15:35 05/10/2011

Họp nhóm ngân hàng “G12 + 1”: Nhiều vấn đề phải xử lý!

Minh Đức

Lãi suất vượt trần, thanh khoản khó, áp lực tỷ giá… là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước đang đặt ra để bàn cách xử lý

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào nào mất khả năng thanh khoản.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào nào mất khả năng thanh khoản.
Lãi suất vượt trần, thanh khoản khó, áp lực tỷ giá… là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước đang đặt ra để bàn cách xử lý.

Ngày 4/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng thương mại hàng đầu  - hay còn được gọi là nhóm “G12 + 1” - để triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011.

Tại cuộc họp này, nhiều vấn đề được đặt ra đòi hỏi phải có giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Đó là nguồn vốn huy động VND giảm sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của một số tổ chức tín dụng; một số tổ chức tín dụng áp dụng khuyến mại trong huy động vốn làm cho lãi suất huy động vượt mức trần theo quy định; ngân hàng sử dụng nguồn vốn nước ngoài để mở rộng cho vay bằng ngoại tệ sẽ tăng rủi ro thanh khoản; vấn đề hạch toán và thống kê của tổ chức tín dụng cần được tiếp tục xử lý để phản ánh chính xác hoạt động huy động vốn và tín dụng; giá vàng trong nước và quốc tế biến động thất thường; hoạt động mua bán vàng gia tăng đột biến gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ…

Về lãi suất và tín dụng, Ngân hành Nhà nước cho biết nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực sản xuất từ mức phổ biến 18% - 22%/năm xuống còn 17% - 19%/năm; lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định và ở mức hợp lý; cơ cấu tín dụng chuyển đổi theo hướng tích cực, tín dụng sản xuất tăng ở mức cao, nhất là tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu (tăng trên 30%); tín dụng ngoại tệ và  phi sản xuất giảm, thanh khoản của các ngân hàng thương mại được kiểm soát.

Đáng chú ý là huy động vốn và tín dụng 20 ngày đầu tháng 9 giảm. Nguyên do là việc hạch toán lại đúng bản chất của các khoản tiền gửi và cho vay trước đây. Tuy nhiên hệ thống đã có biểu hiện tăng trở lại từ ngày 23/9/2011 phản ánh sự tăng trưởng lành mạnh, đúng thực chất.

Đặc biệt, tại cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hiện tượng một số ngân hàng thương mại có các hình thức khuyến mại gián tiếp đẩy lãi suất huy động VND vượt trần. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng ban hành văn bản quán triệt các ngân hàng chấp hành nghiêm túc quy định tại Thông tư 30/2011/TT-NHNN, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

“Nếu ngân hàng nào có tình trạng lãi suất tiền gửi cộng với các khoản chi khuyến mại vượt trần quy định sẽ bị xử lý nghiêm”, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định.

Cũng tại cuộc họp trên, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường 1 và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài, cũng như kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng không có nguồn thu bằng ngoại tệ từ sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Định hướng được đưa ra là từng bước thực hiện tốt chủ trương chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Về ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biên của thị trường, đánh giá đúng quan hệ cung cầu của nền kinh tế để điều hành tỷ giá và mức độ can thiệp một cách thích ứng, đảm bảo mức độ biến động của tỷ giá không quá 1% từ nay đến cuối năm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có giải pháp kịp thời, đủ hiệu lực và khả năng cần thiết làm giảm đến mức tối đa chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế, chống đầu cơ vàng và tác động ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát tình hình thanh khoản của thị trường, chủ động phát hiện các tổ chức tín dụng có biểu hiện hay nguy cơ mất khả năng thanh khoản để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào mất khả năng thanh khoản.