15:56 04/12/2008

HSBC tiếp tục bi quan về chứng khoán Việt Nam

Kiều Oanh

HSBC cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên quá nhỏ bé để các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn

Báo cáo này tiếp tục nhấn mạnh vào sự rút lui của khối đầu tư ngoại khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo này tiếp tục nhấn mạnh vào sự rút lui của khối đầu tư ngoại khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo thường kỳ mang tên Vietnam Monitor ra tháng 12 của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) một lần nữa bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Báo cáo này tiếp tục nhấn mạnh vào sự rút lui của khối đầu tư ngoại khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua. VnEconomy xin trích dẫn một số nội dung chính của báo cáo để độc giả tham khảo.

Yếu kém nhiều mặt

Số liệu của các nhà phân tích thực hiện báo cáo cho thấy, tháng 11 lại là một tháng u ám nữa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với hàn thử biểu VN-Index mất thêm 10,1% với giá trị tính bằng đồng USD.

Đây là mức sụt giảm tồi tệ hơn so với độ tụt 6,1% của chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á nói chung, trừ Nhật Bản. Ở thời điểm cuối tháng 12, chỉ số này đã về sát mức 300 điểm, một ngưỡng kháng cự tâm lý chủ chốt, và là mức đáy kể từ tháng 12/2005 trở lại đây.

Còn nếu so với mức đỉnh hồi tháng 3/2007, hiện VN-Index đã mất 75% số điểm.

Sự yếu kém của thị trường còn được phản ánh ở các số liệu khác. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM đã co lại chỉ còn 13 tỷ USD, so với mức 30 tỷ USD ở thời điểm đầu năm nay. Báo cáo chỉ rõ, đây thực sự là giá trị vốn hóa quá nhỏ so với các thị trường chứng khoán nhỏ khác ở châu Á, như thị trường Indonesia với giá trị vốn hóa 79 tỷ USD, hay thị trường Philippines với giá trị vốn hóa 98 tỷ USD.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 chỉ đạt mức 782 triệu USD, cao hơn chút ít so với một nửa khối lượng giao dịch của tháng 12 năm ngoái. Hiện chỉ còn có một doanh nghiệp niêm yết duy nhất có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD là ngân hàng ACB, so với mức 9 doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm ngoái. Số doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa trên 500 triệu USD cũng giảm từ mức 15 doanh nghiệp xuống còn 7 doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này gần như đã ít nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ngoài các quỹ quốc gia (country fund).

Báo cáo của HSBC cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra lượng cổ phiếu Việt Nam mà họ đang nắm giữ. Trong tháng 11, lượng bán ròng của khối ngoại là 48 triệu USD, xấp xỉ mức bán ròng của khối này trong tháng 10.

Các chuyên gia thực hiện báo cáo này cho rằng, ngoài các quỹ quốc gia, lượng cổ phiếu Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ còn không nhiều, do đó, áp lực bán ra trong thời gian tới sẽ hạn chế.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là các quỹ quốc gia, hiện vẫn nắm giữ khoảng 22% lượng cổ phiếu niêm yết, tương đương với hơn một nửa giá trị thị trường của các cổ phiếu sẵn sàng cho giao dịch (free float), so với mức 18% của cuối năm ngoái. Do đó, thời gian tới, thị trường vẫn sẽ chịu tác động từ các động thái của các quỹ này, chẳng hạn việc các quỹ này tăng mức tiền mặt nắm giữ, hay thậm chí đóng cửa.
HSBC tiếp tục bi quan về chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1
Biểu đồ về khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 1/2007 đến 11/2008 (đơn vị: triệu USD) - Nguồn: Bloomberg.

Nhận diện nguyên nhân

Báo cáo của HSBC cho rằng, việc nhận diện những nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam là không hề khó.

Ngoài sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường Việt Nam còn chịu tác động của những yếu tố nội tại như sự giảm tốc kinh tế, chính sách của Chính phủ, cũng như sai lầm của các doanh nghiệp niêm yết trong hoạt động đầu tư “tay trái” dẫn tới thua lỗ đậm. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kéo theo sự suy sụp niềm tin của các nhà đầu tư trong nước.

HSBC cho rằng, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới vẫn chưa có gì sáng sủa. Từ tháng 1/2009, thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán dự kiến sẽ được áp dụng. Mặc dù các mức thuế suất chỉ ở mức thấp, có những đánh giá cho rằng việc áp dụng thuế sẽ có tác động tâm lý xấu, hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thị trường. Trên thực tế, đã có nhiều công ty thông báo trả cổ tức một lần trước cuối năm nay để giúp các nhà đầu tư tránh thuế.

Mặt khác, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng có một số vấn đề phải bàn, trong đó phải kể tới sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu - lĩnh vực chiếm tới 68% GDP trong năm ngoái - và FDI - lĩnh vực chiếm 25% tổng lượng vốn đầu tư sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những biến động của tình hình bên ngoài.

Thêm nữa, giá chứng khoán ở Việt Nam lúc này cũng không phải là rẻ. Chỉ số P/E của thị trường Việt Nam của 12 tháng tới (tính dựa trên mức EPS sẽ giảm 10% trong năm nay và tăng 15% trong năm 2009) là khoảng 10 lần, cao hơn đáng kể so với mức 8,3 lần của thị trường Trung Quốc và 8,9 lần của thị trường Ấn Độ.

Sau những phân tích trên, HSBC cho biết, họ tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tháng tới.