu.

Ông đã làm gì khi giá cổ phiếu FPT rớt thê thảm trong thời gian qua, hay đó là chuyện của các nhà đầu tư và ông chỉ có trách nhiệm điều hành doanh nghiệp? (Tiến Nam, Hà Nội, 32 tuổi)

Công ty FPT vừa được niêm yết. Thời gian quá ngắn để tôi có thể nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của người đứng đầu. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, ngoài việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt ra, còn rất nhiều những việc quan trọng khác nếu không được quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và gây thiệt hại cho các cổ đông.

Tôi muốn hỏi, cổ phiếu của FPT giảm liệu có sự can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài? (Hieu, 26 tuổi, Hà Nội)

Không loại trừ.

Tại sao ông Nam, ông Châu hoãn bán cổ phiếu nhưng Hội đồng Quản trị không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng? (Nguyen Dinh Phuoc, 38 tuổi, Tp.HCM)

Tin này đã được công bố trên website: www.fpt.com.vn.

Tôi rất ấn tượng về sự phát triển của FPT, tuy nhiên thời gian gần đây, FPT đã phát triển ra rất nhiều ngành nghề khác nhau. Phải chăng vì lý do không có kinh nghiệm trong các lĩnh vực mới nên FPT tổng chỉ nắm giữ một tỷ lệ nhỏ trong vốn điều lệ? Hay là Hội đồng Quản trị muốn bán thương hiệu FPT thay vì quảng bá thương hiệu? Theo ý kiến của ông thì lợi nhuận năm 2010 sẽ có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ lợi nhuận từ các lĩnh vực mới này? Cảm ơn ông. (Vũ Mạnh Cường, chotot@yahoo.com)

Cuối năm 2006, FPT quyết định mở ra các định hướng mới ngoài các lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mình gồm chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng. Khi thiết kế cấu trúc sở hữu của các định hướng mới này, chúng tôi tranh luận nội bộ khá gay gắt trước 2 sự lựa chọn: hoặc FPT chiếm một tỷ lệ chi phối hoặc FPT chiếm một tỷ lệ an toàn, và cuối cùng quyết định FPT chiếm 25% ở FPTS, 33% ở FPTC, 15% ở FPTB.

Vì sao FPT không chiếm cổ phần lớn hơn?

Thứ nhất, chúng ta không thể. Vốn của FPT tất cả có vào thời điểm đó là 608 tỷ trong khi đó tổng vốn của 3 định chế mới này là 1.310 tỷ.

Thứ hai, chúng ta không muốn. Một lĩnh vực mới dù rất triển vọng, nhưng cần đảm bảo an toàn tài chính cho FPT.

Thứ ba, chúng ta không nên. Thà rằng sở hữu một phần cái bánh rất lớn còn hơn sở hữu cả cái bánh nhỏ. Do vậy chúng ta cần phải dành cổ phần đáng kể cho những người có thể làm chiếc bánh to lên.

Thứ tư, chúng ta không muốn các định chế mới bị phụ thuộc vào bất kỳ một ai có cổ phần chi phối, chỉ như vậy mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững và lâu dài.

Khi cổ phiếu FPT đang rớt giá thì những thông tin về hoạt động kinh doanh lại tốt nhất từ trước đến nay. Điều này có thể hiểu là động thái PR quá lộ liễu nên những con số kết quả kinh doanh sẽ không còn nguyên mức độ tin cậy. Ông có cho rằng đây là cách làm thông minh nhất hay không? Hay là các ông không còn cách nào khác ngoài những công việc mang tính lý thuyết và khuôn phép đó (Anh, 32 tuổi, Tp.HCM)

Đó là những thông tin chính xác. Chúng tôi không chỉ gửi thông tin này cho báo chí mà đã gửi báo cáo chính thức tới Ủy ban Chứng khoán. Những thông tin này đang được Công ty Kiểm toán KPMG đánh giá.

Thưa ông Bình, ông vừa đưa ra các lý do nghe có vẻ hợp lý về việc FPT chỉ nắm một phần vốn ở các công ty mới. Vậy ông có quên rằng FPT Land lại là công ty TNHH 100% vốn FPT? (Ngoc Son, TP HCM, 33 tuổi)

Bạn đã chỉ ra một lỗi của chúng tôi. Chúng tôi đang xem xét lại mô hình sở hữu của FPT Land theo mô hình của các công ty mới thành lập.

Tôi xin chia sẻ và thông cảm với cá nhân ông trong vai trò Chủ tịch FPT rất nhiều sóng gió. Xin cho hỏi ông sẽ ở lại với FPT tới chừng nào? (Nguyen Dang Thong, 35 tuổi, Tp.HCM)

Là thành viên trong nhóm sáng lập FPT và trải qua bao sóng gió, khó khăn để có một FPT ngày hôm nay, FPT đã trở thành máu thịt của tôi, tôi sẽ gắn bó với nó suốt đời.

Trước đây FPT University không thuộc 100% sở hữu của FPT, và giờ thì lại thuộc 100% sở hữu của FPT? Xin ông cho biết ai được sở hữu cổ phần của FPT University trước đây? Vì sao họ bán lại cho FPT? Các ông đã thuyết phục gì hay ép buộc gì họ không? (Nguyen Quy Trung, trung.nguyenquy@gmail.com)

Đào tạo công nghệ thông tin là lĩnh vực truyền thống của FPT và là lĩnh vực thành công. Các cổ đông sáng lập Đại học là lãnh đạo FPT đã tự nguyện chuyển lại nguyên giá cho Công ty FPT.

FPT đã từng có tiền lệ là cổ phần hóa FPT Software và FPT Telecom, trong đó FPT không nắm giữ 100% cổ phần ở đó. Giờ FPT lại tách một bộ phận của FPT Telecom thành công ty FPT Online và cũng là công ty cổ phần. Theo tôi được biết, các ông đã góp vốn vào thành lập FPT Online và FPT chỉ giữ khoảng 50% tại FPT Online, còn đâu là Hội đồng Quản trị. Điều này có đúng không?(Nguyen Quy Trung. trung.nguyenquy@gmail.com)

Điều này không đúng. Thực tế dịch vụ game online đối với Việt Nam là mới mẻ, nhiều công ty đã thất bại kể cả FPT. Tuy nhiên những người làm trực tiếp vô cùng tâm huyết với hướng kinh doanh này. Họ đề nghị công ty đầu tư một phần, họ đầu tư một phần và họ cam kết sẽ xây dựng thành công. Chúng tôi đồng ý phương án đó.

Điều gì có thể đảm bảo FPT sẽ không làm tương tự với các công ty con hiện tại của FPT là FIS, FMB, FDC và FPT University? Tôi lo sợ một ngày các quý ngài dùng chiêu bài “Kim Thiền thoát xác” để lại cho các lớp cổ đông chúng tôi một FPT rỗng tuếch chỉ sở hữu 10-20% ở các công ty, còn các quý ông sở hữu phần lớn cổ phiếu ở tất cả các công ty con đó?(Thanh Xuân, Tp.HCM, 37 tuổi)

Các công ty truyền thống của FPT như FIS, FDC, FMB, FPT University là niềm tự hào của chúng tôi, là nền tảng của tập đoàn FPT. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đẩy mạnh phát triển các công ty này, đem lại quyền lợi cho cổ đông.

Trước mắt chúng tôi không có ý định thay đổi mô hình sở hữu của các công ty trên. Trong trường hợp nếu có thay đổi, mọi cổ đông FPT được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ cổ phần sở hữu.

Anh có ý định biến FPT thành một tập đoàn tài chính không? (Hoàng Minh, 25 tuổi, Hà Nội)

Không hẳn như vậy. Tôi khẳng định, công nghệ thông tin và viễn thông vẫn tiếp tục giữ vị trí trung tâm, trọng yếu trong định hướng phát triển chiến lược của tập đoàn FPT.

Tại sao chúng tôi là những cổ đông ngoài công ty không được mua cổ phiếu của ngân hàng FPT, chứng khoán FPT trong khi cổ đông trong công ty lại được mua? Đề nghị cho chúng tôi được mua với một tỷ lệ hợp lý nào đó. (Anh Minh, hhha@yahoo.com)

Trong Đại hội cổ đông, chúng tôi cũng đã được nghe đề nghị như của bạn. Trong các định hướng kinh doanh mới như ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ, FPT có chính sách chỉ dành cho những người có đóng góp trực tiếp cho tập đoàn FPT, đặc biệt cho cán bộ nhân viên làm việc tại các tổ chức mới.

Tuy nhiên, bạn vẫn được sở hữu gián tiếp thông qua tỷ lệ đầu tư của FPT trong các tổ chức này.

Thưa ông Chủ tịch, sở hữu của các ông bà trong Hội đồng Quản trị trong các công ty tài chính ngân hàng mới được thành lập là bao nhiêu? Tỷ lệ đó được các ông ấn định trên cơ sở nào? (Vũ Duy Quân, vuduyquan2000@yahoo.com)

Tổng số vốn của Hội đồng Quản trị FPT trong FPTS, FPTC, FPTB chiếm tương ứng là 29%, 47,7%, 4,5%. Phần của tôi trong các công ty trên tương ứng là 4,3%, 6,8%, 1,1%. Chúng tôi đã thảo luận và đưa ra tỷ lệ này và nghĩ rằng nó tương ứng với những đóng góp trong quá khứ cũng như tương lai cho tập đoàn FPT. Đồng thời nó cũng là một sự đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các tổ chức trên.

Tỷ lệ cao ở FPTC là đặc thù của mô hình công ty quản lý quỹ. Theo thông lệ trên thế giới, các công ty này không niêm yết và có số thành viên hữu hạn với trách nhiệm rất cao. Các tỷ lệ này là hợp lý so với tỷ lệ của Hội đồng Quản trị tại FPT là 37,4% và của tôi là 8,4%.

Đề nghị ban quản trị có kế hoạch cho việc bán ra cổ phiếu của các thành viên trong ban quản trị và nghiên cứu thời điểm nào bán là thuận lợi nhất cho sự đầu tư của các cổ đông (đừng để vì một người mà làm ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi). Nên bán ra rải rác, không nên tập trung bán vào một thời điểm với khối lượng quá lớn gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư. (Anh Minh, hhha@yahoo.com)

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của bạn Anh Minh. Rút kinh nghiệm trong trường hợp vừa rồi, Hội đồng Quản trị FPT thống nhất không ai bán ra trước 31/12/2007 và vào các thời điểm có thể dẫn đến sự biến động xấu về giá cổ phiếu. Trong trường hợp có bán ra thì sẽ có tổ chức.

Lý do để ông lên phỏng vấn trực tuyến có phải là để kêu gọi lòng tin đã phần nào bị mất của công chúng dành cho FPT? Bản thân ông có tin vào các cộng sự của mình trong Hội đồng Quản trị không, những người đã tham gia vào “cuộc tháo chạy cổ phiếu” trong thời gian qua, góp phần vào sự sụt giảm thê thảm của FPT trên thị trường? (Duongphong, 34 tuổi, Hanoi)

Cuộc phỏng vấn trực tuyến hôm nay là trách nhiệm mà lẽ ra tôi phải làm ngay sau khi công ty được niêm yết. Nhiệm vụ chính của tôi hôm nay là cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ cho các nhà đầu tư, để giải tỏa tin đồn thất thiệt xung quanh công ty FPT. Tôi tin tưởng vào các thành viên của Hội đồng Quản trị bởi lẽ, họ là những người đã cùng tôi vượt qua rất nhiều những khó khăn những thời điểm gay go, vất vả. Họ gắn bó với Công ty FPT như chính gia đình họ.

Tôi khẳng định “cuộc tháo chạy cổ phiếu” của các thành viên Hội đồng Quản trị chỉ là tin đồn thất thiệt.

Mang danh tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam mà doanh thu chính là phân phối điện thoại và bán máy tính, trong khi doanh thu về xuất khẩu phần mềm thua xa TMA và PSV. Liệu FPT có chiến lược rõ ràng gì không trong việc tăng trưởng xuất khẩu phần mềm? (Lê Khắc Huy, sherlockhuy@yahoo.com)

Rất là không hợp lý khi đánh giá FPT trên cơ cấu doanh thu. Nên đánh giá trên cơ cấu lợi nhuận. Năm 2006, tỷ trọng lợi nhuận từ phần mềm và dịch vụ là 47% trong khi đó điện thoại di động chỉ chiếm 27%. Riêng về xuất khẩu phần mềm, FPT hiện nay đứng đầu cả nước. Trong 2 năm vừa qua, lợi nhuận từ xuất khẩu phần mềm đạt tương ứng là 3 triệu, 5 triệu và dự kiến trong năm nay đạt 10 triệu USD.

Tôi có cảm giác FPT đang kinh doanh, buôn bán máy tính, linh kiện và điện thoại di động nhiều hơn là một tập đoàn phát triển về công nghệ thông tin đúng nghĩa. Hàm lượng chất xám trong công việc của các bạn ngày càng giảm sút. Ông có nghĩ như vậy không? (Linh, 23 tuổi, Hà Nội)

Cùng với toàn cầu hóa, chất lượng cũng như hàm lượng chất xám trong các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin của FPT ngày càng cao. Đội ngũ kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin của chúng tôi đã đạt tới con số khoảng 5.000 người trên hơn 8.000 cán bộ nhân viên của tập đoàn. Cụ thể, phần mềm và dịch vụ là hai mảng đóng góp lợi nhuận cao nhất trong các hướng kinh doanh của FPT.

Nền tảng công nghệ của FPT là gì? Theo đánh giá của tôi FPT là công ty nặng về kinh doanh hơn là công nghệ. Tôi nghĩ đã đến lúc FPT nên đầu tư vào chiều sâu về công nghệ và cần một tầm nhìn dài hạn hơn trong lĩnh vực này. Tôi muốn chia sẻ câu nói của Larry Page - người sáng lập Google - với ông Trương Gia Bình:”Chẳng phải chúng ta đã kiếm đủ tiền rồi sao?” (Trình Tuấn, tuantrinhquoc@yahoo.com)

Từ ngày đầu cách đây 19 năm, chúng tôi đã khát khao vươn lên chiếm đỉnh cao công nghệ. Đến ngày hôm nay chúng tôi có khoảng năm nghìn kỹ sư đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Sản phẩm của chúng tôi cũng được sử dụng ở nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới. Từ sau khi mở hướng xuất khẩu phần mềm, chúng tôi bắt đầu được tham gia cùng Sanyo sản xuất phần mềm cho máy ảnh, cùng Denso sản xuất phần mềm cho ôtô, cùng Toshiba sản xuất phần mềm cho điện thoại di động. Tháng 6 vừa rồi, Microsoft đồng ý cho FPT cùng phát triển sản phẩm của mình.

Nhưng chúng tôi vẫn trăn trở tự hỏi ngày nào FPT sẽ có những công nghệ nền tảng của mình như của Micrsoft, của Google. Tôi chia sẻ suy nghĩ của bạn. Biết đâu chính bạn sẽ là người cùng chúng tôi tham gia làm nên điều kỳ diệu đó.

Vui lòng cho tôi biết FPT có nhu cầu tuyển nhân sự cho ngành marketing trong năm tới không và ông có thể ước tính số lượng là bao nhiêu không? Xin cám ơn! (Pham Duc Phuong, 26 tuổi, Dong Nai)

Mỗi năm FPT tuyển hàng nghìn cán bộ, trong đó có hàng trăm người chuyên ngành marketing. Chúng tôi chào mời bạn đến với FPT. Xin liên hệ qua www.fpt.com.vn.

Thưa ông Bình, FPT hiện hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực. Ông có thể cho biết lĩnh vực nào có triển vọng kinh doanh lớn nhất cho FPT trong những năm tới? (Nguyễn Thanh Sơn, thanhson@gmail.com)

Các hướng kinh doanh của FPT đều có triển vọng tốt. Trong 3 năm tới tôi cho rằng viễn thông, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ sẽ mang nhiều lợi nhuận nhất cho FPT.

Tôi và một số bạn bè đang giữ rất nhiều cổ phiếu FPT, xin ông cho biết về thông tin tập đoàn Intel đang giữ 7,6 triệu cổ phiếu FPT đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu trong thời gian tới là chính xác không? (Hoàng Trâm, Hải Phòng, 25 tuổi)

Intel Capital chưa bao giờ nắm giữ 7,6 triệu cổ phiếu FPT, số chính xác là 3,75 triệu cổ phiếu.

Theo ông, Intel Capital có bán cổ phiếu FPT ra không khi giá thị trường đang hồi phục. Nếu bán thì sẽ bán vào thời điểm nào? (Huy Hoàng, 30 tuổi, Tp.HCM)

Câu trả lời chính xác nhất chỉ có thể từ Intel Capital.

Việc đa dạng hoá sang một loạt các lĩnh vực mới như dấu hiệu cho thấy FPT sẽ thành tập đoàn đa ngành thay vì tập trung nguồn lực để phát triển thành công ty công nghệ thông tin số một Việt Nam và khu vực. Phải chăng là môi trường pháp luật Việt Nam chưa đủ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một công ty IT, hay là vì ban quản trị và điều hành FPT đang thật sự lúng túng trong việc xây dựng và khai thác những mảng mũi nhọn? (Christine Le, ahadforever@gmail.com)

Trước hết chúng tôi muốn khẳng định những lĩnh vực kinh doanh truyền thống của FPT vẫn sẽ được đầu tư phát triển mạnh mẽ nhiều hơn trong quá khứ, điều này được minh chứng bằng kết quả kinh doanh của FPT trong 6 tháng đầu năm 2007, lợi nhuận bằng 218% so với cùng kỳ năm 2006.

Có nhiều người hiểu nhầm FPT dịch chuyển từ công ty công nghệ thông tin sang lĩnh vực tài chính ngân hàng, thực chất đây là sự mở rộng kinh doanh sang các hướng mới theo định hướng hội tụ số của tập đoàn FPT. Thay đổi này có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao chúng tôi sẽ vượt qua.

Khi công ty mẹ được góp vốn thấp như vậy liệu các công ty con của FPT mang tên mẹ có hợp lệ hay không? Trong khi chỉ góp vốn với tỷ lệ thấp, quyền lợi cũng hưởng với tỷ lệ thấp tương ứng, nhưng bộ máy nhân sự ban đầu của các công ty con lại do hầu hết các nhân viên của FPT mẹ kiêm nhiệm hoặc được chuyển sang. Như vậy, FPT mẹ đã giúp tạo dựng khung ban đầu cho các công ty con mang tên FPT. Nếu không có bộ máy của FPT mẹ thì làm sao nhanh chóng có các công ty con này ? (Phạm Hoàng Thi, hththt1402@yahoo.com)

Việc được sử dụng tên FPT không liên quan đến tỷ lệ góp vốn của công ty. Các tổ chức mới do FPT đứng ra xây dựng được mang tên FPT là hợp lệ. Điều này cũng không lạ trên thế giới, ví dụ như Samsung chỉ chiếm khoảng 13% vốn của Samsung Petrochemical và 18% vốn của Samsung Heavy Industry. Có thể tìm rất nhiều ví dụ tương tự ở Việt Nam. Trong khi thành lập các định chế mới chúng tôi đã hỗ trợ nhiều mặt để họ có thể nhanh chóng đi vào hoạt động.

Sau khi Nokia chỉ định Petrosetco là nhà phân phối mới, FPT đã mất độc quyền trên thị trường Nokia. Sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đế thị phần của FPT? FPT làm gì để cạnh tranh trong bối cảnh mới? (Lâm Chung, Hà Tây, 34 tuổi)

Thực tế chúng tôi chưa từng là đại lý độc quyền của Nokia. Trước Petrosetco, Nokia đã có 3 nhà phân phối FPT, Lucky và Thuận Phát. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc cạnh tranh sẽ nóng hơn nhưng cạnh tranh sẽ tăng lên mang lại nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Thị phần của các nhà phân phối có thể biến động nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào vị thế dẫn đầu của FPT.

Chào ông Trương Gia Bình. Tôi là nhà đầu tư, rất quan tâm tới cổ phiếu của FPT. Vừa rồi tôi có đọc bài phân tích của công ty quản lý quỹ VinaCapital. Tôi thấy trong bài phân tích này dường như FPT đã thuê VinaCapital viết báo để quảng cáo về mình đúng hơn là phân tích khả năng kinh doanh của FPT. Trân trọng cảm ơn. (Trần Hoàng Hiệp, softtech_vn@yahoo.com)

Bạn có tin là một tổ chức tài chính sống bằng uy tín của mình lại có thể hành động như vậy không?