10:24 01/10/2010

Hơn 50 nghìn tỷ đồng tăng theo biến động đồng Yên?

Minh Đức

Giá đồng Yên tăng nhanh thời gian qua làm giá trị nợ thực của Việt Nam trong nguồn vốn ODA từ Nhật tăng thêm hơn 50 nghìn tỷ đồng

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đồng JPY tăng giá mạnh cũng sẽ tác động đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực - Ảnh: Getty.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đồng JPY tăng giá mạnh cũng sẽ tác động đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực - Ảnh: Getty.
Một tính toán cho thấy, giá đồng Yên (JPY) tăng nhanh thời gian qua làm giá trị nợ thực của Việt Nam trong nguồn vốn ODA từ Nhật tăng thêm hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Tính toán này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2010, phục vụ phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 30/9/2010.

Như từng đề cập ở báo cáo định kỳ tháng 8 trước đó, ở báo cáo trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục lưu ý đến diễn biến của giá JPY trên thị trường thế giới thời gian gần đây, cũng như những ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam.

Cụ thể, việc đồng JPY tăng giá quá nhanh trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, cũng như đối với tâm lý của các doanh nghiệp nước này.

Đồng JPY đã liên tục tăng giá so với USD, vào ngày 14/9, đồng JPY đã được giao dịch ở mức kỷ lục 82,88 JPY/USD, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua nghiệp vụ “bán JPY - mua USD” để ngăn chặn đà tăng giá của đồng nội tệ. Và ngày 10/9/2010, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 915 tỷ JPY (tương đương khoảng 10,9 tỷ USD) nhằm đối phó với hiện tượng đồng JPY tăng giá bất thường so với đồng USD và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 Chính phủ Nhật can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối. Ngay sau khi có sự can thiệp đó, đồng JPY đã rơi xuống mức 85,93 JPY/USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đồng JPY tăng giá mạnh cũng sẽ tác động đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và hiện đang nhập siêu từ Việt Nam. Theo đó, việc đồng JPY lên giá sẽ dẫn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào nước này có lợi hơn, còn hoạt động nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản sẽ bất lợi. Do đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào Nhật Bản, đồng thời cần có biện pháp thích hợp để kiểm soát nhập siêu, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu của cả nước.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản tranh thủ điều kiện tỷ giá để giảm bớt chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân FDI vào Việt Nam.

Nhưng việc đồng JPY lên giá cũng làm tăng khối lượng ODA của Nhật Bản cho Việt Nam. Đây là quốc gia đứng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ có lượng vốn ODA cho Việt Nam hiện nay. Do đó, khi đồng JPY lên giá thì giá trị nợ thực của Việt Nam sẽ tăng lên. Các dự án có nguồn vốn vay ODA và vay thương mại bằng JPY sẽ bị tác động bất lợi bởi sự lên giá của đồng tiền này.

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Nhật Bản có lượng vốn ODA cho Việt Nam cam kết đến nay là 1.394 tỷ JPY. Trước đây nguồn vốn này chỉ tương đương với khoảng dưới 14 tỷ USD, nay do diễn biến nói trên đã tương đương gần 16,3 tỷ USD. Và nếu tính theo VND, trước đây chỉ tương đương với khoảng 251 nghìn tỷ VND, nay đã tương đương với khoảng 304,5 nghìn tỷ VND, tức tăng thêm khoảng 53 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc xác định thời điểm “trước đây” không được đề cập cụ thể trong báo cáo.

Còn trong báo cáo của tháng 8 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với lượng vốn ODA của Nhật Bản cam kết cho Việt Nam khoảng 1.394 tỷ JPY, tính toán đưa ra là tương đương 15,7 tỷ USD. Đến tháng 9, con số gần 16,3 tỷ USD nói trên cũng phản ánh một sự gia tăng đáng chú ý.

Và trên cơ sở dữ liệu đó, theo hướng tính toán đó, có thể làm một phép tính tương tự để “đong” thực tế biến động chỉ từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 vừa qua.

Cụ thể, nếu cuối tháng 8, 1 USD bằng khoảng 88,7 JPY, theo số vốn cam kết nói trên, con số tương đương là 15,7 tỷ USD. Và cuối tháng 9, 1 USD bằng khoảng 85,52 JPY, con số tương đương là gần 16,3 tỷ USD. Quy đổi ra VND theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, sau khoảng một tháng đó, chênh lệch của nguồn vốn cũng đã là 11.359 tỷ VND.

Dĩ nhiên, những chênh lệch trên là một tính toán có thể tham khảo để xem xét mức độ ảnh hưởng từ biến động của giá JPY trên thị trường. Yếu tố “ảo” ở đây còn phụ thuộc vào thực tế nguồn vốn vay đã giải ngân, các thời điểm đáo hạn và thực tế giá trị đồng tiền tại thời điểm đó; hay cả việc sử dụng đồng tiền nào để mua JPY trả nợ (sự hạn chế chuyển đổi của VND trên thị trường thế giới là một yếu tố cần xem xét); hay Việt Nam có nguồn dự trữ ngoại hối, hoặc nguồn thu bằng JPY tương ứng thì câu chuyện có thể đơn giản hơn…