07:30 11/05/2007

Hợp tác Việt - Trung: Hứa hẹn nhiều dự án lớn

Thùy Trang

Hội thảo “Phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt-Trung” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/5

Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc), tiếp giáp với tỉnh Lào Cai.
Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc), tiếp giáp với tỉnh Lào Cai.
Hội thảo “Phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt-Trung” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/5 với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan ban ngành cùng các doanh nghiệp lớn của hai nước kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khoáng sản, kho vận, quy hoạch khu công nghiệp, đầu tư du lịch...

Cuộc hội thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả (Trung Quốc) tổ chức.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho biết thành phố Sùng Tả là một địa bàn quan trọng nằm trên Hành lang kinh tế Việt - Trung (Nam Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng) với lợi thế có chung biên giới với 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng của Việt Nam, khi hạ tầng giao thông ở hai bên tiếp tục được hoàn thiện trong những năm tới thì Sùng Tả tiếp tục khẳng định vị trí rất quan trọng trong việc giao lưu kinh tế thương mại với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Nhất trí với đề xuất của Phó chủ tịch VCCI, Bí thư thành uỷ thành phố Sùng Tả, Trung Quốc La Điện Long đã đưa ra ý tưởng hợp tác. Ông đề nghị phía Việt Nam nâng cấp đường bộ từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Hà Nội thành đường cao tốc, nối liền với đường cao tốc từ Nam Ninh-Hữu Nghị Quan, xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, hình thành đường cao tốc Nam Ninh-Sùng Tả-Hà Nội-Hải Phòng.

Theo đề nghị của tổ chuyên gia liên hợp, cần sớm khởi động kế hoạch cải tạo đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, khôi phục đường không Nam Ninh-Hà Nội, đồng thời giải quyết vấn đề quá cảnh thuận tiện hoá cho xe cộ và nhân dân hai nước.

Đại diện cho Hiệp hội Giao thông vận tải Quảng Tây, Trung Quốc, ông Trần Minh Toàn nhận định với nhịp độ xây dựng Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN gia tăng, mậu dịch biên giới Việt-Trung nhanh chóng phát triển, có tác dụng tích cực xúc tiến sự phát triển của kinh tế xã hội song phương.

Lạc quan về tiềm năng phát triển mậu dịch biên giới Việt-Trung nhưng ông Toàn tỏ ra lo lắng về việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu, đặc biệt về giao thông vẫn chưa được hoàn thiện. Ông cho biết, trong 7 cửa khẩu của thành phố Sùng Tả, chỉ có Hữu Nghị Quan và Thuỷ Khẩu có đường bộ cấp II trở lên, có 35% cặp chợ biên giới chưa nối liền với đường bộ Việt Nam, có 60% đường bộ biên giới đẳng cấp thấp, điều kiện kém, xe chở hàng thông hành khó... Vì vậy, ông hy vọng hai bên cần thúc đẩy xây dựng giao thông cửa khẩu.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đang khẩn trương thúc đẩy tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông. TS. Nguyễn Bá Ân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết phía Việt Nam đang nâng cấp tuyến quốc lộ 70, quốc lộ 2 đi Hà Giang, quốc lộ 32, quốc lộ 4 đi Lai Châu và trong năm nay sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Đoạn Lào Cai-Việt Trì, dự kiến khởi công vào đầu năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010.

Các doanh nghiệp ngành khai khoáng Trung Quốc tham dự hội thảo nhìn nhận Việt Nam là đất nước có tài nguyên khoáng sản phong phú như than, mangan, sắt, nhôm. Trong khi đó thành phố Tùng Sả lại có kỹ thuật cao về khai thác và luyện quặng mangan, đất hiếm, quặng sắt. Ông Lưu Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Xuất nhập khẩu khoáng sản Tín Đỉnh cho biết, với ưu thế về vốn, Tín Đỉnh rất muốn được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để khai thác và chế biến quặng mangan, đất hiếm, quặng sắt.

Ngoài ra, thành phố Sùng Tả còn được biết đến là cơ sở chế biến mía đường lớn nhất Trung Quốc. Tổng giám đốc Công ty phát triển nông nghiệp thành phố Sùng Tả, Thu Chí Hồng đề nghị với lợi thế tài nguyên phong phú của Việt Nam, phía Trung Quốc muốn xây dựng Nhà máy đường chế biến mía đường, đường tinh chế, ván tương giấy bã mía và sản phẩm giấy. Mục tiêu xa hơn nữa là xây dựng cụm sản xuất chế biến mía đường xuyên quốc gia.

Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp thành phố Sùng Tả, Hoàng Nhất Bích cũng cho biết Dự án Khu chế xuất xuyên quốc gia biên giới Việt-Trung được ký kết với tỉnh Lạng Sơn đang được chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng. Ông Bích bày tỏ mong muốn sớm nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ hai bên để có thể triển khai thực hiện dự án này.

Một ngành kinh tế khác cũng được lãnh đạo và doanh nghiệp thành phố Sùng Tả đánh giá đầy hứa hẹn là du lịch. Tổng giám đốc Công ty Phát triển nông nghiệp thành phố Sùng Tả, Vương Tuyết Ninh đề xuất hai bên nghiên cứu thảo luận cùng nhau khai thác xây dựng Khu du lịch thác xuyên quốc gia Đức Thiên (Bản Giốc), cùng nhau xây dựng sản phẩm du lịch nổi bật là Tour du lịch cách mạng quốc gia Việt-Trung (dấu chân Hồ Chí Minh).