09:13 15/01/2007

Hội nhập WTO: Hải quan vào cuộc

Nguyên Linh

Để thực hiện các cam kết WTO, ngành hải quan đã đưa ra định hướng quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2007

Năm 2006, hải quan các cấp đã tổ chức phúc tập các tờ khai đã làm thủ tục hải quan, qua đó truy thu do chênh lệch thuế ước tính 30 tỷ đồng.
Năm 2006, hải quan các cấp đã tổ chức phúc tập các tờ khai đã làm thủ tục hải quan, qua đó truy thu do chênh lệch thuế ước tính 30 tỷ đồng.
Để thực hiện các cam kết WTO, ngành hải quan đã đưa ra định hướng quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2007.

Định hướng này bao gồm giãn bớt việc kiểm soát, kiểm tra hàng hóa tại các cửa khẩu, chú trọng phân luồng, quản lý rủi ro, đặc biệt là đẩy mạnh hình thức kiểm tra sau thông quan đối với hồ sơ, hàng hóa và tại doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Ngọc Anh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong năm 2006, công tác kiểm tra sau thông quan tập trung vào hai nhiệm vụ chủ yếu là: chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho hoạt động lâu dài, theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 và các văn bản hướng dẫn dưới luật.

Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”

Cụ thể là việc hoàn chỉnh danh bạ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; phúc tập xong tất cả các hồ sơ hải quan năm 2005 và các hồ sơ từ đầu được thông quan theo luồng xanh. Đồng thời, phân loại và tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng được thông quan theo luồng xanh từ đầu năm 2006.

Vì vậy, đây là bước chuẩn bị cần thiết để bước sang năm 2007, ngành hải quan sẽ có điều kiện tối đa áp dụng phương pháp quản lý mới dựa trên đánh giá và phân tích rủi ro, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đánh giá, thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan không chỉ làm tăng thu ngân sách, chống gian lận thương mại mà còn góp phần thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực hải quan khi gia nhập WTO.

Năm 2006, hải quan các cấp đã tổ chức phúc tập các tờ khai đã làm thủ tục hải quan, qua đó truy thu do chênh lệch thuế ước tính 30 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan và tại doanh nghiệp, số tiền phát hiện phải truy thu khoảng 90 tỷ đồng; số tiền đã truy thu được ước đạt 70 tỷ đồng.

Theo định hướng năm 2007, lực lượng kiểm tra sau thông quan của ngành Hải quan sẽ tập trung kiểm tra, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của nhóm những doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất nhập khẩu; tập trung xác định và kiểm tra đối với những doanh nghiệp và mặt hàng trọng điểm.

Việc tập trung kiểm tra này sẽ giúp cơ quan Hải quan xác định mức độ chấp hành pháp luật của những doanh nghiệp này. Từ đó có thêm thông tin hỗ trợ để xác định hình thức mức độ kiểm tra khi làm thủ tục đối với lô hàng xuất nhập khẩu.

Đối với những doanh nghiệp và mặt hàng trọng điểm, việc kiểm tra sau thông quan cũng sẽ hạn chế những sai sót, vi phạm trong quá trình thông quan, từ đó chống thất thu ngân sách và chống gian lận thương mại.

Xác định doanh nghiệp, mặt hàng trọng điểm

Để thực hiện mục tiêu trên, cơ quan hải quan sẽ phân loại nhóm các doanh nghiệp lớn theo từng loại hình kinh doanh, xác định những doanh nghiệp và mặt hàng trọng tâm, trọng điểm.

Trong quá trình kiểm tra sau thông quan sẽ tập trung kiểm tra về giá tính thuế, mã số hàng hóa xuất nhập khẩu, chú trọng kiểm tra hàng lỏng, hàng rời.

Đáng chú ý là sẽ kiểm tra việc thực hiện các ưu đãi về thuế, kiểm tra đối với hàng gia công và hàng sản xuất xuất khẩu - một loại hình vốn được tạo thuận lợi và đơn giản nhưng đã có một số trường hợp lợi dụng gian lận trốn thuế.

Song song với việc đó, hải quan sẽ tiếp tục tăng cường năng lực thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy, bổ sung cán bộ, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan...

Một việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan là sẽ kiến nghị ban hành một số văn bản đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của kiểm tra sau thông quan như: hướng dẫn thực hiện điều 161 Luật Hình sự; thủ tục tạm giữ hàng hóa, kê biên tài sản; xử lý vi phạm hành chính.

Một trong điều kiện quan trọng nhưng chưa thực hiện triệt để là sự phối hợp trao đổi thông tin bên trong hệ thống và với bên ngoài trong năm 2007 sẽ được cụ thể hoá bằng những quy chế phối hợp.

Đầu tiên là việc ký kết giữa các Cục Hải quan trọng điểm như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Đối với việc phúc tập, kiểm tra hồ sơ của các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc kiểm tra ở người mua hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu và tăng cường việc đối chiếu hóa đơn, chứng từ của các đối tượng.

Tương tự, khâu kiểm tra hồ sơ hàng hóa doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được chú trọng trong việc tìm và phát hiện tình trạng 2 hệ thống sổ sách kế toán.

Tăng cường việc đối chiếu các chứng từ ở đầu vào của một đối tượng bán hàng với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu để phát hiện sự bất hợp lý trong hợp đồng, hóa đơn. Đối với đầu ra, cũng phối hợp với cơ quan thuế để kiểm tra hóa đơn bán ra qua nhiều đối tượng.

Để thực hiện những biện pháp trên, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng ưu tiên củng cố nguồn nhân lực của bộ máy kiểm tra sau thông quan với việc xây dựng đội ngũ kiểm toán viên, trên một cơ sở luân chuyển linh hoạt và được bồi dưỡng những kiến thức mới về thương mại, kế toán.

Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng một cơ sở dữ liệu cơ bản phục vụ việc phân tích thông tin và ra quyết định.

Thông tin thông suốt giữa các Cục Hải quan địa phương cũng là yếu tố then chốt giúp giảm bớt thời gian và tăng hiệu quả, nhất là trong những vụ việc có quy mô rộng lớn và phức tạp.